Cảnh chen lấn xếp hàng mua đơn cho con vào lớp 1 tại nhiều trường ở Hà Nội lâu nay không còn hiếm song hình ảnh nhiều phụ huynh giẫm đạp, chui rúc, dầm mưa suốt đêm để kiếm một suất cho con vào trường Tiểu học Thực nghiệm đã khiến không ít người rùng mình.
Phụ huynh thiếu văn hóa?
Ngay khi những hình ảnh phụ huynh đạp đổ cổng trường, chen lấn để mua đơn cho con vào lớp 1 tại trường Tiểu học Thực Nghiệm (Ba Đình, Hà Nội) được đăng tải, ngay lập tức trên các diễn đàn làm cha mẹ, xuất hiện nhan nhản những lời bình luận về chủ đề này với nhiều lời thở dài, ngao ngán.
Là người trong cuộc, thành viên Haunuongmohanh trên diễn đàn webtretho tiết lộ gia đình nhà chị họ của của thành viên này đã phải cắt cử 4 người đi xếp hàng từ 2h sáng để mua đơn và ngay mai sẽ tiếp tục.
Theo lý giải của nhiều thành viên, sở dĩ các bậc phụ huynh mong muốn con theo học trường này bởi lẽ đây là ngôi trường GS Ngô Bảo Châu từng học, nơi có môi trường giáo dục đề cao tính sáng tạo, giúp con trẻ được sống đúng với tuổi thơ, khi không phải chịu quá nhiều áp lực về bài vở…
Cảnh chen lấn trước cổng trường Tiểu học Thực nghiệm sáng 12/5. Ảnh: Văn Chung |
Trường tốt, ai cũng mong kiếm suất cho con em mình là điều dễ hiểu, song cảnh tượng hàng trăm phụ huynh nhao nhao chen lấn, đạp đổ cổng, trèo rào, chui qua bụi cây… bằng mọi cách để mua được hồ sơ khiến nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán.
Một số thành viên webtretho tỏ vẻ thất vọng về văn hóa của người thủ đô. Một số khác thở dài đầy nghi hoặc “Người lớn thiếu văn hóa vậy sao mong trẻ con có văn hóa” hay “Buồn thay cho cái gọi là thủ đô văn hiến, nhìn cảnh này rồi cảnh lễ hội hoa, không dám nghĩ người nước ngoài sẽ đánh giá Hà Nội sao nữa”.
Thành viên Banhmiphetbo cũng thẳng thắn nhận định “Tìm trường tốt cho con là đúng, nhưng chỉ vì tâm lý đám đông mà làm mọi cách, có những hành vi khiếm nhã thế này thì không chấp nhận được”.
Có ý kiến gay gắt còn cho rằng: “Nhà trường chả nên cho con của những người vô ý thức này vào học, bố mẹ gì lại hành xử theo kiểu giang hồ thế này. Học trường nào đúng tuyến là được, quan trọng là con cái mình có năng lực và ý thức hay không thôi”.
Tuy nhiên nhiều ý kiến khác tỏ ra hiểu và thông cảm với cách hành xử trên của các phụ huynh.
“Mình xem rồi, xem rất kĩ và biết là họ làm vậy là hơi quá. Nhưng mình cảm thấy thông cảm và hiểu nỗi khổ của họ hơn là ném đá, trách móc và phê phán… Khi con được vào đây học, mình hiểu rất rõ vì sao ai cũng mong con được học ở ngôi trường này.”, thành viên TkH8169 chia sẻ.
Nicknamne Meyeugau phân tích thêm: “Quả thật là phản cảm, đúng như mọi người nói. Nhưng mình cũng đang nghĩ nếu mình cũng đứng trong đám đông kia, cũng chờ đợi mòn mỏi từ đêm hôm trước, liệu cả đoàn người ào ào xông lên liệu mình sẽ bỏ về vì ko chấp nhận nổi thái độ phản cảm của đám đông, hay hét to lên yêu cầu mọi người trật tự - trường hợp này có vẻ ko khả thi. Thử hỏi, nếu giữ phẩm giá cao quý thanh lịch, thì con mất suất học tốt. Các bạn sẽ chọn gì?”.
Hay giáo dục có vấn đề?
Việc trường Tiểu học Thực Nghiệm có phương pháp giáo dục đổi mới, bớt áp lực học hành cho học sinh thì ai cũng rõ, song nhiều bậc phụ huynh thắc mắc nó tốt thế, tuyệt vời thế, sao ngành giáo dục không mở thêm vài trường cho các cháu, để phụ huynh khỏi phải chen lấn, xếp hàng.
Nhiều ý kiến đặt vấn đề: “Giáo dục là một trong những điều cơ bản thiết yếu nhất, vậy mà ở ta vẫn phải bon chen, chiến đấu, giành giật. Không biết đến bao giờ mới tiệm cận được với thế giới?”.
Mong muốn cho con được vào học trường tốt, học phí lại không quá cao là mong muốn chính đáng của tất cả các vị phụ huynh. Họ nghe đồn rằng trường này đáp ứng được những tiêu chí như vậy. Chen chúc sẽ là điều không tránh khỏi khi hàng nghìn người muốn mua đơn mà nhà trường chỉ bán có vài trăm. Mình dám chắc rằng kể cả những quý vị phụ huynh văn minh nhất, luôn hành xử có văn hóa nhất mà rơi vào trường hợp này rồi cũng phải hành xử theo kiểu "giẫm đạp" thế này?”, thành viên Littlebud nêu ý kiến.
“Nhìn Nhật Bản mà thèm. Các trường bên đó có chất lượng, cơ sở vật chất hầu như tương tự nhau. Các cháu sinh ra ở đâu thì học ở đấy, chẳng có chuyện phải chạy chọt như Việt Nam”, thành viên Kukki so sánh.
Trên thực tế, cảnh tượng phụ huynh xếp hàng dài như thời bao cấp để xin học cho con vào các trường mầm non, tiểu học công lập trên địa bàn Hà Nội từ vài năm nay đã không còn quá hiếm. Nhiều người kỳ vọng vào phép màu của ngành giáo dục trong 1-2 năm tới, song số đông ý kiến còn hoài nghi và lo lắng đến tương lai tận 6 năm tới khi năm nay người người, nhà nhà săn con năm rồng.
Để tránh cảnh phụ huynh phải canh đêm, chen lấn trước cổng trường mua đơn, nhiều ý kiến đề xuất ngành giáo dục nên thay đổi để phù hợp.
Thành viên Nghiavanhn cho rằng: “Thay vì bán hồ sơ, các trường có thể cho đăng ký nộp hồ sơ qua mạng. Sẽ có một website của Bộ Giáo dục trong đó sẽ có từng trường một, như thế phụ huynh học sinh đỡ vất vả hơn”.
Áp với thực tế tại trường Thực Nghiệm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhà trường thay vì hạn chế số lượng đơn phát ra có thể cho phát rộng rãi, sau đó tiến hành bốc thăm hay quay số. Như vậy cảnh chen lấn sẽ hết tức thì.
Đ.Tâm (tổng hợp)