Ăn chay đâu chỉ là một phương thức dưỡng sinh. Những năm gần đây, ăn chay đã trở thành một nét văn hoá ẩm thực thú vị cho du khách đến Huế, đặc biệt là vào những ngày lễ.
Những món ăn độc đáo của dân du lịch bụi
Những món ăn quen thuộc của người Sài Gòn
Nghe Tây nói về 'món ruột' của Việt Nam
Những món ăn người Việt cũng 'chùn đũa'
Huế, thành phố có nhiều chùa chiền. Ở nông thôn, mỗi làng đều có chùa, gọi là
“chùa làng”. Từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, hoàng tộc đã ăn chay. Các hoàng thân
đều xây chùa riêng làm công đức. Tại đàn Nam Giao có một khu nhà đồ sộ tên là
Trai cung để vua lên ở, ăn chay trước khi tế trời. Cố đô Huế có cả những người
không đi chùa, nhưng ăn chay bốn ngày trong một tháng. Vì thế “truyền thống” ăn
chay trong gia đình, rất phổ biến ở Huế.
Nấu cỗ chay rất tốn công, thời gian mất gấp đôi cỗ mặn. |
Đến Huế, dù ở thành phố hay nông thôn, du khách có thể thưởng thức món chay ở khắp nơi. Món chay ngon, thanh đạm mà vẫn tốt cho sức khoẻ, lại rẻ. Muốn dùng thử, vào chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu (chỉ bán món chay ngày mùng 1, ngày rằm), với đủ món chay “giả mặn”. Về các chợ quê cũng có món chay. Đến bánh chưng, bánh tét, bánh canh, bún, phở, bánh bèo, nậm, lọc bán rong trên đường phố; những ngày rằm, mùng 1 cũng nấu kiểu chay.
Đến vùng phụ cận phía tây Huế, được mệnh danh là khu phố “chùa chiền”, dọc theo các phố cổ Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ, Thuỷ Xuân, cứ vài bước chân du khách sẽ thấy một quán bán món chay. Món chay ở đây bán theo kiểu buffet, có hàng chục món để chọn, giá bình dân.
Không hề thua kém ẩm thực cung đình Nguyễn, món chay ở Huế thật sự ngon và hấp dẫn về hình thức. Những đầu bếp nổi tiếng ở Huế cho biết nấu cỗ chay rất tốn công, mất thời gian gấp đôi cỗ mặn. Nào làm chả bằng quả chuối mật nấu chín, bóc vỏ, giã nhỏ với gia vị, bột thính, xong trộn đều với bí đao thái hột lựu, gói lá chuối đem hấp. Miếng chả quế cắn ra mới biết là khuôn đậu, trên mặt phết phẩm màu đem hấp. Sườn rán là khoai lang, vỏ đậu xanh bọc ngoài, chiên vàng. Con cá lóc da khía trông như thật được làm từ quả chuối xanh tẩm gia vị. Dĩa chả ram chỉ là nấm, miến tàu, gói bánh đa nem…
Người nấu chay giỏi đến quả mít non cũng thành thịt gà bóp tiêu muối, rau răm y như thật… Mà đâu chỉ nhà hàng chay sang trọng, vào bất cứ chợ bình thường nào cũng thấy dù chỉ là một sạp hàng nhỏ, vẫn bày bán ít nhất 30 – 50 món chay hương vị đậm đà. Đặc biệt màu sắc các món ăn thật đẹp mắt.
Nếu đến các khu phố đông đảo khách du lịch ở bờ nam sông Hương như Phạm Ngũ Lão, Đội Cung, Bà Triệu, Nguyễn Công Trứ sẽ gặp các tiệm bán thức ăn chay bài trí rất thanh nhã, tên hiệu Bồ Đề, Tịnh Tâm, An Lạc, Tịnh Bình...
Tuy phải chế biến tỉ mỉ, công phu nhưng món chay rẻ hơn món mặn khoảng 20.000 – 30.000 đồng/món. Những hàng chay sang trọng hơn, chế biến bằng nguyên liệu và gia vị từ Đài Loan, Hong Kong, Singapore… tất nhiên giá cũng mắc hơn, thường phục vụ đối tượng du khách nước ngoài.
Khi chiều về là lúc phố ăn chay ở Huế nhộn nhịp. Những hàng chay tấp nập du khách đến ăn tối, thưởng thức các món chay kho nấu kiểu Huế.
(Theo SGTT)