Tôi đang có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với một người khác giới tính. Gia đình tôi không có ai có biểu hiện đồng tính, và tuyệt đại đa số các bạn bè tôi là người dị tính. Điều này thực ra không hề quan trọng nhưng tôi phải nói trước để tránh sa vào các bàn luận không cần thiết theo kiểu “chỉ có người đồng tính mới ủng hộ chuyện này”.


Theo từ điển bách khoa toàn thư Britannica thì “hôn nhân là sự liên kết về luật pháp và xã hội, thường là giữa một người nam và một người nữ, chịu sự điều chỉnh của pháp luật, phép tắc, phong tục, đức tin, và thái độ về các quyền và nghĩa vụ của những người trong cuộc phối ngẫu, đồng thời quy định vị trí của con cái họ (nếu có)” [1]. Theo đó thì chỉ cần luật pháp và xã hội thừa nhận, tất cả những người yêu thương và muốn sống chung với nhau đều được quyền cưới hỏi.
Tệ nhất là nếu vì mục đích duy trì nòi giống mà người đồng tính buộc phải kết hôn với người dị tính, họ sẽ phải khổ sở suốt đời. Gia đình của họ tuy có vẻ “bình thường” nhưng chồng/vợ và con cái của họ chắc cũng chẳng hạnh phúc gì.

Bạn Kiều Hương đưa ra ba điểm để phản đối hôn nhân đồng tính, tôi cho rằng cả ba điểm này đều không phải là lý do chính đáng không cho phép người đồng tính cưới nhau.

1. “Đồng giới kết hôn thì trẻ con sinh ra từ đâu?!”.

Người đồng tính cho dù có được phép kết hôn với nhau hay không thì cũng sẽ không có con theo cách thức “thông thường”. Nếu cho phép người đồng tính cưới nhau thì họ sẽ được quyền công khai chung sống, xin con nuôi (nếu muốn), quyền lợi và nghĩa vụ của họ và con nuôi sẽ được pháp luật quy định. Còn nếu không được cưới nhau thì người đồng tính vẫn “ở vậy”. Trong cả hai trường hợp, sự duy trì nòi giống của toàn bộ phần còn lại của xã hội đều không bị ảnh hưởng (một người dị tính không phải vì luật pháp cho phép đám cưới đồng tính mà bỏ vợ/chồng mình để tìm người tình đồng tính).

Ngoài ra, tuy con cái là một phần rất quan trọng của hôn nhân, nhưng thực tế là có nhiều cặp vợ chồng dị tính có con rồi vẫn bỏ nhau (thậm chí có rất nhiều cặp tình nhân dị tính chỉ có “ăn ốc” mà không có “đổ vỏ”), lại có rất nhiều cặp vợ chồng khác vẫn hạnh phúc tuy không có con hoặc chỉ có con nuôi. Chúng ta không thể lấy lý do họ không thể có con mà tước đi quyền chung sống công khai và hợp pháp của họ.

Tệ nhất là nếu vì mục đích duy trì nòi giống mà người đồng tính buộc phải kết hôn với người dị tính, họ sẽ phải khổ sở suốt đời. Gia đình của họ tuy có vẻ “bình thường” nhưng chồng/vợ và con cái của họ chắc cũng chẳng hạnh phúc gì.

2. “Hôn nhân đồng giới có nguy cơ làm hỏng cả một thế hệ trẻ”.

Tôi không rõ như thế nào là “hỏng”. Nếu “hỏng” là được yêu và cưới người mình yêu thì không có gì phải lấy làm lo lắng cả.

Tôi đồng ý với bạn Kiều Hương là nhiều bạn trẻ bây giờ không rõ giới tính của họ là gì. Nhưng thế thì ta lại càng phải chấp nhận đồng tính là một hiện tượng bình thường và người đồng tính có đầy đủ mọi quyền và nghĩa vụ như người dị tính. Từ đó ngành giáo dục và y tế mới thiết kế được các chương trình tư vấn giới tính phù hợp, giúp họ xác định đúng giới tính của họ cũng như học cách xây dựng đời sống hạnh phúc. Trong một xã hội còn nhiều kỳ thị với người đồng tính như ở Việt Nam, bạn trẻ nào có “tâm tư” về giới tính sẽ e ngại, tự dằn vặt bản thân, hay tự tìm hiểu qua những nguồn mà rất nhiều trong số đó không lấy gì làm khoa học và “lành mạnh” lắm.

Giới tính không phải là phong trào. Hiện tượng quan hệ đồng tính có vẻ phổ biến trong thời gian gần đây là do xã hội đã dần dần cởi mở, khiến người đồng tính dám dần dần sống thực với mình, chứ không phải do “lây lan”.

3. “Người Việt Nam thì không thể chấp nhận một cuộc hôn nhân trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục như vậy”.

Hôn nhân có trái “đạo đức” hay không thì phải xem xét cụ thể chứ không thể quy chụp. Theo tôi, hôn nhân dựa trên tình yêu chứ không phải cưỡng ép hay “cướp giật” thì được coi là hợp đạo đức. Các dân tộc Á Đông trong hàng ngàn năm đã chấp nhận tảo hôn, đa thê, hôn nhân để đẻ con trai, hôn nhân dựa trên vai vế xã hội chứ không dựa trên tình yêu, v.v… Vậy đó có phải là “đạo đức” và “thuần phong mỹ tục” hay không?!

Chúng ta thường lên tiếng gay gắt với các cuộc hôn nhân đồng tính, còn bao nhiêu cuộc hôn nhân dị tính đang “què quặt” thì ít ai chịu lưu tâm. Luật hôn nhân gia đình Việt Nam không cho phép người đồng tính kết hôn. Hễ ai làm đám cưới đồng tính thì phường xã lập tức có mặt để “giải tán” và “xử phạt hành chính” theo đúng quy định của luật.

Luật hôn nhân gia đình Việt Nam lại cũng quy định vợ chồng, con cái phải thương yêu, hiếu thảo, hoà thuận với nhau. Vậy mà hàng trăm ngàn vụ bạo hành gia đình [1], trắng trợn vi phạm luật, lại không thấy ai xử lý đến nơi đến chốn. Cùng một luật mà có điều được “trọng”, có chỗ lại bị “khinh” như thế, thì rõ ràng là kết quả của sự kỳ thị người đồng tính nặng nề trong xã hội ta.

Điểm cuối cùng trong bài viết, cũng là điểm duy nhất tôi đồng cảm với bạn Kiều Hương là hôn nhân đồng tính ở Việt Nam có thể làm tổn thương những bậc sinh thành. Cha mẹ không có lỗi, nhưng như vậy cũng không có nghĩa là những đứa con đồng tính thì có lỗi. Người đồng tính nào may mắn có cha mẹ hiểu và chấp nhận thì hãy cho họ được phép cưới nhau. Người nào còn chưa được gia đình thông cảm thì chúng ta hãy động viên họ thuyết phục cha mẹ.

Tôi không dám hy vọng xã hội và luật pháp Việt Nam chấp nhận hôn nhân đồng tính trong tương lai gần. Nhưng tôi rất hy vọng suy nghĩ của xã hội và các nhà làm luật sẽ thay đổi theo hướng cởi mở và tôn trọng các quyền, bao gồm kết hôn, của người đồng tính hơn.

Ngày 30 tháng 5/2012
N.T. Đôn
(Alberta, Canada)


Các nguồn tham khảo có trích trong bài:
[1] Định nghĩa “hôn nhân”: http://www.britannica.com/EBchecked/topic/366152/marriage
[2] Thống kê của Viện xã hội học cho thấy ở Việt Nam, 5% phụ nữ nói mình bị chồng đánh đập thường xuyên, khoảng 80% các hộ gia đình có bạo lực, và tỷ lệ phụ nữ bị ngược đãi trong các gia đình khá giả là 76%: http://tudu.com.vn/vn/thong-tin-y-hoc/y-hoc-cho-moi-nguoi/ke-hoach-gia-dinh/bao-hanh-gia-dinh/bao-hanh-the-xac-va-bao-hanh-tinh-than-dau-phai-loi-cua-cac-nan-nhan-p2/
[3] Báo cáo của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, tháng 11/2011: http://www2.ohchr.org/english/bodies/hrcouncil/docs/19session/A.HRC.19.41_English.pdf

Tư tưởng chấp nhận người đồng tính là tư tưởng tiến bộ, tuy vậy không phải tư tưởng tiến bộ nào cũng được nhân loại chấp nhận nhanh chóng. Đừng tưởng rằng Phương Đông thì trung thành với truyền thống còn Phương Tây thì lúc nào cũng thoải mái và tự do. Truyền thống Ki-tô giáo lâu đời vẫn còn khá ảnh hưởng ở Phương Tây, và hễ ai có đọc Kinh thánh thì chắc biết câu “Nếu một người nam ăn nằm với một người nam khác, như ăn nằm với người nữ thì cả hai đều phải bị xử tử, máu của họ sẽ đổ trên người họ” (Leviticus 20:13). Điều này giải thích vì sao chỉ có 10 nước trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính (Argentina, Bỉ, Canada, Iceland, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển).

Ngoài 10 nước trên thì hầu hết các nước Tây Âu, Úc, và New Zealand v.v… đều chấp nhận cho người đồng tính đăng ký chung sống (nhiều cặp dị tính ở các nước này cũng không cưới mà chỉ đăng ký chung sống). Ngược lại, các nước coi đồng tính là “tội phạm” chủ yếu là các nước Trung Đông và Châu Phi (nặng nhất là Iran, Arab Saudi, và Sudan, nơi “tội” đồng tính có thể bị tử hình) [2]. Cũng ở Trung Đông, xã hội Israel tuy mang tiếng “bảo thủ” và “sùng đạo”, tuy không cho phép cử hành hôn lễ đồng tính nhưng công nhận hôn nhân của người đồng tính đã được đăng ký ở nơi khác (Israel là nước phát triển nhất ở Trung Đông). Riêng ở Mỹ, nơi luật hôn nhân do tiểu bang quy định, thì các bang ở vùng Đông Bắc và dọc theo bờ Thái Bình Dương vốn nổi tiếng là cởi mở và có kinh tế phát triển cao (như New York, Massachussetts, Washington, California, v.v…) đều chấp nhận cho người đồng tính kết hôn hoặc đăng ký chung sống. Còn các bang nổi tiếng bảo thủ ở miền Nam và miền Trung thì không cho phép. Điểm sơ qua những nơi trên thì cũng đủ thấy là sự cởi mở và thái độ chấp nhận quan hệ của người đồng tính là một chỉ số không tồi trong việc đánh giá mức độ phát triển về kinh tế - xã hội.