Họ đồng tính kết hôn cùng nhau, người dị tính cũng kết hôn cùng nhau, thì việc gì lo ngại giống nòi con người không còn? Thứ nữa, tôi cũng từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng, có con với nhau cũng đem nhau ra tòa li dị, thì ngại chi việc không con mà người đồng tính không thể hạnh phúc lâu dài.

Thân gửi tòa soạn cùng độc giả Kiều Hương,

Là một độc giả, tôi đã xem qua ý kiến của chị trong bài viết "Tôi không chấp nhận hôn nhân đồng tính", tôi cũng hiểu được những ưu tư và lo toan của chị về tương lai, khi mọi người cùng đặt ra vấn đề: Có nên hay không việc kết hôn đồng tính?  Tuy nhiên, tôi xin phép được mượn một ít dòng của tòa soạn chia sẻ cùng chị.

Thứ nhất, nếu chúng ta chỉ quá chuyên tâm việc hôn nhân là sinh sản, thì tôi cảm nhận ra rằng, loài người chúng ta chẳng khác những cái máy chỉ biết duy trì nòi giống. Hôn nhân, yếu tố tiên quyết cũng là mấu chốt, tôi tin rằng là phải có  sự đồng cảm, ưu ái và sẻ chia cùng nhau. Với kèm theo đó, tỉ lệ người đồng tính tồn tại xung quanh chúng ta, cũng như những thành phần dân tộc khác nhau như: người da màu, người dân tộc...

Nếu chúng ta vịn vào lý do không thể duy trì giống nòi, mặt nào đó, chúng ta đã trở lại thời kì phân biệt con người. Họ đồng tính kết hôn cùng nhau, người dị tính cũng kết hôn cùng nhau, thì việc gì lo ngại giống nòi con người không còn? Thứ nữa, tôi cũng từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng, có con với nhau cũng đem nhau ra tòa li dị, thì ngại chi việc không con mà người đồng tính không thể hạnh phúc lâu dài. Cùng với đó, việc khoa học sẽ phát triển, thì việc sinh con hay không, lúc đó sẽ không còn là quan trọng. Như đã nói ở trên, tôi vẫn cho rằng hôn nhân luôn quan trọng là sự yêu thương.

Thứ hai, tôi không nghĩ đồng tính là một xu hướng thời trang, mà bất kể người này thấy hay thì người khác cũng nhảy vào. Nó không lây, vì nó không phải là bệnh, do đó không thể là "bị" được thưa chị. Có rất nhiều cặp vợ chồng dị tính, quen nhau và sau khi hoàn tất sự nghiệp, kết hôn và chia tay để quen một người mới. Thì tôi tin rằng, hôn nhân càng không phụ thuộc tuổi tác để xem rằng mình có bồng bột hay không. Nhưng tôi tin rằng, việc chúng ta xử phạt các em bằng cách vịn vào một điều không tồn tại, tôi cho đó là bồng bột.

 


 

Thứ ba, thưa chị Kiều Hương, có lẽ chị đã không cập nhật thêm kiến thức cho mình từ rất lâu rồi, đúng không ạ? Nhân đây tôi cũng cung cấp thêm cho chị một ít thông tin. Rằng đã có ít nhất 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đang áp dụng những chính sách bình đẳng tương tự. Nếu nó vi phạm phạm trù đạo đức, băng hoại lịch sử, truyền thống thì vì sao nó có thể được thừa nhận tối đa như vậy. Hoặc truyền thống chúng ta cao hơn, hoặc chúng ta đang có một bộ phận người cô lập sự phát triển của văn hóa. Thuần phong mỹ tục của người Việt mang tính nhân văn rất cao và trân trọng tình yêu, hạnh phúc của mọi người. Do đó tôi cho rằng việc cấm đoán hay bài trừ tình yêu, kết hôn đồng tính mới là một việc đi ngược lại với truyền thống đạo lý của người Việt.

Thưa chị Kiều Hương thân mến,

Nền văn hóa chúng ta xuất thân từ nền văn hóa lúa nước, cuộc sống quây quần làng xã và gia đình là điều chủ yếu tồn tại. Tuy nhiên, điều này qua thời gian, từ lối sống giúp đỡ, chúng ta đã dạy cho bản thân và con cái chúng ta phải biết sống một cách sống không phải của mình. Cha mẹ muốn con giỏi giang cốt nở mày nở mặt. Con muốn cha mẹ có tiền để có thể huênh hoang. Nhưng chúng ta quên mất bài học phải giúp con sống đúng và sống có ước mơ hoài bão. Vậy bắt con mình phải đóng giả một vai diễn mà nó sẽ gánh chịu suốt cuộc đời hay thừa nhận và đứng cùng con chống lại những hủ tục không còn giá trị. Là cha mẹ, đừng bắt con sống cho mình, vậy cũng là một sự ích kỷ.

Vì vậy, tôi nghĩ, vì một xã hội công bằng và tiến bộ hơn, chính chị cũng như những người cùng quan điểm, hãy đập tan sự kì thị và ngộ nhận do trí thức còn giới hạn.

Thân.

Tôi xin trân trọng cảm ơn quý báo rất nhiều.

Độc giả Huu Ngan Tran

(Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả)