Trong quan niệm nhiều người thì việc hai người đồng tính kết đôi với nhau là điều không chấp nhận được, song nếu nhìn nhận rằng mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, và là hạnh phúc chính đáng, xuất phát từ tình yêu chân thành thì sẽ không khó để trả lời cho câu hỏi hôn nhân đồng tính có hợp tình hợp lý hay không.

Thực tế, việc cho phép những người đồng tính kết hôn không gây xâm phạm gì đến lợi ích, quyền của người khác, mà chỉ mang lại hạnh phúc và sự bảo vệ cho những người đồng tính vốn là một phần bình thường, tự nhiên và không thể tách rời của xã hội.

Hình ảnh một số đám cưới của người đồng tính được tổ chức gần đây.

Trao cho người khác quyền, không có nghĩa là làm mất đi quyền của bạn. Pháp luật mở rộng cơ hội bình đẳng cho nhiều người hơn, nghĩa là xã hội trở nên hạnh phúc hơn. Không ai xâm phạm quyền của ai cả.

Phong tục tập quán cũng phát triển theo thời gian

Một số ý kiến cho rằng hôn nhân đồng giới không phù hợp với phong tục tập quán người Việt. Phong tục tập quán cũng vận động và phát triển theo thời gian. Đã có nhiều vấn đề pháp luật đi trước phong tục, như hôn nhân một vợ một chồng, hay quyền bình đẳng của phụ nữ.

Thời xưa, khó có thể tưởng tượng việc đàn ông lại có thể bị cấm lấy nhiều vợ. Cũng như nhiều quốc gia đã từng kịch liệt phản đối việc phụ nữ đi học, làm việc, bầu cử hay tham gia chính trị. Truyền thống văn hóa là phụ nữ phải ở nhà bếp núc, phục vụ chồng con, không tham gia vào chuyện của đàn ông, không có chuyện nam nữ bình quyền được. Nhưng tất cả những truyền thống văn hóa ấy đã và đang thay đổi. Tại sao? Câu trả lời đơn giản là vì con người ngày càng tự do hơn, mong muốn hạnh phúc toàn diện hơn.

Phong tục là do con người tạo ra và phát triển, chứ không phải phong tục trói buộc con người. Người đồng tính, nhìn nhận với tư cách là một con người biết yêu thương, khó có thể gọi là trái với văn hóa đạo lý người Việt được. Ngược lại, không có nét thuần phong mỹ tục nào của Việt Nam có thể chấp nhận việc đi xem thường giá trị của người khác, ngăn cấm tự do yêu thương giữa những con người lương thiện với nhau.

Chuyện duy trì nòi giống

Nhiều người lại cho rằng hôn nhân đồng giới không đảm bảo duy trì nòi giống. Thứ nhất, việc cho phép người đồng tính kết hôn không ảnh hưởng tới việc sinh con đẻ cái của những cặp khác giới. Và nếu không cho phép họ kết hôn, thì họ cũng không lấy người khác giới (trừ trường hợp miễn cưỡng, giả tạo; mà miễn cưỡng, giả tạo lại là điều cấm của hôn nhân). Thứ hai, mục đích hôn nhân không chỉ duy nhất là sinh con đẻ cái, vì nếu không thì những người vô sinh, không muốn sinh con hoặc người lớn tuổi phải bị cấm kết hôn, vì họ cũng không tạo ra thế hệ sau. Ở đây, quan trọng hơn hôn nhân là để tạo ra môi trường hạnh phúc cho mọi người. Đó chính là mục đích nhân văn nhất của hôn nhân.

Một lập luận khác nói rằng nếu hợp pháp hóa đồng tính, mọi người sẽ kéo nhau đồng tính hết và nhân loại sẽ diệt chủng (?!) Cùng với kiểu lập luận buồn cười như vậy, có lẽ cũng nên suy nghĩ đến việc không cho phép bất kì ai độc thân, vì nếu ai cũng độc thân hết thì cũng sẽ xảy ra diệt chủng(!). Trao cho mọi người quyền, là để những ai muốn thực hiện quyền sẽ có cơ hội sử dụng, chứ không phải ép buộc mọi người sử dụng quyền như một nghĩa vụ.

Muốn hợp thức hóa

Một số ý kiến cho rằng nếu người đồng tính muốn sống chung thì cứ việc sống như bình thường, đâu cần thiết phải hợp thức hóa. Thực tế là dù pháp luật không cho phép, họ vẫn sống chung với nhau, nhưng bị mất đi nhiều quyền lợi, như quyền thừa kế, quyền tài sản chung, nhận con nuôi, quyền nhận thân nhân trong các trường hợp khẩn cấp, đặc biệt, quyền hưởng các phúc lợi xã hội, lao động như các cặp khác giới.

Việc hôn nhân đồng giới được công nhận, cũng sẽ giúp mối quan hệ của những người đồng tính trở nên gắn kết hơn, có trách nhiệm hơn. Chừng nào pháp luật còn chưa công nhận, họ sẽ còn thấy băn khoăn, lo lắng và dễ bị tổn thương khi chung sống với nhau, do chưa ràng buộc với nhau một cách chính thức.

Quan trọng không kém, sự công nhận của pháp luật còn có ý nghĩa tinh thần sâu sắc, thể hiện rằng xã hội tôn trọng phẩm giá của mọi con người như nhau và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tất cả công dân. Đó chính là sự công bằng. Mọi người đóng thuế như nhau, thì phải có quyền lợi như nhau. Kết hôn không phải là đặc quyền của một nhóm người nào cả, mọi người đều có quyền kết hôn miễn là tự nguyện và không ảnh hưởng tới quyền của người khác.

Độc giả Huy Luong