- Trong tiếng Trung Quốc, Sheng nu tức người con gái lỡ thì. Người con gái lỡ thì theo chuẩn mực Á Đông là một cô gái đã lớn tuổi rồi mà chưa lập gia đình. Vấn đề với những chữ này là nó không chỉ chỉ một cô gái chưa kết hôn.

TIN BÀI KHÁC:

LTS: GS David Pickus là giảng viên lịch sử và chính trị tại Đại học bang Arizona (ASU), Mỹ. Ông từng nhiều lần tới Việt Nam để nghiên cứu về toàn cầu hóa và ảnh hưởng của nó tới cách suy nghĩ và hành vi của giới trẻ Việt Nam. Bài viết riêng của GS cho báo VietNamNet.

"Thà thiếu nhưng quyết không ẩu"

Tuần trước là một tuần may mắn đối với tôi. Tôi trở lại Hà Nội và có dịp được gặp gỡ một số bạn bè cũ. Trong số họ có một cô gái tuổi đôi mươi, có trình độ và chuyên môn. Cô ấy chưa kết hôn và dẫn tôi đi giao lưu với một số người bạn của cô, những người cũng giống cô: tốt nghiệp trường đại học có tiếng, có việc làm, xinh đẹp và chưa lập gia đình. Tôi thật vui vì có cơ hội được giao du với họ. Nhưng mục đích của tôi không phải như bạn nghĩ đâu! Tôi chỉ muốn hỏi họ một số vấn đề và rút ra bài học từ những câu trả lời của họ, bởi vấn đề họ đang gặp phải không phải chỉ riêng có ở Việt Nam. Đó là vấn đề chung của những thiếu nữ trẻ và hấp dẫn trên toàn thế giới. 

Dù đúng hay sai, tôi cũng muốn nói rằng tôi không giữ quan điểm hôn nhân là cái đích hướng tới của tất cả mọi người. Tôi có hai cô  em gái nhưng tất cả chúng tôi đều không kết hôn. Hai cô em gái của tôi quyết định sinh con và tự nuôi.Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng khá đắt khi không lập gia đình mà vẫn sinh con. Các bạn trẻ nào đang cân nhắc lựa chọn của mình cần ý thức được những khó khăn này, cũng như cần hiểu được đầy đủ bản chất của việc lập gia đình. 

 

Ảnh minh họa
 

Điều cơ bản tối thiểu nhất cũng phải là người Hà Nội (để sau này không phải đi xa mỗi dịp về quê), có nhà và có một công việc thu nhập cao. Ngoài ra, có một điểm chung trong các yêu cầu của họ nữa là người chồng tương lai phải trẻ trung, hấp dẫn và sẵn sàng dành thời gian chăm sóc con cái.

Tôi hiểu văn hóa Việt Nam đề cao việc kết hôn và lập gia đình, và tôi không có gì phê phán gì điều đó cả. Tôi cũng không phê phán các bậc cha mẹ và ông bà thường cảm thấy lo lắng khi con cháu mình chưa chịu lấy chồng. Họ có quyền thể hiển cảm giác của mình cho người con, người cháu đó biết. Nhưng tôi không biết liệu có ích gì khi sử dụng những từ ngữ có thể làm tổn thương người khác. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp hôn nhân, bởi cách người ta cảm nhận về giá trị của mình trong mắt người khác sẽ ảnh hưởng tới các quyết định của họ. Gọi người khác bằng những cái tên có ý chê bai thường dẫn họ tới thái độ thiếu suy nghĩ hoặc kiếm chuyện gây rắc rối.

Ế vì đặt tiêu chuẩn cao?

Vậy thì tôi đã rút ra được điều gì từ cuộc nói chuyện với các bạn gái trẻ Việt Nam? Vâng, trước tiên tôi hỏi họ về người chồng mong muốn của họ như thế nào, cho dù tôi đã biết trước họ sẽ đề ra những mục tiêu khá cao. Điều cơ bản tối thiểu nhất cũng phải là người Hà Nội (để sau này không phải đi xa mỗi dịp về quê), có nhà và có một công việc thu nhập cao. Ngoài ra, có một điểm chung trong các yêu cầu của họ nữa là người chồng tương lai phải trẻ trung, hấp dẫn và sẵn sàng dành thời gian chăm sóc con cái.

Có thể thấy là không phải dễ dàng kiếm được một ai đó hội đủ các tố chất trên, đặc biệt với những người còn trẻ tuổi. Còn nếu yêu cầu thêm xe hơi như một người trong số họ nêu ra (để bù đắp nếu những điều kiện còn lại đáp ứng chưa tốt) thì rõ ràng chắc chỉ một nhóm nhỏ các bạn nam đáp ứng đủ các tiêu chuẩn này. Thường những người con gái khi thể hiện sự kén chọn như vậy hay bị chê bai ghê gớm lắm, nhưng tôi không nghĩ đó là một cách phản ứng đúng mực.

Vì trước hết, nam giới cũng rất kén chọn theo cách của họ. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những anh chàng đặt ra đủ thứ tiêu chuẩn và tài năng đòi hỏi ở một người phụ nữ sẽ chẳng dễ kiếm trong xã hội. Tiếp nữa, chưa thấy một điều gì đó đặc trưng Việt Nam trong cái danh sách yêu cầu này. Ở Trung Quốc, Indonesia và nhiều nước khác nữa, phụ nữ cũng đặt kỳ vọng cao hơn đáng kể về một người chồng mong muốn trong tương lai.

Cũng cần thảo luận thêm nữa là liệu những tiêu chuẩn này có thể đáp ứng trong hoàn cảnh hiện nay. Trước tiên hãy xem xét vấn đề nhà ở. Với mức giá căn hộ và nhà ở như hiện tại, đơn giản là khó có thể trông đợi đại đa số thanh niên có cơ hội đáp ứng thỏa mãn đầy đủ yêu cầu về nhà ở trước tuổi 30. Khó khăn trong việc mua nhà còn thể hiện theo cách này hay cách khác, và tôi đánh giá cao các bạn trẻ Việt Nam đã ổn định cuộc sống trong ngôi nhà riêng của mình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng kiếm được một ngôi nhà như vậy và sẽ hữu ích hơn nếu giới trẻ biết xây dựng nên một thái độ sống mới, theo đó trẻ em từ một độ tuổi nhất định, trong thời gian còn chung sống với cha mẹ và gia đình, cũng cần bắt đầu một lối sống độc lập hơn. Nhiều gia đình phương Tây vẫn làm theo cách làm như vậy, và điều đó giúp các bạn nữ trẻ Việt Nam như những người tôi vừa nói chuyện thay vì quan tâm tới sở hữu vật chất (yếu tố có thể không đồng nghĩa với một người chồng tốt) sẽ chú ý hơn tới vấn đề xây dựng tổ ấm với nhau như thế nào trong tương lai.

Ngoài ra, tôi có hai ý riêng về việc tại sao bạn có thể thấy những bạn trẻ giống như vậy ở mọi nơi trên thế giới. Trước tiên, đó sự ảnh hưởng nặng nề từ các kỳ kiểm tra và thi thố trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Với những người quen với việc đi thi, mà ở đó, chỉ có một vài người đạt điểm cao, còn những người khác phải chấp nhận điểm thấp hơn hay thậm chí bỏ cuộc – thì việc làm bài kém trong “kỳ sát hạch hôn nhân” là rất đáng sợ. Tôi cũng nghĩ điều này có thể giải thích tại sao cả nam giới và phụ nữ đôi khi lại từ chối một người dù người đó có vẻ sẽ là một nửa thích hợp của mình. Một người rất tốt, nhưng dường như lại không phải là người “ghi điểm cao nhất”.

Thứ hai, tốc độ công nghệ thông tin liên lạc giúp cho các nhóm bạn có thể giữ liên lạc với nhau qua tin nhắn điện thoại, truy cập facebook… Điều đó làm giảm khả năng các lựa chọn cá nhân về một người bạn đời được “tự quyết” bởi một cá nhân ấy hay trong một gia đình. Đôi khi nó còn củng cố tâm lý “đồng đội” trong nhóm, tức là khi người khác chưa lập gia đình, mình cũng quyết “ở vậy” và khi một người lên xe hoa, mình cũng chẳng chịu chậm chân.

Vậy ta có thể rút ra kết luận gì, hãy nhớ rằng những điều trên xảy ra trên khắp thế giới. Thông thường, mọi người thường cố gắng giảng giải hay phê bình giới trẻ. Tuy nhiên, chưa rõ những chỉ trích đó giúp gì được hay không, và cũng không dễ biết đâu là lựa chọn tốt nhất đối với người khác.

Kết luận của cá nhân tôi là, do thế hệ mới phải đứng trước những lựa chọn khác trước đây nên điều tốt nhất nên làm là phải hiểu xã hội đang thay đổi thế nào và có kỹ năng tư duy phê phán trước khi đưa ra quyết định chứ đừng nhắm mắt làm liều. Người Việt luôn rất giỏi khi đứng trước những thách thức, và câu chuyện hôn nhân hôm nay sẽ đưa xã hội đi theo một hướng khác.

David Pickus (Đình Ngân dịch)

BẠN NGHĨ GÌ VỀ QUAN ĐIỂM CỦA GS David Pickus VỀ VẤN ĐỀ "GÁI Ế" Ở VIỆT NAM? MỌI CÂU CHUYỆN, TRANH LUẬN XIN GỬI THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC EMAIL DOISONG@VIETNAMNET.VN! TRÂN TRỌNG CẢM ƠN ĐỘC GIẢ!