Năm 15 tuổi, Huy (hiện ở Thái Hà – Đống Đa – Hà Nội) nhận ra mình chỉ có tình cảm với người cùng giới. Không thể chia sẻ với ai những điều mình giấu kín, Huy cầm dao lam rạch những vết sâu vào lòng bàn tay, 2 vết ngang, 2 vết dọc.


Những điều luôn giấu kín

Năm 15 tuổi, Huy (hiện ở Thái Hà – Đống Đa – Hà Nội) nhận ra mình chỉ có tình cảm với người cùng giới.

Không có quá nhiều bỡ ngỡ, em đón nhận những chuyện ấy rất tự nhiên. Huy không có những mặc cảm tội lỗi hay tự giày vò vì bản thân khác với những thằng con trai khác. Được tiếp xúc với internet, sách báo sớm, em hiểu rằng xu hướng của mình là hoàn toàn bình thường. 

 

Những bế tắc của cuộc sống khiến Huy đã có lúc tìm đến rượu để quên đi tất cả (Ảnh minh họa).

Thế nhưng ngoại hình nhỏ nhắn, thư sinh cùng cách thể hiện nhẹ nhàng, khác với các bạn nam của em khiến mọi người xì xào bàn tán về giới tính của Huy. “Lúc đó đi đâu người ta cũng nhìn em, nhiều người chỉ trỏ, cười cợt khi em đi qua. Có nhiều người còn hỏi thẳng em là “Mày pê đê à?” Nhiều lúc họ nói những câu làm em phát khóc” -  Huy kể bằng một giọng cay đắng.

Không chỉ xì xào bàn tán, nhiều bạn cùng trường của Huy bắt nạt em vì dáng vẻ yếu ớt ấy. Huy kể: “Năm lớp 11 em bị chửi là pê đê, xăng pha nhớt hoài, lúc nào đi trên đường hay đi qua cổng trường giờ tan học là bị chửi, đi học em toàn cúi gằm mặt xuống, đi thật nhanh, chỉ mong không ai nhận ra mình thôi”.

“Thi thoảng em còn bị đánh nữa”. Huy vẫn tiếp tục kể bằng giọng đều đều, vô cảm, “Chúng nó đi một đám với nhau, gặp em trong quán net, một thằng liên tục cốc vào đầu em và chửi em là thằng ái. Mỗi lần như thế là cả bọn lại cười rộ lên. Tụi nó cứ làm thế đến lúc nào em bỏ đi thì thôi”.

Cả quãng thời gian trung học phổ thông bị bắt nạt khiến Huy dần trở nên lầm lì, ít nói, em thu mình lại và hầu như không chơi với một ai cả. Hương – bạn cùng lớp đồng thời cũng là người chị thân thiết của Huy chia sẻ: “Hồi đó cách đây đã 4 – 5 năm rồi, mọi người còn kỳ thị ghê lắm. Thấy thằng con trai nào mà nhỏ nhẹ, nữ tính là người ta nói. Trong lớp cũng biết nó (Huy) bị trêu chọc nhưng chẳng ai nói gì. Ở lớp không có ai bắt nạt nó là may lắm rồi”.

“Có nhiều khi em muốn phát điên. Tất cả mọi người không ai hiểu em và cũng không cần biết em đang gặp chuyện gì. Em cũng không thể nói với bố mẹ vì bố mẹ em ở xa. Mà bố mẹ em lại càng không chấp nhận được chuyện đấy. Xung quanh không có ai muốn thân thiết với em. Em cảm thấy rất cô đơn. Em lúc nào cũng thấy sợ khi đi ra ngoài đường, không biết liệu có ai để ý mình không, liệu có ai nói xấu sau lưng không… Ở trường em ngay cả tụi lớp dưới cũng trêu em… Thậm chí chúng nó còn mong em nghỉ học…”

Người lớn không tham gia vào những trò bắt nạt trực tiếp hay sỉ nhục, miệt thị Huy nhưng họ bỏ mặc và không quan tâm đến những vấn đề mà em gặp phải. Bế tắc trong tình cảm và cuộc sống, Huy không thể chia sẻ với ai.

Điều đó khiến em dần trở nên trầm cảm và có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Những ý nghĩ về một kế hoạch tự tử, những suy nghĩ về sự bất công và căm ghét đối với trường học, những oán giận của em với giới tính của chính mình luôn được Huy giấu kín. Nhưng chính những sự kì thị của người khác với em lại được bộc lộ một cách công khai.

Một cuộc sống cô đơn

Sống trong cô đơn và nỗi lo sợ, uất ức khi bị bắt nạt ở trường học, Huy không tìm được một ai có thể lắng nghe hết những vấn đề của em và giúp em tìm ra hướng giải quyết. Tất cả những gì Huy nhận được chỉ là những trò bắt nạt ngày càng quá đáng và những lời khẳng định rằng thiên hướng của em là một điều sai lầm, đáng xấu hổ.

Đến tận những năm học đại học, Huy cố gắng nam tính hơn và hòa nhập tốt hơn với đám đông, em vẫn cảm thấy chạnh lòng khi nghe mọi người chế giễu người đồng tính. Khi đi trên đường và chợt nghe thấy từ “pê đê”, Huy vẫn giật mình vì em luôn bị ám ảnh rằng mình đang bị chú ý, đang trở thành trò cười cho người khác.

Những năm học trung học phổ thông nặng nề, không thể chia sẻ với ai những điều mình giấu kín khiến Huy bế tắc. Huy cầm dao lam rạch những vết sâu vào lòng bàn tay, 2 vết ngang, 2 vết dọc. Chìa bàn tay có những vết sẹo trắng nổi lên rõ rệt, Huy cười và kể: “Máu chảy nhiều lắm, em thấm ướt một cái áo trắng toàn máu. Em vừa nắm chặt tay vừa cười, như điên ấy”.

Hương – người bạn của Huy thì kể lại: “Lúc đến lớp nhìn thấy tay nó nắm lại, kẽ tay toàn máu khô. Hỏi nó thì nó bảo nó nghịch phẩm màu. Mình gỡ tay nó ra thì mới thấy mất vết cắt, mình đi mua bông băng rồi ép mãi nó mới chịu băng lại. Ai hỏi nó cũng bảo gọt hoa quả cứa vào tay”.

Tìm mọi cách để vùi lấp nỗi cô đơn và tuyệt vọng, Huy tự làm mình đau và tìm đến nhiều cách ngu xuẩn khác. Năm đầu đại học Huy uống rượu như điên, hút thuốc lá không thua gì những người nghiện thuốc. “Có những buổi chiều em hút hết hơn 3 bao thuốc, cứ châm rồi lại hút. Cũng không biết mình hút để làm gì nữa anh ạ. Chỉ vì ngồi một mình buồn quá”.

Những lúc ấy Huy tự trách mình, tự giày vò mình. Tại sao Huy sinh ra lại không giống những thằng con trai khác, tại sao lại khác người làm gì cho khổ? Huy thèm được phép lựa chọn yêu ai, được phép lựa chọn trở thành thế này, trở thành thế kia. Để được sống một cuộc sống thoải mái. Để có thể cười nói với những thằng con trai khác khi tụ tập bàn tán về con gái. Không cần giấu giếm, không cần sợ hãi. Em oán giận ông trời vì đã sinh mình ra như vậy để chịu bao nhiêu những đau khổ mà lẽ ra em không phải chịu đựng. Nhưng rồi sự thật là giới tính không phải một sự lựa chọn khiến Huy buồn lòng.

 Em cảm thấy muốn gục ngã.

“Nhiều lúc em không muốn sống nữa. Em chỉ muốn chết thôi. Mà đặt lọ thuốc ngủ lên bàn rồi lại nghĩ tới mẹ, lại không dám chết nữa”, Huy cười buồn.

(còn tiếp)

Lâm Lâm

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

 

 

Có những nghiên cứu cho thấy rằng tỉ lệ tự tử ở những đứa trẻ thuộc cộng đồng LGBT (Người đồng tính nữ, Người đồng tính nam, Người song tính, Người chuyển giới) cao hơn rất nhiều so với những đứa trẻ dị tính. Tỉ lệ trầm cảm, sử dụng ma túy, tự hành xác, bỏ nhà đi,… cũng cao hơn rất nhiều.

Hiện nay ở Việt Nam có rất ít những dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, rất ít những kênh thông tin cung cấp kiến thức về LGBT một cách chính thống. Rất nhiều người thuộc cộng đồng LGBT gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm thông tin để tự nhận biết về mình, tìm kiếm cách bảo vệ mình.

Cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý, sinh lý, các trung tâm tư vấn tâm sinh lý, các kênh thông tin đa dạng, chính xác để giúp các bạn thuộc cộng đồng LGBT hiểu được xu hướng của mình, vượt qua những khó khăn khi vấp phải sự kỳ thị của xã hội, tránh được những tổn thương về cả tinh thần lẫn thể xác. Cũng như để nhiều người trong xã hội có hiểu biết đúng và hành động đúng với cộng đồng LGBT.