“Hỡi những nhà lãnh đạo thủ đô có thấu chăng? Hãy làm một điều gì đó để con cháu sau này không phải ngậm ngùi vì mình sinh ra ở thủ đô!”, độc giả Trần Tiến Dũng bày tỏ.


Sau khi loạt bài bàn về đời sống văn hóa của người Hà Nội hiện đại được đăng tải, VietNamNet đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Phần đông độc giả cho rằng chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, cần nhận ra “căn bệnh” của Hà Nội để chữa trị nó. Rất nhiều độc giả đã hiến kế để lấy lại sự thanh lịch cho thủ đô.

Hà Nội đang phát triển một cách méo mó

Rất nhiều độc giả cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự thụt lùi về văn hóa của người Hà Nội hiện nay là do sự phát triển không đồng bộ giữa kinh tế và văn hóa.

Độc giả Nguyễn Nam Hồng phân tích: “Hà Nội đang phát triển một cách méo mó, dường như sự tăng trưởng về vật chất tỷ lệ nghịch với ý thức văn hóa xã hội. Ngay cả các phương tiện thông tin đại chúng nhiều khi cũng a dua, cổ vũ cho lối sống thực dụng. Tôi đã xem một chương trình truyền hình cho lứa tuổi thiếu niên trong đó các em nữ xưng hô với nhau là "tôi" với "bà" và nói với nhau toàn là chuyện phù phiếm, có lẽ trẻ em ở nông thôn nghe chắc không hiểu được. Người lớn thì lao vào kiếm tiền và tranh giành địa vị, trẻ em lại noi theo gương người lớn thì làm sao Hà Nội thay đổi được”.

Ảnh: VnMedia

Còn độc giả Thu Loan thì cho rằng, sự xuống cấp của đạo đức người Hà Nội một phần do sự xuống cấp của kỷ cương pháp luật. Độc giả này phân tích: “Do đâu mà đạo đức xã hội xuống cấp? Do người lao động chân chính thì làm quần quật không đủ ăn trong khi đó ra đường, đến cơ quan công quyền bất cứ khi nào cũng bị hạch sách chặt chém, ốm đau vào bệnh viện phải làm luật cho bác sĩ mà cũng chẳng được chữa lành bệnh; tầng tầng lớp lớp tiểu thương, gia thương cũng đua nhau buôn gian bán lận, gặp "gà" là chém, quyết để có cuộc sống không kém ai chẳng còn chút tình người nào. Xã hội giờ đây không ai thật sự tin ai, người ta trở nên dễ nổi nóng hơn bởi bất công xã hội đầy rẫy”.

Độc giả Hiếu thì cho rằng, sự xuống cấp của Hà Nội là do tình trạng nhập cư tràn lan. Độc giả này so sánh với TP. HCM: “Ở TP.HCM cũng vậy, giống như 1 bãi rác hơn là một TP, người dân vô tư vứt rác ra đường vì họ nghĩ sẽ có xe hốt rác dọn dẹp cho họ. Bên cạnh đó thì họ đi đường lúc nào cũng bóp còi như 1 vũ khí. Tôi nghĩ ở VN chỉ có 1 thành phố đúng nghĩa, đó là thành phố Đà Nẵng. Còn lại tất cả là nông thôn”.

Độc giả Hoàng Minh cũng đồng quan điểm, cho rằng sự nhếch nhác của Hà Nội là do tình trạng nhập cư hay nói rộng hơn là do chính sách quy hoạch của thành phố chưa hợp lý.

Độc giả này phân tích: “Hà Nội hiện nay là hệ quả của quy hoạch tầm ngắn, quản lý lỏng lẻo và thiếu sự đồng bộ. Một nơi mà dân tứ xứ bất kể là ai đều có thể cư ngụ được. Việc mật độ dân số quá đông, cơ sở hạ tầng kém, dịch vụ chưa kịp tương xứng và áp lực cuộc sống vô hình trung đẩy con người trở nên lãnh cảm, và mang nhiều thói hư tật xấu.

Tôi cũng là một người từng sống ở Hà Nội. Nhưng tôi cũng là người đã từng sống ở nhiều thành phố khác nhau. Điều không chỉ ngay bản thân tôi cảm nhận mà những ai đã từng nói với tôi đều so sánh một cách đau lòng giữa HN và những thành phố khác. Nếu những ai chỉ một lần sống qua hoặc những ai có kỹ năng sống ở Hà Nội kém chắc chắn những gì đọng lại về Hà Nội là một cú sốc”.

Chính quyền TP hãy vào cuộc!

Sau khi phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp về văn hóa của người Hà Nội, rất nhiều độc giả đã hiến kế tìm lại sự thanh lịch cho Hà Nội. Phần lớn độc giả cho rằng, chỉ có chính quyền TP HN mới giải quyết triệt để được vấn đề này.

Độc giả Xuân Trường bày tỏ: “Những nét đẹp truyền thống của Hà Nội không phải tự nhiên mà có. Đó là do ông cha rèn luyện, giáo dục, tu dưỡng nhiều đời mới có được. Những nét đẹp văn hóa này ngày nay khi không được chú ý, không coi trọng việc gìn giữ và củng cố thì việc mai một, suy đồi là không tránh khỏi. Chịu trách nhiệm về việc này phải là CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ. Có khi nào chúng ta thấy các vị như Bí thư, Chủ tịch TP lên tiếng về việc này?!! Ông Phan Cẩm Thượng hay Lê Hoàng có nói gì thì cũng là để biết vậy thôi”.

Độc giả Trần Tiến Dũng tiếp lời: “Tôi đã từng ra Hà Nội vào những năm 1990, cảm nhận đầu tiên là một thành phố Xanh, dân Hà Nội đông, đường phố buôn bán sầm uất so với những năm thời bao cấp và bây giờ sau hơn 20 năm đáng lẽ Thủ đô yêu dấu phải văn minh hơn, lịch sự hơn ,văn hóa hơn... xứng đáng với "ngàn năm văn hiến" chứ ai ngờ nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận xét đau xót thế?

Đời sống của hàng triệu người dân của Thủ đô, hình ảnh Thủ đô của một dân tộc đã được công nhận trên thế giới! ''Sự xuống cấp trầm trọng về văn hóa". Ôi! Thật đau lòng! Hỡi những nhà LÃNH ĐẠO Thủ đô có thấu chăng? Hãy làm một điều gì đó để con cháu sau này không phải ngậm ngùi vì mình sinh ra ở THỦ ĐÔ!”.

Còn độc giả Nguyễn Điển Văn lại cho rằng, lãnh đạo Hà Nội phải là những người thực sự am hiểu về văn hóa Hà Nội : “Có thể tôi hơi hồ đồ nhưng cũng xin mạnh dạn cho rằng, muốn văn hóa Hà Nội tốt hơn cần phải tìm và bổ nhiệm những người lãnh đạo là những người am hiểu văn hóa Hà Nội xưa ở sẵn trong máu của họ, họ thấm nhuần và hiểu rõ về văn hóa Hà Nội từ ngàn xưa. Từ niềm tự hào, tự tôn thì họ mới có ý thức xây dựng và bảo vệ nền văn hóa "quê mẹ". Không tin cứ thử nhìn sang Hoa Kỳ sẽ thấy bất cứ ai muốn ứng cử chức Tổng thống phải được sinh ra tại Mỹ (không kể chủng tộc)”.

“Tôi nghĩ rằng nếu cán bộ lãnh đạo Hà Nội quan tâm tới bộ mặt thủ đô một chút thì sẽ đổi mới ngay. Tôi nhớ mãi một câu nói khi tôi là cán bộ đoàn phường là "Gọn Nhà, Sạch Phố, Đẹp Thủ Đô" hãy làm những việc nhỏ như dọn vệ sinh đường phố thường nhật, cảnh sát trật tự làm đúng chức trách nhắc nhở hàng rong vỉa hè ngăn nắp, quy củ không xả rác bừa bãi, cảnh sát giao thông làm đúng chức trách, đường thông hè thoáng, Hà Nội sẽ tươi đẹp hơn. sau đó thực hiện vĩ mô đồng bộ”, độc giả Lê Trung Hải lên tiếng.

Mong muốn chính quyền thành phố vào cuộc, nhưng để Hà Nội thực sự thanh lịch thì cần phải có sự tham gia của mỗi người dân đang cư ngụ nơi đây.

Độc giả Thanh Hương kêu gọi mọi người hãy làm những điều thiết thực nhất: “Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cả nhà tôi trở về Hà Nội. Hà Nội lúc ấy yên tĩnh, thanh bình, sạch sẽ, con người Hà Nội lúc đó mang dáng vẻ thanh lịch của xứ Tràng An trong lời ăn tiếng nói, trong nếp sống. Giờ đây, ngồi ngẫm lại thấy buồn vì ngày đó nay còn đâu. Dẫu biết thời gian trôi đi, vạn vật đều biến đổi, nhưng đáng tiếc Hà Nội lại biến đổi theo chiều hướng xấu.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng điều cơ bản làm nên người Hà Nội xấu xí đó chính là sự méo mó của đạo đức. Đạo lý phong kiến tan biến theo thời cuộc, đạo đức xã hội chủ nghĩa cũng thật mơ hồ trong thời buổi hiện tại. Vậy nên lãnh đạo Hà Nội hãy phát động người dân tập làm những điều tốt từ những việc bé nhỏ nhất, từng năm hãy nêu những khẩu hiệu, ví như: Là người Hà Nội, không chửi bậy, phải biết nhường nhịn nhau, không vứt rác ra đường, cấm các quán ăn sử dụng giấy ăn cho khách (như ở Singapore)... Hãy bắt đầu từ những việc đó từ trong nhà trường cho đến các công sở, các khu công cộng…”.

K. Minh (tổng hợp)