Cái nắng rớt hạ như rót mật trên con đường đê. Ngôi nhà nhỏ nép mình bên dòng sông đà thơ mộng, nhỏ bé nhưng đầy ắp tiếng cười của hạnh phúc. Khi tôi bước vào, tôi thấy chị Thư đang xếp lại những bức thư đã ngả màu theo thời gian. Hơn 10 năm rồi, nó là những kỷ vật không thể tách rời trong đời sống vất vả của anh chị bởi nhờ nó dẫn lối đưa đường để họ đến gần với nhau.
TIN BÀI KHÁC
Cặp song sinh dính nhau và kỳ tích 24 năm trước
Chồng tháo nhẫn cưới giả trai tân đi cưa gái
Toát mồ hôi hột 'yêu' trong nhà chật
Ngang nhiên sang đường giữa quốc lộ 5
Giông tố cuộc đời
14 tuổi, anh Chu Phạm Minh Tuấn bị mắc căn bệnh lạ. Lúc đầu, các khớp chân sưng tấy, gia đình đưa anh vào viện, bác sỹ kết luận “bệnh nhân bị viêm đa khớp” và cho về nhà. Không muốn từ bỏ giấc mơ được cắp sách đến trường, Tuấn nhờ bạn cõng đến trường. Dù bệnh tật hành hạ nhưng kết quả học tập của Tuấn lúc nào cũng ở top đầu.
Trong thời gian ấy, gia đình vẫn kết hợp tìm các loại thuốc để chữa trị cho con, song sự quyết tâm ấy không kéo dài được bởi chỉ 6 tháng sau ngày đổ bệnh, Tuấn gần như phải từ bỏ tất cả giấc mơ học hành của mình, vĩnh viễn khép lại tình yêu con chữ. Lúc ấy, đôi chân cậu học trò nhỏ đã cứng đờ, teo tóp chỉ còn da bọc xương. Trong khi bạn bè đồng trang lứa đến trường, Tuấn ngồi trong góc nhà và ngước nhìn với một nỗi khát khao cháy bỏng.
Thấy con đầy tâm trạng, bố mẹ Tuấn cũng rất lo lắng. Có ai mách ở đâu có bài thuốc hay, gia đình anh lại tìm đến với hy vọng “có một phép màu”. Thế nhưng, phép màu ấy đã không đến khi bệnh ngày càng nặng. Từ đôi chân, cột sống, bệnh lại lại ra cánh tay trái… đến lúc ấy, Tuấn cũng không thể dùng nạng để đu người ra hiên nhà ngồi như trước nữa mà phải ngồi một chỗ.
Cho đến năm 1983, Tuấn bất
động trên giường. Lúc này anh đã bước qua tuổi 22. Và thế giới của anh là ô cửa
bé nhỏ nhìn ra bầu trời, nơi ấy ban ngày những tia nắng rọi vào và ban đêm là
những ánh trăng. Thi thoảng buồn tay chân, Tuấn lấy giấy ra viết mấy vần thơ để
tự mình thưởng thức với mình.
Từ những bức thư
Từ chương trình “thời sự và âm nhạc”, anh được nghe một số bài thơ của một cô
gái trẻ tận Nam Định. Sau khi chương trình kết thúc, anh để ý tên tuổi và địa
chỉ cô gái rồi sau đó gửi thư làm quen nhưng cũng không mấy hy vọng sẽ có hồi
âm. Nhưng rồi thư hồi âm đã tới, lá thư thứ hai anh quyết định nói hết tất cả về
cuộc sống, về số phận mình cũng như khát khao đi ra ngoài bởi từ năm 14 tuổi cho
đến nay, cuộc sống của anh chỉ là những ô cửa sổ với bầu trời xanh và mặt nước
sông xanh biếc trôi lững lờ, hạnh phúc của anh là khi có chiếc radio nhỏ xíu
được mẹ mua đặt ở cạnh giường và khám phá cuộc sống qua những tờ báo cũ mà các
anh chị lượm lặt đâu đó mang về…
Khi viết những dòng ấy vào thư, lòng anh nặng
trĩu bởi anh luôn nghĩ “đọc xong lá thư này, cô ấy sẽ không dám viết thư cho
mình nữa”. Nghĩ vậy nên khi gửi thư đi, anh cứ chần chừ mãi, cuối cùng vẫn đánh
liều nhờ người mang ra bưu điện.
Thế rồi sau lần ấy, anh lại nhận được những lá thư hồi âm của chị Thư, lá thư
nào cũng dài bất tận, có lá dài đến 30 trang giấy. Chị bảo “bình thường mình
không viết được nhiều đâu nhưng khi viết thư cho anh Tuấn, mình lại có lắm chữ
thế. Dường như mọi chuyện diễn ra trong cuộc sống mình đều gom hết vào trong
những dòng chữ ấy để gửi lên Hòa Bình cho anh”.
Gần 2000 ngày chờ đợi
Thư đi rồi chờ thư đến, cuộc sống cứ kéo dài như vậy và cả hai luôn trong tình
trạng chờ đợi nhau. 6 năm liền, chị và anh đã trao đổi với nhau hơn 300 lá thư.
6 năm thư qua thư lại không phải thời gian ngắn nhưng với anh là cả những khát
khao, những mong nhớ và có cả sự hy vọng dù rất mong manh.
Hiểu rõ tình cảm anh Tuấn dành cho mình cũng như những thổn thức từ con tim đang
lỗi nhịp nên nhiều lần Thư xin phép lên Hòa Bình thăm Tuấn nhưng anh đều từ
chối. Hơn ai hết anh hiểu với hoàn cảnh của bản thân thì khát vọng về hạnh phúc
lứa đôi rất khó có cơ hội để bừng nở…
Nhưng rồi, một hôm chị vẫn quyết định xách chiếc xe đạp ra đường lớn rồi bắt xe
khách vượt hơn 200km từ Nam Định lên Hòa Bình thăm anh. Khi cánh cửa bật mở, chị
Thư bước vào. Gương mặt sáng bừng với mồ hôi lấm tấm rơi trên trán, anh mỉm cười
nhìn chị. Hạnh phúc không thể cất lên thành lời. “Khi thấy Thư bằng xương bằng
thịt đứng trước mặt mình, mọi mặc cảm tật nguyền trong tôi lúc ấy dường như đã
nhường chỗ cho tình yêu mãnh liệt và khát khao về một hạnh phúc lứa đôi”, anh
Tuấn bồi hồi nhớ lại.
Sau cuộc gặp đầu tiên ấy, chị cảm nhận được sự đồng cảm trong hai tâm hồn. Chị
cũng nhận ra rằng, tình cảm chị dành cho anh quá lớn. Nó không đơn thuần là
những rung động mơ mộng của tuổi 20, 21 của những năm trước mà là tình yêu, một
tình yêu thực sự và chị muốn được gắn bó với anh cả đời này để sẻ chia với anh
mọi điều trong cuộc sống. Nghĩ là làm, chị trở lại quê nhà, thuyết phục gia đình
đồng ý để hai đứa đến với nhau.
Khi nghe cô con gái xin được cưới chàng trai tật nguyền ở tận huyện miền núi Kỳ
Sơn, nhiều người lên tiếng khuyên chị. Hiểu được điều đó, anh Tuấn bảo, làm cha
làm mẹ, ai cũng mong con mình lấy được người chồng khỏe mạnh, có công việc làm
ổn định. Bản thân anh đã tật nguyền, lại không thể di chuyển được nên nếu gia
đình Thư có cấm anh cũng không trách bởi đó là quy luật của cuộc sống.
Thuyết phục bố mẹ chị đã khó, thuyết phục bố mẹ anh còn khó hơn. Ông bà kiên
định “Cháu cũng biết Tuấn bị liệt toàn thân, ngoài đầu óc tỉnh táo và một tâm
hồn bay bổng thì Tuấn không có gì cả, nếu cháu lấy Tuấn sẽ khổ cả đời. Bây giờ
còn trẻ chưa suy nghĩ gì nhưng vài năm nữa, khi đã chín chắn, cháu sẽ ân hận”.
Chị chỉ nhẹ nhàng nói: “Cháu sẽ là đôi chân để cùng anh đứng lên”. Khuyên chị
không được, mẹ anh quay sang gàn con trai vì “cả đời mẹ chăm con không sao,
nhiều người vào nhà nhìn con đã sợ, mong gì người ta sẽ chung thủy với con cả
đời”.
Nghe mẹ khuyên, anh cũng phân vân rồi bảo chị “hay em lên nhà anh ở chơi
mấy hôm cho biết cuộc sống của anh rồi hãy quyết định cũng chưa muộn”. Chị lên
nhà anh ở một tuần, vừa chăm sóc anh, vừa cố gắng thuyết phục bố mẹ và các anh
chị của anh. Hết tuần lại về Nam Định. Cứ chạy đi chạy lại giữa hai quê liên
tục. Rồi đám cưới diễn ra như mong muốn của anh chị. Đến bây giờ người dân xã
Hợp Thịnh vẫn còn nhắc lại hình ảnh một cô dâu bước đi sau chiếc xe lăn, nụ cười
rạng rỡ.
Hạnh phúc không tật nguyền
Sau đám cưới, chị bắt đầu một cuộc sống mới ở quê chồng. Chị vay mượn gia đình
và người thân mua một chiếc máy may nhỏ để mở tiệm may tại nhà. Còn anh Tuấn phụ
vợ bằng cách làm đôi bài thơ, viết vài cái tản văn nho nhỏ gửi cho các báo trong
và ngoài tỉnh. Dù anh chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân của anh đều do một
tay chị đảm trách nhưng chị chưa bao giờ khó chịu.
Chị bảo rằng, đối với chị,
được ở bên cạnh chăm sóc anh là niềm hạnh phúc lớn lao, và chị tự hào về điều đó
nên chả có gì phải phàn nàn. Nhắc đến vợ, anh Tuấn lại mỉm cười trìu mến -
“Người ta bảo số tôi may mắn vì có một người vợ vừa xinh đẹp vừa giàu lòng nhân
ái. Cho đến bây giờ, hạnh phúc đã ngập tràn nhưng nhiều lúc tôi vẫn ngỡ mình
đang nằm mơ bởi cuộc sống hiện tại của mình đã viên mãn”.
Sau hơn 8 năm sống với nhau, họ đã hạnh phúc khi đón cô con gái xinh đẹp chào
đời, anh đặt tên cho con là Chu Đặng Thúy Đạt - món quà vô giá mà ông trời đã
ban tặng cho vợ chồng anh chị. Chia sẻ về hạnh phúc của mình, chị Thư cười nói
hồi cưới người ta cứ xì xào, cũng có nhiều lời cay độc khiến anh Tuấn rất tự ti
nhưng tôi lại nghĩ khác: thời gian sẽ là bằng chứng xác thực nhất cho tình yêu
của em dành cho anh bởi hạnh phúc của chúng ta đã trải qua nhiều sóng gió, nhiều
thời gian chứ có phải là những giây phút bồng bột của tuổi trẻ đâu”.
Chị nói đúng hạnh phúc của chị là những năm tháng đồng cam cộng khổ suốt 6 năm
trời. Nhiều người khi biết tình yêu của anh chị cũng gửi thư thăm hỏi, sẻ chia.
Có nhiều người còn tâm sự rất chân thành rằng “nhờ câu chuyện ấy, họ vững tin
hơn với lựa chọn của mình bởi trong cuộc đời không phải lúc nào mọi chuyện cũng
được như ý muốn”. Anh cũng không ngần ngại chia sẻ số điện thoại của mình
(01683400749) với mong muốn mỗi ngày nhận được những lời động viên của mọi người
và cũng là cơ hội để anh chia sẻ với những người có hoàn cảnh tương tự như anh.
(Theo An ninh thủ đô)