Rằm tháng 7, cùng cả nước, Sài Gòn bước vào ngày hội Vu Lan. Mùa báo hiếu đến với người dân thành phố không ồn ào rộn rã nhưng thấm đẫm tình thương. Ngày này, những người con thường đến các ngôi chùa để cầu nguyện cho đấng sinh thành chẳng may khuất núi.

Mùa Vu Lan đầu tiên trong đời đã phải cài hoa hồng trắng
Đặt phiếu tân trang nhan sắc cho người âm

Tận ngắm siêu xe, iPhone, iPad cho người cõi âm


Sáng 31/8, tại Việt Nam quốc tự, ngôi chùa với ngọn tháp cao sừng sững trên đường 3/2 trầm mặc. Ở góc chùa, một cô gái đang trầm ngâm trước pho tượng Quán Thế Âm. Cô đứng chắp tay mắt nhìn về Phật mẫu. Đôi dòng nước mắt lăn chậm trên khuôn mặt phúc hậu. Trên ngực cô, đóa hoa hồng màu trắng vừa gắn vội như nói lên nỗi niềm. 

Từ sáng sớm, đã có rất đông bà con phật tử tìm đến Việt Nam Quốc tự để khấn vái.

Lễ phật ở Việt Nam Quốc tự

Khách đến viếng chùa trong ngày này mang nhiều tâm trạng. Nhìn anh em một “phó nháy” nghiệp dư cười vui khi được cài trên áo đóa hoa màu hồng chúng tôi chợt nghĩ đến những hạnh phúc của một đời người khi còn đủ mẹ cha.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Nam kỳ Khởi Nghĩa. Ngôi chùa hiện đại mang dáng dấp cổ xưa được xây dựng vào những năm cuối thập niên 1960. Trên khuôn viên rộng 6000m2 ngôi chùa như hẹp lại không còn đủ sức chứa khách thập phương mỗi lần lễ hội.

Ngay trước sân, một lư hương khá lớn đang tỏa hương nghi ngút. Bước lên chánh điện, một khoảng sân rộng với nhiều quầy hàng phục vụ cho ngày lễ.

Người đàn ông trung niên đi cùng một chị phụ nữ, mỗi người một lồng chim đưa ngang tầm mắt hướng về tượng Phật. Đôi mắt họ sụp xuống. Môi mấp máy. Họ cầu nguyện rất lâu rồi sau đó, cửa lồng được mở ra. Những chú chim non vụt bay lên bầu trời.
Khấn vái trước khi phóng sinh

Cô bé phóng sinh chim

Tại chùa Diệu Pháp (Bình Thạnh) hàng trăm người đổ về để cùng nhau tham gia nghi lễ “phóng sinh” chim và cá.

Cũng cùng động tác như người lớn, một bé gái ước chừng 5 tuổi ôm lồng chim bé xíu nhìn vào chánh điện khấn vái. Mẹ bé đứng bên nhoẻn nụ cười mãn nguyện. Bé mở lồng. Những con chim bị giam cầm thoát ra. Bé đã làm được một việc tốt trong ngày Vu Lan.

Cạnh đó, một thanh niên cặm cụi thảo những nét thư pháp. Những dòng chữ uốn lượn nói về công cha nghĩa mẹ như xoáy vào tâm hồn người cậy viết.

Nhiều người xin thư pháp để tặng mẹ cha, hay treo trên tường nhà nhằm nhở về lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành
Vào những ngày lễ, trong đó có ngày Vu Lan, ở tất cả các chùa trong thành phố đều đầy rẫy những người ăn xin. Hấu hết đệ tử cái bang đều được ngụy trang bằng cách mời chào vé số. Tại chùa Xá Lợi, hình ảnh hai người bệnh nằm trên chiếc xe đẩy trông thật phản cảm. Ở cầu thang lên chánh điện, ăn xin xếp thành hàng dài.

Chỉ cầu mong những ngày lễ sắp tới, sẽ không còn những hình ảnh nhếch nhác này trong những ngôi chùa để người đến cửa Phật thấy ấm lòng, thanh thản hơn khi rời nơi đây . . .

Đêm 30/8 chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, H. Hóc Môn, TP.HCM) rộn ràng chuẩn bị đón chánh lễ Vu Lan. Chùa nằm cách trung tâm khoảng 20km về hướng tây trên một thửa đất khá rộng đã thu hút hàng ngàn khách thập phương về đây chiêm bái.

Mới 18h, con đường từ lộ chính vào đến chùa dài hơn 500m đã nghẹt người. Dòng người càng lúc đổ về càng đông. Hai bên đường, hàng quán bán thức ăn chay, đồ lưu niệm, bán hoa sen tươi thu hút khá đông người. 

Cổng tam quan chùa Hoằng Pháp

Qua cổng tam quan, vào bên trong khuôn viên chùa, đập vào mắt chúng tôi là một quang cảnh khó có thể tìm thấy ở bất cứ ngôi chùa nào trong thành phố. Trên khoảnh sân rộng trước ngôi chánh điện nguy nga bề thế, hàng ngàn người ngồi xếp bằng, ngay hàng thẳng lối. Dường như họ đã ngồi đây từ lâu lắm rồi. Tiếng loa vang vang giọng nói trầm trầm...

Hàng ngàn người ngồi nghe thuyết pháp trên sân trước chánh điện

Thành kính hướng về mẹ cha

Bài thuyết giảng về công đức sinh thành chậm rãi đến với mọi người. Đã là người, công ơn cù lao dưỡng dục sánh như trời biển. Có ta hôm nay, đó là nhờ công của cha, nghĩa của mẹ. Trong các tội lỗi trên đời này, tội bất hiếu là tôi nặng nhất...

Bài thuyết giảng cứ tiếp tục vang lên. Người nghe chăm chú, cúi đầu. Trong tâm thức mỗi người ai nấy đều hình dung về hình ảnh nhọc nhằn của người cha trên bước đường mưu sinh, người mẹ tảo tần sớm hôm. Mẹ dành chỗ ướt để chỗ khô con nằm, lúc trăn trở, lúc đăm chiêu nhìn con ngon giấc.

Về mẹ, về cha là tình thương là sự bao dung cao cả. Nói đến mẹ cha, nói đến tình thương – một chất liệu ngọt ngào giúp con trẻ lớn lên, giúp người lớn tiếp tục…“lớn” để tiếp tục hành trình trong cuộc sống.

Bài thuyết giảng gần như không bị đứt quãng. Bên trong chánh điện dưới bàn thờ Phật tổ đông nghẹt người.

Càng tối, càng khuya, ngôi chùa tiếp tục đông lên. Người ra ít, người vào nhiều. Theo ước tính, có tới hàng chục ngàn người viếng chùa vào đêm nay.

Ở một góc của ngôi chùa, dưới chân tượng Quan Âm, người người thành kính dâng hương. Trên các thân cây trong chùa, những bài thơ nói về mẹ về cha – nỗi cơ hàn hay trong phút vinh quang – mẹ cha là tất cả.

Đêm nay, chúng tôi tin những người đã đến đây luôn một lòng hướng về mẹ cha bởi Vu Lan là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo và cũng là một nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Rời chùa, bên tai chúng tôi còn nghe văng vẳng lời dặn của vị chân tu: “Thương cha kính mẹ không cần phải đốt vàng mã. Đừng nghĩ những vật đốt xuống mẹ cha sẽ được hưởng mà đó là một sự lãng phí. Nghĩ về mẹ, về cha hãy dùng những đồng tiền mua vàng mã đó vào những việc từ thiện giúp ích cho đời . . .” 

Người bán hàng: “Con còn mẹ mua hoa màu hồng, mất mẹ dùng hoa trắng nhé !”

“Tháng bảy mùa Vu Lan, nén hương thơm ngút ngàn, dâng cha lòng thành kính, chút tình con nồng nàn”.

Phân phát kinh sách, đưa điều lành đến với mọi người.

Mẹ và em bé cùng đọc kinh.

Ai thương con hơn mẹ?

Dâng hương lễ Phật.

Cao tăng thuyết pháp.

Trần Chánh Nghĩa