“Xem chuyện tò mò, tọc mạch, bôi xấu lẫn nhau là đặc tính của người Việt là oan cho người Việt” - chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, Chủ tịch InvestConsult Group Nguyễn Trần Bạt nói.

Tọc mạch là thói xấu bản năng của con người

- Bàn về tính cộng đồng của người Việt người ta cho rằng đây là một đặc tính khá tốt, nó thể hiện sự quan tâm, tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên bên cạnh những đặc tính tốt đấy nó cũng dẫn đến một số những thói quen xấu như tính tọc mạch hay nói xấu giữa các doanh nghiệp với nhau để đạt được mục đích kinh doanh của mình. Ông có nghĩ như vậy không?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Xem chuyện tò mò, tọc mạch, bôi xấu lẫn nhau là đặc tính của người Việt là kết luận không đúng và oan cho người Việt.

Đặc tính ấy có ở mọi tộc người trên thế giới. Người Việt chúng ta chưa có kinh doanh chuyên nghiệp, chưa có kinh nghiệm tổ chức xã hội dân sự và dàn xếp dân sự chuyên nghiệp cho nên thể hiện một cách bản năng, không biết che đậy, không biết giấu giếm, không biết dàn xếp các thói xấu của mình, chứ không phải thói xấu ấy chỉ là của người Việt.

Ông Nguyễn Trần Bạt.

- Vậy theo ông thì trong kinh doanh có hiện tượng nói xấu lẫn nhau không?

- Luôn luôn có và đấy là vết của tính không chuyên nghiệp, là vết của bản năng con người trong kinh doanh, bản năng chưa được giáo dục, chưa được dạy dỗ, chưa được huấn luyện và chưa chuyên nghiệp của con người khi tham gia kinh doanh.

Không nên xếp những khuyết tật ấy vào đời sống kinh doanh, mà nó là những khuyết tật mang theo của con người khi tham gia vào đời sống kinh doanh.

Khi chú ý đến khía cạnh ấy là chú ý đến chất lượng con người của cộng đồng xã hội chứ không phải là chất lượng của con người tham gia vào cộng đồng kinh doanh.

Nói như thế chúng ta mới thấy được mục tiêu của giáo dục đào tạo là loại bỏ bớt tính bản năng của con người khi nó tham gia vào đời sống kinh doanh, để nó không mang theo quá nhiều tật xấu bản năng mà mọi con người đều có. Cái xấu ấy không chỉ có trong kinh doanh, nó có cả trong thể thao, có trong biểu diễn nghệ thuật, có trong nhiều thứ và đấy là khuyết tật thuộc về con người khi nó tham gia vào những hoạt động chuyên nghiệp khác nhau của đời sống mà chưa được giáo dục đầy đủ.

- Ông nói khuyết tật thuộc về con người, nó chỉ xuất hiện ở cộng đồng người Việt mình hay trên thế giới cũng như vậy?

- Trên toàn thế giới, và chính vì những thói xấu bản năng như vậy của con người cho nên hệ thống luật pháp của các quốc gia phát triển bao giờ cũng chặt chẽ. Lý do là để điều chỉnh chất lượng chuyên nghiệp, loại bỏ bớt tất cả tính ngẫu nhiên bản năng của con người trước khi nó tham gia vào một loại hoạt động.

- Còn ở Việt Nam thì sao, thưa ông?

- Ở Việt Nam chúng ta chưa nhận ra điều ấy, chúng ta chưa điều chỉnh chuyện ấy. Thậm chí không chỉ trong kinh doanh, mà ngay cả trong hoạt động xã hội, hoạt động chính trị đôi khi chúng ta vẫn thấy rất nhiều thói xấu. Kiêu ngạo quá, oai quá, đấy là một loại thói xấu. Thói xấu ấy không có tính chính trị, không có tính tư tưởng mà nó hoàn toàn là thói xấu bản năng. Bởi chúng ta chưa được huấn luyện và chưa được điều chỉnh để những thói xấu bản năng ấy mất đi trước khi chúng ta bước vào các hoạt động chuyên nghiệp như hoạt động nhà nước, hoạt động chính trị, hoạt động kinh doanh, hoạt động nghệ thuật.v.v

- Theo ông thì trong vấn đề này, trách nhiệm thuộc về ai?

- Thuộc về xã hội chúng ta. Nhân dân chúng ta chưa biết đòi hỏi, nhà nước chúng ta chưa biết thức tỉnh nhân dân để họ đòi hỏi chuyện này. Các trí thức của chúng ta cũng chưa nhận ra những khuyết điểm ấy cản trở chất lượng chuyên nghiệp của các loại hoạt động của xã hội. Nếu nhà nước thức tỉnh trước thì nhà nước gợi ý chứ không bắt buộc, vì bắt buộc thì trở thành thiếu tự do, thiếu tôn trọng con người. Bởi khuyết điểm thuộc về con người cũng là quyền của con người. Chúng ta gợi ý con người, gợi ý xã hội. Xã hội bàn thảo, xã hội ủng hộ, xã hội đề nghị và nhà nước cho ra đời những bộ luật điều chỉnh những hành vi cơ bản như vậy giúp cho con người bước vào các hoạt động chuyên nghiệp một cách chuyên nghiệp.

Chuyện này tôi không nói để chơi mà đây chính là một trong những giai đoạn quan trọng của quy trình chuyên nghiệp hóa đời sống xã hội. Ví dụ tôn trọng pháp luật, giật mình trước việc mình vi phạm pháp luật một cách bản năng, một cách kín đáo ngay cả trong phòng ngủ cũng là một bản năng thể hiện tính được giáo dục của một xã hội. Chúng ta chưa giật mình.

Tôi kể các bạn nghe một câu chuyện cổ: Có một ông nhà giàu đến đút lót một người bạn cũ là một ông quan lớn. Ông quan lớn từ chối thì ông nhà giàu bảo, tại sao anh lại từ chối tôi, làm gì có ai biết mà anh từ chối. Ông quan bảo, anh nhầm, có tôi biết, anh biết và trời biết.

Khi nào chúng ta rèn luyện được một xã hội mà ngay cả khi chỉ có một mình chúng ta cũng vẫn nhận ra sự vi phạm pháp luật của mình thì đấy là những dấu hiệu để có thể nói rằng xã hội chúng ta đã bắt đầu những bước đi cơ bản đến chuyên nghiệp. Đương nhiên có những sự vi phạm pháp luật nằm ngoài nhận thức, tức là không biết. Tất cả những sai lầm ấy tích tụ thành những kinh nghiệm để chính mỗi con người tự điều chỉnh và chính nhà nước của nó, cộng đồng của nó cũng thức tỉnh để bổ sung và sửa đổi pháp luật để điều chỉnh một cách tinh tế hơn, một cách toàn diện hơn, một cách sâu sắc hơn các hành vi của con người. Cái đó người ta gọi là tinh thần của pháp quyền.

Chúng ta chưa được huấn luyện để loại bỏ thói xấu bản năng

- Ông nói thói quen chĩa mũi, tọc mạch luôn có ở trong cộng đồng người Việt. Có phải khi đưa vào kinh doanh họ cũng mang theo những thói xấu ấy cho nên văn hóa kinh doanh và đạo đức kinh doanh của chúng ta chưa được tốt lắm?

- Thói quen tò mò, tọc mạch, cạnh tranh, đố kỵ, bôi xấu là thói quen của loài người, không phải chỉ riêng người Việt.

Người Việt chúng ta khác những người khác ở chỗ chúng ta chưa được huấn luyện trước đó. Chúng ta chưa có các quy tắc để chuẩn hóa các hành vi trước khi con người thông thường tham gia vào các hoạt động chuyên nghiệp như kinh doanh, như chính trị hay biểu diễn nghệ thuật. v.v

Việc hạn chế các mặt tiêu cực về mặt tính cách ấy của con người cần phải được điều chỉnh rộng lớn trên qui mô toàn xã hội. Bởi mỗi một con người đều có quyền tự do tham gia vào đời sống kinh doanh, đời sống nghệ thuật.v.v Những cái đó được gọi là sinh hoạt chuyên nghiệp. Trước khi tham gia vào các sinh hoạt chuyên nghiệp thì họ cần phải được chuẩn hóa, họ cần phải để những thói xấu tự nhiên mà con người có ra bên ngoài không gian của hoạt động chuyên nghiệp. Sau khi về nhà họ làm việc gì thì đấy là việc bình thường của họ.

Chuyên nghiệp hóa là gì? Chuyên nghiệp hóa là chuẩn bị loại bỏ các phẩm chất không phù hợp với đời sống chuyên nghiệp. Anh là nhạc công, là người biểu diễn nghệ thuật cổ điển thì không thể nói giống như bà bán cá ngoài chợ được, vào nhà hát lớn phải đi nhẹ, nói khẽ. Đấy là những đòi hỏi nhiều khi rất nhỏ nhưng nó là đòi hỏi chuyên nghiệp. Anh cần phải rèn cho anh đôi tai, đôi tai ấy chưa phải là đôi tai thiên tài nhưng phải là đôi tai tối thiểu để anh có thể tham gia vào một loại hoạt động. Ví dụ nếu cãi nhau thì anh phải rất thính để anh nghe tiếng thở dài trong kẻ cãi với anh để biết là nó sắp thua hay nó sắp thắng.

Trong đời sống chính trị cũng như vậy, anh phải quan trắc được vẻ buồn, vẻ bất lực trong khuôn mặt của đối thủ chính trị của mình. Trong kinh doanh anh phải đo được sự nôn nóng. Tất cả những thứ bản năng như vậy là bản năng chuyên nghiệp, nhưng bản năng trước chuyên nghiệp là anh phải loại bỏ khi anh bước vào một lĩnh vực chuyên nghiệp. Chúng ta chưa chuyên nghiệp hóa là bởi vì chúng ta chưa có tiêu chuẩn đầu vào của các không gian hoạt động chuyên nghiệp. Ví dụ khi người ta phỏng vấn bà Trịnh Văn Bô trên truyền hình, bà ấy nói rằng, chúng tôi phân biệt rất rõ giữa con buôn và nhà buôn. Tính chất chuyên nghiệp của thương mại chính là sự phân biệt giữa con buôn và nhà buôn.

Đạo đức trong kinh doanh của chúng ta rất thấp

- So với các nước trên thế giới thì vấn đề đạo đức trong kinh doanh ở các doanh nghiệp của nước ta được đánh giá như thế nào, thưa ông?

- Thấp hơn rất nhiều bởi vì chúng ta không có đủ năng lực để tuân thủ. Ví dụ, rất nhiều người tham gia vào quá trình kinh doanh không đủ năng lực để tuân thủ các cam kết có chất lượng hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp. Hợp đồng trực tiếp là hợp đồng mình ký, hợp đồng gián tiếp là hợp đồng mà các cộng đồng đã ký với nhau, khi tham gia vào cộng đồng lớn ấy chúng ta bắt buộc phải tuân thủ.

- Theo ông, vấn đề đạo đức trong kinh doanh của những người trẻ tuổi so với những người thuộc thế hệ trước có sự khác nhau không?

- Khác nhau rất xa. Thế hệ trẻ hiện nay có năng lực hơn thế hệ trước. Nhưng, thế hệ trẻ hiện nay thiếu nhiệt huyết để khai thác hết năng lực của mình. Thế hệ già có nhiệt huyết hơn nhưng thiếu năng lực. Nếu muốn thì thế hệ trẻ sẽ có đủ năng lực để thực hiện các cam kết. Nhưng thế hệ trẻ bây giờ đa số thích làm công hơn là làm chủ, bởi làm chủ là phải chịu trách nhiệm. Có những người thích làm chủ thì họ lại thích làm chủ dựa vào sự liều mạng nhiều hơn là sự hiểu biết, cho nên mới đẻ ra các hiện tượng lộng hành trong đời sống kinh doanh.

Tính cộng đồng có vai trò vô cùng quan trọng

- Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của tính cộng đồng trong sự phát triển của kinh doanh?

- Vô cùng quan trọng, trong nội dung của hoạt động kinh doanh có cả sản xuất và mua bán. Mua bán cũng cần có phổ biến kinh nghiệm, và quá trình mua bán thuần túy nó đã phát triển từ chợ cóc đến siêu thị, từ hình thức mua bán trao tay đến mua bán điện tử, đã phát triển từ hình thức mua bán những nhu yếu phẩm có tính chất cá nhân đến những quan hệ mua bán có chất lượng nhà nước đối với các đối tượng khoa học và công nghệ, kỹ thuật lớn. Mua bán cũng phát triển và do đó việc tạo ra tính cộng đồng, tạo ra sinh hoạt cộng đồng để trao đổi các kinh nghiệm mua bán là vô cùng quan trọng. Người ta có thể mua rẻ và bán đắt, mua hớ và bán hớ, nhưng cái đắt, rẻ ấy không tạo ra được tính chất bình đẳng của đời sống thương mại. Tiền đề của tính công bằng trong đời sống thương mại chính là bắt đầu từ sự phẳng của môi trường thông tin. Mà tính cộng đồng chính là một trong những dung môi quan trọng để tạo ra tính bình đẳng, tính phẳng của các môi trường thông tin.

Tính cộng đồng vô cùng quan trọng. Trong kinh doanh không chỉ có chúng ta, những nhà kinh doanh với nhau mà còn có nhà nước và chính sách. Nhà nước và chính sách là yếu tố phụ trợ, yếu tố xúc tiến, yếu tố kìm hãm cả mặt tiêu cực lẫn mặt tích cực của đời sống kinh doanh. Thỉnh thoảng có xuất hiện những khía cạnh tiêu cực của vai trò nhà nước lẫn chính sách. Tính cộng đồng trong kinh doanh luôn luôn là một sức mạnh để phản ánh trong những lúc cần thiết, để đấu tranh, để chế ngự các mặt có tính chất tiêu cực của đời sống quản lý nhà nước và quản lý chính sách. Tức là quan hệ giữa các cộng đồng kinh doanh với chính sách là một quan hệ sống còn của đời sống phát triển kinh tế.

Tính cộng đồng là vô cùng quan trọng. Nếu chỉ có một cá nhân nói mà không có sự đồng thuận của cộng đồng thì nhà nước không tôn trọng và không để ý.

Như vậy, giá trị tích cực thứ hai của tính cộng đồng là điều chỉnh và sửa đổi các hành vi quản lý nhà nước, các hành vi chính sách. Tiếng nói cộng đồng là tiếng nói đồng thuận của khu vực xã hội liên quan đến loại hình hoạt động kinh doanh sẽ làm cho nhà nước thức tỉnh nhanh hơn, sớm hơn và hành động cấp bách hơn để điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn, không ngăn cản, không hạn chế và có năng lực kìm hãm các khía cạnh tiêu cực của đời sống kinh doanh.

- Theo ông chúng ta phải làm như thế nào để phát huy tầm quan trọng ấy?

- Chúng ta nên định nghĩa rõ hơn định hướng xã hội chủ nghĩa trong đời sống thị trường là gì. Định hướng xã hội chủ nghĩa trong đời sống thị trường chính là xác lập vai trò xúc tiến các mặt tích cực và hạn chế các mặt tiêu cực một cách nhanh chóng của nhà nước. Hay nói cách khác, nhanh chóng khắc phục các mặt tiêu cực của đời sống quản lý nhà nước và chính sách vĩ mô là một trong những khía cạnh quan trọng nhất biểu hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong chuyện này các hiệp hội kinh doanh, phòng thương mại và công nghiệp đóng một vai trò đáng kể bởi đó là những yếu tố thể hiện một cách có tổ chức của khái niệm cộng đồng kinh doanh. Lâu nay chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của các hiệp hội và của hệ thống các phòng thương mại cho nên biến nó thành những cơ sở mang nặng tính chất nhà nước, làm nó mất đi hiệu lực của xã hội mà chính nhà nước cần. Tính đồng minh với nhà nước của những tổ chức, của những hiệp hội kinh doanh một cách công khai, một cách máy móc làm cho các tổ chức này mất đi giá trị khách quan của nó.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

Vũ Lụa (Thực hiện)