- Đã có rất nhiều nước mắt và những câu chuyện bi hài liên quan đến việc cô dâu xứ Hàn đã phải chịu tủi nhục khi gặp phải người chồng đối xử tệ bạc. Thế nhưng hiện nay điều này đã khác...
Đánh liều đi tìm hạnh phúc
Cô dâu Nguyễn Văn Hương, quê ở Vũng Tàu, xuất thân trong gia đình hoàn cảnh ba mẹ có 5 sào ruộng nuôi 3 chị em. Nếu nói là không đủ ăn thì không phải, nhưng với 5 sào ruộng cho 5 nhân khẩu thì thực sự số tiền kiếm được cũng chỉ đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày và không thể để dành được bao nhiêu.
Năm 2006, người anh trai của Hương mất, gia đình mất đi một lao động chính, buồn bã cộng thêm hy vọng vươn lên tìm cuộc sống tốt đẹp hơn, Hương theo lời giới thiệu mạo hiểm nhận lời kết hôn của một người đàn ông Hàn Quốc hơn mình nhiều tuổi và từ đó cô rời khỏi Việt Nam.
Ban đầu, cô dâu trẻ cũng hết sức lo lắng bởi đã có rất nhiều thông tin liên quan đến việc cô dâu Hàn Quốc phải chịu cảnh tủi nhục nơi xứ người. Nhưng với Hương, cô không còn lựa chọn nào khác, không có trong tay bằng cấp để tìm được công việc tốt ở Việt Nam, Hương đánh liều ra đi.
Cuộc hội ngộ của hai gia đình cô dâu Nguyễn Văn Hương. |
Sau gần 1 năm sang Hàn Quốc làm dâu, Hương gặp vô vàn khó khăn khi không biết tiếng lại phải chịu mọi sự thay đổi trong môi trường văn hóa mới, bởi vậy chỉ việc nhà thôi cũng đã khiến cô vô cùng vất vả.
Thế rồi, trong một lần đi chợ, Hương gặp được một cô dâu Việt khác cùng hoàn cảnh, cô được giới thiệu đến trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa của tỉnh Chungbuk. Ngay lập tức, Hương tham dự một lớp học tiếng Hàn ngắn hạn. Rồi không ít lần trung tâm cử người đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh cuộc sống của cô, giúp cô hòa nhập với cuộc sống mới.
Sau gần 6 năm ở cùng gia đình chồng, ngoài việc chăm lo con cái và việc nhà, Hương vẫn đều đặn hàng tuần đến trung tâm hỗ trợ để học tiếng, học nấu ăn. Hương vui vẻ khi khoe, sắp tới cô được nhận vào làm việc tại một nhà hàng nhỏ ở địa phương nhờ sự giới thiệu của trung tâm.
Hương là người may mắn khi có được gia đình chồng tử tế, lại được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập tốt với cuộc sống mới. Từ những kinh nghiệm của chính mình, cô đã không ít lần giới thiệu những đồng hương khác tới trung tâm để được giúp đỡ.
Hương cho rằng, dù may mắn nhưng việc thu mình và ít chịu tìm hiểu thông tin tại xứ người khi không tự mình tìm đến các trung tâm hỗ trợ hiện đang có rất nhiều ở Hàn Quốc cũng chính là cách tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó khăn nơi xứ người.
Trai Hàn học tiếng Việt để nói chuyện nhiều hơn với vợ
Những người đàn ông đối xử không tốt với vợ, đặc biệt có những hành vi bạo hành gia đình không chỉ riêng Hàn Quốc mà rất nhiều nơi trên thế giới đều có. Tuy nhiên trong số những người đàn ông Hàn Quốc phải tìm đến các cô dâu nước ngoài, phần đông là nhu cầu được lập gia đình với nguyện vọng chân chính.
Anh Jjn Yong Gyu, được một trung tâm giới thiệu và cưới cô gái Việt Nam Quách Thị Ngọc Phương quê ở Tây Ninh. Nay họ đã có một đứa con. Nhìn sự cẩn thận và chỉn chu trong cách anh chăm lo cho đứa con của mình mới thấy anh trân trọng cái gia đình nhỏ ấy biết bao.
Jin Yong Gyu luôn chỉn chu trong việc chăm sóc cô con gái đầu lòng. |
Khi đón bố mẹ vợ từ Việt Nam sang, Jun Yong Gyu cũng luôn tỏ ra chu đáo. |
Làm việc cho một công ty ô tô của Hàn Quốc, đồng lương không thực sự nhiều nhưng cũng đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình với một người vợ và đứa con mới chào đời, anh trải lòng: “Mình nhiều tuổi, hoàn cảnh gia đình so với nhiều người không thực giàu có để dễ dàng kiếm được một người vợ. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ nhưng vẫn không thể lập gia đình nên mình quyết định tìm đến trung tâm hỗ trợ để tìm vợ.
Gia đình hạnh phúc của Jin Yong Gyu. |
Có thể không phải cô dâu nào cũng tìm được người chồng tử tế và biết yêu thương vợ như Phương, tuy nhiên, nếu ai không may mắn, việc liên hệ với các tổ chức hỗ trợ là một cách hữu hiệu và cần thiết để có thể nhận được sự giúp đỡ.
Cô dâu Quách Thị Ngọc Phương trải lòng: “Em luôn quan niệm dù làm dâu ở đâu mình vẫn luôn phải làm tròn vai trò của một người vợ. Mình không lừa người ta, không bao giờ có ý định tự ý cất tiền để gửi về cho gia đình ở quê nhà. Dù khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng chăm sóc cho gia đình của mình thì em tin chồng mình cũng sẽ không bao giờ đối xử không tốt với mình cả".
Hơn 204 trung tâm với hàng chục nghìn người tình nguyện hỗ trợ cho các cô dâu Mất cân bằng giới tính và quan niệm môn đăng hộ đối khiến nhiều đàn ông tại Hàn Quốc phải nghĩ đến việc lập gia đình với người phụ nữ nước ngoài. Trước đây khi chính phủ Hàn Quốc còn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này đã có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra với các cô dâu nước ngoài khi đến định cư. Tuy nhiên những năm gần đây, sau những thông tin được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đã khiến chính phủ và quốc hội Hàn Quốc thay đổi.
Các tổ chức phi chính phủ đã được vận động thành lập ở nhiều nơi với sự đóng góp từ thiện của rất nhiều cá nhân. Số tiền đóng góp sẽ được dùng để mở các lớp đào tạo ngôn ngữ, xây dựng nên các trung tâm hỗ trợ và dạy nghề. Chính phủ cũng đưa ra chính sách nếu các tổ chức trên hoạt động tốt và có kết quả, 50% quỹ tiền sẽ được chính phủ hỗ trợ mang mục đích khuyến khích. Đã có hơn 3.000 cô dâu Việt Nam được các tổ chức như vậy hỗ trợ. Ngoài các lớp học để hòa hợp văn hóa là những khoản tiền trị giá 1000 đến 5000 USD khi sinh đẻ cộng thêm các khoản hỗ trợ y tế kèm theo. Chưa kể đến việc khi gia nhập các trung tâm hỗ trợ này, việc trao đổi giữa trung tâm và các cô dâu sẽ là một liên lạc hữu ích để tránh tình trạng các cô dâu phải chịu cảnh ngược đãi hoặc đối xử không tốt từ gia đình chồng.
|
Hoàng Lam