Ra đi khỏi quê nhà đi tìm hạnh phúc với hy vọng đổi đời, không ít cô dâu Việt Nam đã may mắn tìm được chốn yên bình nơi đất khách quê người - xứ sở kim chi.

Không ít cô dâu Việt Nam phải chịu cảnh ngược đãi, hành hung tại Hàn Quốc thì cũng có số không nhỏ những cô dâu Việt tại đây may mắn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của gia đình chồng. Những người dân bản xứ cùng cộng đồng, tổ chức người Việt Nam và Hàn Quốc đang chung tay giúp những cô dâu Việt thích nghi với cuộc sống mới nơi được cho là quê nhà thứ hai.

Trồng đào tây và ươm vườn hạnh phúc

Cô dâu Lê Kim Truyền người Cần Thơ đã sang định cư tại Hàn Quốc 6 năm. Gia đình nơi quê nhà không phải thuộc diện nghèo khó với 20 mẫu ruộng, tuy nhiên Truyền lại có mong ước thay đổi cuộc sống đặc biệt là ước vọng tìm đến một phương trời khác để sinh sống.

Qua một trung tâm giới thiệu, cô đến với người chồng Hàn Quốc là nông dân với mảnh vườn đào rộng  gần 3ha tại một làng quê yên bình ở tỉnh Chungbuk.

Chính thức rời Việt Nam để đến với quê hương thứ hai là Hàn Quốc từ năm 2006, Truyền ra đi mang theo sự lo lắng của cha mẹ cũng như tự bản thân khi thời điểm đó có quá nhiều thông tin không hay trong nước về chuyện cô dâu đi lấy chồng nước ngoài.

Chồng của Truyền là một người trồng đào.

May mắn cho Truyền, chồng cô là một người đàn ông tốt và đồng thời, bố mẹ chồng cũng hết mực yêu thương con dâu. Truyền kể, qua tìm hiểu trước khi nhận lời kết hôn, Truyền biết anh là một nông dân trồng đào với thu nhập trung bình khoảng 3000 USD/tháng.

Nếu so sánh với mức thu nhập của người dân Hàn Quốc thì chỉ thuộc ở mức trung bình nhưng bù lại anh là một người đàn ông rất chăm chỉ và hiền lành.

Bố chồng của Truyền là một người rất hiền lành và thương con dâu.

Anh hơn cô 9 tuổi, cũng như bao thanh niên ở tỉnh nhà, anh gặp phải trở ngại trong việc lập gia đình khi nhiều cô gái ở nông thôn tìm lên thành phố để đi tìm những người giàu có hơn hoặc cũng đi tìm người nước ngoài để kết hôn.

Lao động miệt mài nhiều năm, anh vẫn không thể tìm được cho mình một người vợ nơi quê nhà, anh đành phải tìm đến trung tâm giới thiệu hôn nhân. Sau khi nộp hồ sơ và hoàn thành mọi thủ tục như ký giấy cam kết, thậm chí là sang Việt Nam để tổ chức lễ cưới, anh đã lấy được Truyền, một cô gái Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ của bố mẹ chị Lê Thị Kim Truyền với gia đình thông gia tại Hàn Quốc.

Bố chồng của Truyền chia sẻ, ông rất bằng lòng với cô con dâu chăm chỉ và biết yêu thương chồng. Hiện nay, hai vợ chồng Truyền có mức thu nhập ổn định khoảng 4000 USD nhờ vào mảnh vườn cùng với việc làm thêm của người chồng.

Chị Truyền cùng chồng chăm sóc vườn đào.

Những trái đào đến vụ thu hoạch

Sau 6 năm, Truyền chia sẻ tài sản lớn nhất của cô là 2 đứa con cùng một gia đình hạnh phúc, kinh tế cũng đủ ăn và có chút của để dành, dù ít nhưng cũng đủ để cô cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người.

Vợ nấu cơm, chồng rửa bát

Cô dâu Việt sang Hàn Quốc phải học tiếng Hàn để thích nghi với cuộc sống là điều dễ hiểu, nhưng ấm lòng hơn khi chính người chồng của mình cũng tự học tiếng Việt để có thể chia sẻ tâm sự với vợ và đặc biệt là để yêu mến hơn quê hương của vợ.

Lee Kim Hoon, công nhân một nhà máy ở tỉnh Yeongju đã lấy vợ Việt Nam hơn 5 năm nay. Cũng như nhiều người đàn ông khác, anh thuộc diện "ế" và khó lấy vợ tại địa phương.

Qua một vài người bạn giới thiệu, anh quen chị Nguyễn Thị Bích Ty ở An Giang. Tuy tuổi tác có chênh nhiều so với vợ nhưng anh tâm sự không thấy quá nhiều chênh lệch trong cuộc sống gia đình khi cả hai đều cố gắng vun đắp mái ấm.

Gia đình của cô dâu Nguyễn Thị Bích Ty

Làm việc vất vả tại nhà máy đến 18h, anh hàng ngày về nhà ăn cơm với vợ và 2 đứa con, một gần 4 tuổi và một đứa chưa đầy tuổi. Anh hiểu nỗi vất vả của vợ khi phải chăm sóc cho 2 đứa con còn nhỏ lại cộng thêm mẹ già nên khi ăn cơm anh thường xuyên cố gắng nói chuyện với vợ bằng cả 2 thứ tiếng.

Anh tâm sự tiếng Việt của mình cũng khá hơn trước rất nhiều nên có thể nói được nhiều chuyện với vợ ngoài tiếng Hàn. Anh thích học tiếng Việt vì muốn cho vợ mình cảm thấy đỡ nhớ nhà và đặc biệt dù mệt đến mấy sau khi ăn cơm anh đều cố gắng giúp vợ rửa bát và tắm rửa chăm sóc cho đứa lớn.

Tuy làm việc vất vả nhưng đến tối chồng của Ty luôn dành thời gian chăm sóc cho các con.

Sự đồng cảm của Lee khiến Ty cảm thấy vô cùng thương chồng và cố gắng làm tốt vai trò của người vợ trong gia đình. Chị tâm sự, cuộc sống ở đây tuy có nhiều điều khó khăn nhưng chị luôn cảm thấy vui. Hạnh phúc với chị không có gì là to tát mà đơn giản là như cuộc sống hiện tại.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính phủ

Cả Truyền và Ty, hai cô dâu Việt Nam đều gia nhập các tổ chức phi chính phủ của người dân Hàn Quốc trong nỗ lực xây dựng các gia đình đa văn hóa nhằm giải quyết các mặt trái của phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn Hàn Quốc.

Đặc biệt, sau vụ sát hại cô dâu người Việt 19 tuổi tại Hàn Quốc gây chấn động dư luận, chính phủ đã mạnh tay hơn trong việc khuyến khích và đề ra nhiều chính sách nhằm quản lý và nắm bắt các gia đình đa văn hóa từ đó đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ.

Một buổi gặp gỡ giữa gia đình một cô dâu và đại diện tổ chức hỗ trợ gia đình đa văn hóa.

Nhiều tổ chức phi chính phủ được các cá nhân đóng góp với những khoản tiền tự nguyện không hoàn trả ngày càng được lập nhiều hơn nhằm hỗ trợ cho các cô dâu ngoại quốc khi đến đây lập gia đình.

Hàng loạt các chính sách như hỗ trợ phí sinh hoạt, y tế đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, văn hóa và nghề nghiệp phù hợp với cuộc sống của Hàn Quốc đang mọc lên ở khắp nơi như một nỗ lực cấp thiết giúp cho các cô dâu ngoại quốc dễ dàng hòa nhập hơn với cuộc sống.

Với những nỗ lực như vậy, các cô dâu ngoại quốc nếu nắm bắt được thông tin và tìm đến đúng nơi hỗ trợ, việc học về các vấn đề về pháp luật và văn hóa Hàn Quốc chính là một tác động giúp giảm bớt các nguy cơ về bạo hành gia đình hoặc các vấn đề không may mắn khi đến sinh sống tại Hàn Quốc.

Hoàng Lam