- Cụ Trương Ngữ Xảo “dưỡng già” trên chiếc sạp bán hàng giữa chợ Nhật Tảo đã nhiều năm nay. Cụ được ông Minh và chị em tiểu thương tốt bụng thương mến chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ.
Chăm người dưng như chăm mẹ
Nhiều tiểu thương ở chợ Nhật Tảo cho biết, hàng ngày cứ 3 giờ sáng là ông Minh
đã tới giúp cụ Xảo dậy đi vệ sinh. Do cụ Xảo không còn đi được, vận động khó
khăn nên ông Minh lấy tấm bạt vây chung quanh để cụ đi vào bô rồi đem đi đổ.
Xong phần vệ sinh cá nhân, cụ được đỡ ngồi tựa vào thùng đồ xem mọi người lục
đục dọn hàng, xếp chỗ chuẩn bị cho một ngày mua bán bận rộn.
Dù không tự chăm sóc được cho bản thân nhưng cụ Trương Ngữ Xảo vẫn không muốn rời khu chợ đã gắn bó hơn bốn chục năm. |
5g sáng, ông Minh đem bữa sáng đến cho cụ Xảo. Đó là một tô cơm chừng 2 chén.
Ông Minh kiên nhẫn đứng xúc từng muỗng cho tới khi cụ Xảo ăn hết. Xong việc, ông
đỡ cụ Xảo nằm xuống, không quên đắp cho cụ tấm chăn ngang bụng rồi mới trở về
với công việc nhà.
11g trưa, ông Minh lại mang bữa trưa tới, lần này ít hơn. Thức ăn cho cụ không
cầu kỳ vì cụ chỉ ăn chay. Cụ ăn hết phần cơm rất ngon miệng... Đến 2g chiều, ông
Minh lôi quần áo của cụ Xảo ra giặt, phơi xong lại cho bà ăn thêm bữa nhẹ. Bữa
ăn cuối cùng trong ngày của cụ Xảo được ông Minh đem tới vào lúc 5g chiều.
Từ miếng ăn tới giấc ngủ, hầu như cả ngày ông Minh đều qua lại như con thoi tới chỗ bà cụ. Vài hôm ông Minh lại tắm gội cho cụ Xảo một lần.
Ông Minh đang phơi quần áo cho cụ Xảo sau khi giặt. |
Ông Minh coi việc chăm sóc cụ Xảo như cái duyên. “6 năm về trước, khi còn đi
đứng buôn bán được, ngày hai bữa bà nhóm bếp nấu ăn bằng củi, khói xông vào đầy
chợ. Tôi nghĩ, bà đã cao tuổi, sợ việc nhóm bếp như thế nhiều khả năng gây cháy
chợ nên đề nghị đưa cơm cho bà, giúp bà bớt đi những công việc lỉnh kỉnh. Bà ăn
chay trường, gia đình tôi cũng thế nên việc chăm sóc không mấy khó khăn trở ngại
gì nhiều.
Ba năm gần đây bà nằm một chỗ, tôi phải giúp bà tất cả mọi việc. Cũng may, sức
khỏe bà còn tốt không bệnh tật gì nhiều. Những hôm trái gió trở trời bà... sụt
sùi, tôi chỉ cần nấu cháo cho bà húp vài hôm là khỏi”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cho biết thỉnh thoảng cụ Xảo cũng có vài người thân lui tới thăm bà
nhưng họ chỉ đến trong phút giây ngắn ngủi. “Mọi việc họ phó mặc cho chúng tôi”,
ông Minh nói.
Hơn 40 năm ở chợ, cuối đời cụ Xảo được anh chị em tiểu thương đùm bọc. Hàng ngày
cụ nằm đó, thỉnh thoảng lại có người ghé lại vấn an, biếu đồng tiền, tấm bánh.
Sống ở chợ, chết cũng ở chợ
Toàn bộ chi phí trong việc nuôi nấng cụ Xảo đa phần do ông Minh cáng đáng. Những
sự giúp đỡ khác đến với cụ Xảo chỉ giúp ông vơi bớt phần nào, bởi ông Minh còn
cả một gánh nặng gia đình phải lo toan: cha già 90 tuổi, bà vợ ốm đau liên miên
và 3 cô con gái.
“Giúp bà mỗi bữa ăn chỉ là thêm cái chén, đôi đũa. Có lúc tôi không nghĩ bà là
người dưng mà cứ nghĩ bà như là mẹ mình”, ông Minh nói.
Chúng tôi ấn tượng mãi cảnh ông bón từng thìa cơm cho bà cụ. Ông vừa kính cẩn
lại vẫn vui vẻ cười nói cốt sao cho bà cụ ăn được ngon miệng. Ba năm nay, dường
như chỉ có một hai hôm con gái ông thay ông làm công việc đó khi ông bị bệnh,
nhưng cũng chỉ việc cho ăn, còn tất cả công việc khác như tắm rửa, giặt giũ, mắc
màn che bạt đều ở tay ông Minh.
Lúc chợ đông nhưng ông Minh vẫn thường xuyên ghé trông chừng cụ Xảo. |
Một chị tiểu thương kể lại có lúc Ban Quản lý chợ và chính quyền muốn đưa cụ vào cơ sở dưỡng lão nhưng cụ quyết liệt từ chối. Cụ nói, sống ở chợ chết cũng ở chợ, nhất định không đi.
Ông Hà Tuấn Phương, Phó Chủ tịch UBND phường 4 thừa nhận, phường cũng đã có ý định đưa cụ Xảo vào cơ sở dưỡng lão nhưng cụ không chịu đi và tiểu thương cũng không đồng tình. Do có hộ khẩu tại địa phương, cụ được hưởng trợ cấp người già 240.000đ/tháng. Hàng ngày, hội Chữ Thập đỏ phường cấp cho cụ một hộp cơm. Tất cả những khoản này đều được đưa đến cho ông Minh để phụ ông chăm sóc cụ Xảo.
Trần Chánh Nghĩa