- "...Vợ đau đẻ cả ngày mà bác sĩ bảo cứ chờ. Đến nửa đêm hỏi lại thì vẫn bảo chờ tiếp đến sáng mai, sau đó bác sĩ trực đi đánh bài dưới phòng bảo vệ. Tôi mới nghĩ ra là phải đưa phong bì, thế là ông bác sĩ lên khám lại và bảo phải mổ gấp kẻo nguy hiểm" - Một độc giả kể chuyện "thoát hiểm" của chính vợ mình.
Nhật ký một ca mổ đẻ đầy cam go
Hờn
tủi vì phải 'vượt cạn' một mình
Những
chuyện bức xúc ở phòng đẻ
Sau khi đăng tải bài viết Những chuyện bức xúc ở phòng đẻ, VietNamNet đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Phần lớn độc giả cho rằng, phản ánh của bài báo là đúng với thực tế, nhiều độc giả chia sẻ câu chuyện thực mà mình gặp phải.
Phong bì - chuyện thường ngày ở bệnh viện
“Quá đúng và quá chuẩn về nạn phong bì ở bệnh viện” là lời nhận xét của độc giả Nguyễn Khánh Chi về bài báo. Độc giả này cho rằng, chuyện đưa phong bì cho bác sĩ hiện nay là chuyện thường ngày ở bệnh viện.
Độc giả Trung Thị Duyên cũng đồng quan điểm: “Các bác sỹ bây giờ quan trọng cái phong bì hơn tính mạng bệnh nhân, không phải phụ sản mà viện nào cũng vậy. Cứ phải phong bì và luồn cúi. Đáng buồn hơn là nhiều người vừa yếu chuyên môn lại vừa tha hóa về đạo đức. Chỉ khổ người bệnh nghèo”.
Câu chuyện của độc giả Nguyễn Hùng càng chứng minh cho nạn phong bì ngày càng phổ biến ở phòng đẻ, độc giả này còn nhấn mạnh rằng “phong bì đổi lấy tính mạng”.
“Ngày vợ tôi sinh cũng rơi vào hoàn cảnh chậm phong bì, vì mình chưa có kinh nghiệm trong việc đưa phong bì, vợ đau đẻ cả ngày mà bác sĩ bảo cứ chờ. Đến nửa đêm hỏi lại thì vẫn bảo chờ tiếp đến sáng mai, sau đó bác sĩ trực đi đánh bài dưới phòng bảo vệ. Tôi mới nghĩ ra là phải đưa phong bì, thế là ông bác sĩ lên khám lại và bảo phải mổ gấp kẻo nguy hiểm, ôi trời ơi sức mạnh của đồng tiền là đây!"...
Tranh minh họa: Internet |
"Trước đó 1 ngày có 1 vụ mổ không kịp làm bé chết ngạt vì người nhà bệnh nhân khó khăn đang phải đi vay mượn tiền, thế rồi họ kéo người nhà lên chửi bới om sòm mà để ý vụ đó không thấy lên báo? Còn nhiều tiêu cực trong bệnh viện lắm kể ra cả ngày cũng không hết đâu. Thường thì đi đẻ có bảo hiểm chỉ mất 500k thì các bạn phải chuẩn bị 5 triệu để lo lót phong bì nhé”, độc giả Nguyễn Hùng kể.
Độc giả Nguyễn Thị Phúc kể câu chuyện của mình: “Cách đây 6 năm tôi đã sinh một cháu ở Bệnh viện phụ sản T. và hiện nay tôi cũng chuẩn bị sinh cháu thứ 2. Bài báo phản ánh hoàn toàn đúng sự thật đã và đang xảy ra ở bệnh viện này. Và tôi cũng dự định là chuẩn bị vài chiếc phong bì để hy vọng tính mạng và sự an toàn của hai mẹ con được đảm bảo. Thật buồn thay cho ngành y tế nước nhà. Chống tham nhũng chỉ thấy hô to thôi, những vấn đề trước mắt và hàng ngày cứ diễn ra đó có thấy thay cán bộ nào quan tâm đâu?”.
Văn hóa phong bì không chỉ diễn ra ở các bệnh viện Trung ương, bệnh viện ở thành phố lớn như Hà Nội, mà ngay cả những tỉnh miền núi như Bắc Cạn, Bắc Giang, bác sĩ còn “trắng trợn” vòi phong bì.
Độc giả Vàng A Páo, ở Bắc Cạn phản ánh: “Giờ ở bệnh viện nào cũng như vậy thôi. Người ta bảo lương y như từ mẫu à, làm gì còn nữa. Giờ lương y đặt phong bì lên trên hết thôi. Và thực trạng này ở Bắc Kạn một tỉnh miền núi đa số là con em dân tộc nhưng mỗi khi vào viện thật sự là kinh khủng nếu là người dân nghèo, không có tiền”.
“Tôi ở Bắc Giang, đã 2 lần đưa vợ đi đẻ ở BV Phụ sản, tôi cũng được chứng kiến những cảnh tương tự mà bài báo ở trên nêu, thậm chí chậm phong bì thôi cũng đã bị “bỏ rơi” chứ đừng nói quên phong bì, điều đó người dân nào cũng biết chỉ có các cơ quan chức năng không biết thôi”, một độc giả ở Bắc Giang kể.
Độc giả Hoàng Kim Lan (Hải Phòng) tiếp lời: “Bài báo phản ánh hoàn toàn đúng sự thật, tôi ở Hải Phòng và đã đưa rất nhiều người nhà đi đẻ, tôi thấy sự vòi vĩnh của bác sĩ là trắng trợn, à mà bác sĩ không ra mặt, chỉ cho y tá ra gặp người nhà. Khi đưa phong bì họ trắng trợn mở ra ngay trước mặt người nhà, khi thấy ít họ kêu không đủ chia, đúng như bài báo nói. Cực chẳng đã tôi phải móc ví ra bỏ thêm vào phong bì”.
Văn hóa phong bì chỉ có ở ngoài Bắc?
Nhiều độc giả ở miền Nam cho rằng, văn hóa phong bì chỉ có ở các bệnh viện phía Bắc, còn rất ít xảy ra ở các bệnh viện trong Nam.
Độc giả Thành Nhân, sống ở TP Hồ Chí Minh cho biết, anh đã từng đưa vợ đi đẻ ở Bệnh viện Tù Dũ vào năm 2011. Mặc dù tình trạng luôn quá tải nhưng thái độ bác sĩ, điều dưỡng ở đây rất tốt. Không có gì phải phàn nàn.
Độc giả Lâm Chi cũng đồng quan điểm: “Tôi ở Tp.HCM. Tôi cũng từng sinh 2 lần ở BVPS Từ Dũ. Cả 2 lần tôi sinh tôi đều không tốn bất cứ "phí đen" nào ngoài các loại phí quy định của nhà nước cả. Nhưng tôi vẫn nhận được sự chăm sóc nhiệt tình của các y bác sĩ cũng như của điều dưỡng. Nói chung, không thể có sự nhiệt tình như mình sử dụng dịch vụ đặc biệt, nhưng cũng không hề thiếu trách nhiệm, thiếu tận tâm đối với sản phụ. Nói thêm một điều: hình như tôi thấy những chuyện tiêu cực đại loại như bài báo này toàn là ở miền Trung và miền Bắc không thôi. Chẳng trách sao cuộc sống ở SG thu hút dân nhập cư!”.
Sinh ra ở miền Bắc rồi vào miền Nam sinh sống nên độc giả Phạm Quang Minh nắm được tình hình bệnh viện của cả hai miền. Độc giả này so sánh: “Tôi sinh ra ở miền bắc nhưng vào Thuận An, Bình Dương sống đã hơn 20 năm. Năm 2011 vợ sinh cháu thứ 2, tôi đưa vợ đi sinh (có bảo hiểm y tế). Khi sinh được bác sỹ chăm sóc rất tốt, mẹ tròn con vuông.
Lúc tôi có ý định đưa phong bì, thì các cô hộ lý không nhận, sau các cô có nói là nếu có lòng thì mua mấy ly cà phê hoặc nước ngọt cho các cô là được. Nếu tính chi phí cho sinh cháu tại bệnh viện Thuận An (có bảo hiểm) chỉ mất gần 300 ngàn, tất nhiên là không tính chi phí nằm phòng dịch vụ theo giá thỏa thận và một số phát sinh khác. Tôi nghĩ được như vậy là tốt”.
Độc giả Lương Văn Xuân cũng cho rằng trong miền Nam không có nạn phong bì như ngoài Bắc: “Tôi là người Thanh Hóa nhưng vào Cần Thơ đã lâu. Vợ tôi cũng đã 1 lần sinh vào năm 2011 tại BV ĐKTW Cần Thơ nhưng tất cả đều tuyệt vời, trễ thai 7 ngày nhập viện 2 ngày nhưng vẫn chưa có dấu hiệu sinh, các BS đề nghị phải mổ, thế là xong, mẹ tròn con vuông. Khi ra viện mình cảm thấy hài lòng nên mới gửi phong bì 200 ngàn gọi là cảm ơn, không có cũng chẳng ai ép”.
Độc giả này còn lý giải thêm nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau giữa hai miền Nam – Bắc: “Theo tôi nghĩ môi trường, con người, cách xử sự giữa con người với con người trong miền nam quá tốt. Không riêng gì chuyện đi đẻ mà hầu như trong các chuyện khác đều ít thấy tiêu cực. Có lẽ do văn hóa, phong cách trong này yên bình, con người chất phác, ít bon chen, cạnh tranh. Tôi nghe toàn tiêu cực ở ngoài Bắc không hà. Tôi nghĩ tất cả là do văn hóa xin việc mà ra, xin được 1 việc tốt mất cả mấy trăm triệu, đến giáo viên lương ba cọc ba đồng cũng mất gần 1 trăm thì sao tránh khỏi tiêu cực”.
Kim Minh (tổng hợp)