- Những chiếc thuyền cũ nát, xập xệ; nguồn nước, môi trường sống bị ô nhiễm; cảnh nghèo, bệnh tật và thất học. Đó là những gì mà 18 hộ dân với gần 100 nhân khẩu xóm vạn đò Thủy Phú, xã Hương Vinh (Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đang phải chung sống.

Xóm vạn đò cuối cùng ở Hương Vinh

Cách TP. Huế chừng hơn 10 cây số, vùng đất Thủy Phú, xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà) là nơi hợp long của hai con sông Hương và sông Bồ (còn gọi ngã ba Sinh). Suốt hơn 30 năm qua, nơi đây vẫn còn tồn tại một xóm vạn đò côi cút giữa vùng sông nước này.

Lay lắt phận đời xóm vạn đò Thủy Phú.

Anh Trần Quốc Thông, chủ một trong gần 20 hộ dân đang sinh sống tại xóm vạn đò sông nước Thủy Phú, nghẹn ngào: “Cảnh đời lênh đênh sông nước khổ lắm! Những đêm nhận thông tin bão số 8 ảnh hưởng đến Huế không có đêm nào tôi ngủ ngon được. Vào khuya, những đợt sóng đánh mạnh, gió rít, mưa tạt, chiếc thuyền cứ bồng bềnh, lắc lư theo con sóng mà tôi lạnh ớn đến sống lưng. Tội nhất là 3 đứa con nhỏ, mưa tạt ướt cả trong khoang thuyền, bọn nhỏ không ngủ được nên cứ khóc mếu”.

Nguy cơ trẻ bị té nước chết đuối luôn ám ảnh những gia đình có con nhỏ sống trên sông.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cách đây chừng 30 năm, xóm vạn đò Thủy Phú cũng chỉ có gần 5 hộ dân. Sau, nhiều người dân vì thiếu đất ở, không ngành nghề, trong khi ngã ba Sinh này lại là nơi có lượng thủy hải sản rất phong phú, nhiều hộ đã xuống sông bám víu cuộc sống qua ngày với nghề thả lưới, thả lừ. Cứ thế số lượng người dần tăng theo thời gian, sau này con cái sinh ra cũng lẩn quẩn bên những mạn thuyền bé nhỏ, tiếp tục sống lênh đênh trên sông nước.

Vì hoàn cảnh của hầu hết bà con ngư dân xóm vạn đò Thủy Phú đều khó khăn nên không ít đứa trẻ là con em của người dân dù đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa được đến trường. 

Anh Lê Văn Huấn (34 tuổi), bộc bạch: “Mấy đứa nhỏ đều đến tuổi ăn học nhưng vì gia đình nghèo quá nên không có tiền cho các con đến trường. Thấy bạn bè cùng trang lứa với lũ trẻ hằng ngày được cắp sách đến trường mà lòng tôi quặn thắt. Hai vợ chồng tôi làm quần quật cả ngày lẫn đêm cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn, chỉ đủ để mua gạo cho các con. Trong bốn đứa con, thì chỉ có con bé út năm nay vào lớp 1, còn ba đứa kia thì phải ở nhà. Giờ mà cho cả bốn đứa đi học, e rằng, tôi không kham nổi”.

Nguồn nước, môi trường sống tại xóm vạn đò Thủy Phú ngày càng bị ô nhiễm.

Đáng quan ngại, do không có nước sạch để sử dụng nên hằng ngày mọi sinh hoạt từ tắm giặt, rửa chén bát, đồ ăn, thức uống người dân đều dùng trực tiếp nước sông Hương. Chỉ có nước uống là họ lên bờ mua về dùng với giá mỗi can 20 lít là 1.000 đồng… "Biết là nước ô nhiễm nhưng không còn cách nào khác”, chị Thu (vợ anh Thông) ngậm ngùi.

Khát khao lên bờ

Khát khao được lên bờ để ổn định cuộc sống, đó là ước mơ cháy bỏng nhất của 18 hộ dân với gần 100 nhân khẩu xóm vạn đò Thủy Phú.

Không biết đến bao giờ khát khao lên bờ định cư người dân xóm vạn đò Thủy Phú sẽ trở thành sự thật.

Ông Trần Đức năm nay đã bước qua cái tuổi thất thập, mong muốn: “Người dân xóm đò chúng tôi chỉ khao khát một ngày được chính quyền địa phương tạo điều kiện để được lên bờ. Gần như cả cuộc đời tôi đã gắn chặt với sông nước nơi đây, vị mặn ngọt đã nếm trải hết, giờ chỉ mong cho tất cả gia đình xóm cư dân vạn đò Thủy Phú không phải sống trong cảnh khổ sở như tôi đã từng sống”.

Cảnh sinh hoạt diễn ra trong không gian chật chội, ẩm thấp

Ông Nguyễn Văn Bổn, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết: “Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo địa phương cũng đã kiến nghị lên cấp trên về nguyện vọng được lên bờ tái định cư của 18 hộ dân xóm vạn đò Thủy Phú. Ngay sau khi nhận được ý kiến, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cũng đã về làm việc với địa phương và bà con xóm vạn đò về chủ trương đưa bà con lên bờ để ổn định cuộc sống. Về phía địa phương, quỹ đất cho công tác di dời dân đã được chuẩn bị tại miền Thanh Hà. Tuy nhiên, thời điểm đưa dân lên bờ sẽ vẫn phải chờ, bởi vốn đầu tư đang đợi cấp trên giải quyết”.

Hi vọng rằng, khát khao lên bờ người dân nơi đây sớm trở thành hiện thực.

Thiện Thảo