“Dẫu trong niềm bất hạnh, nhưng tôi vẫn sẽ vươn lên như loài xương rồng trên triền cát trắng miền biển quê tôi. Tôi tự hào vì đã được sống với niềm tin một con người...", lời tâm sự của cô gái trẻ Vương Thị Dung (1991) thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam đang chống chọi với bệnh tật.
Tôi biết mình là vợ 2 khi con đã 2 tuổi
Đau lòng chồng bán vợ cho tình nhân giá 20 triệu đồng
Ê chề phận làm vợ hai
Tai họa sau một đêm ngủ dậy
Trong căn nhà nhỏ giữa miền cát trắng nằm khuất lấp sau những lối đi đầy xương rồng mọc hoang dại, đập vào mắt tôi là hình ảnh cô gái trẻ Vương Thị Dung nằm bất động trên giường. Nhưng trên gương mặt ấy là nụ cười ấm áp như không bao giờ tắt.
"Đó là vào cuối năm 2007, khi em mới 17 tuổi, đang học lớp 11 trường huyện, em đột nhiên bị liệt toàn thân. Em đã khóc khi nhìn mẹ nhìn ba đưa em đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Nhưng tất cả đều vô vọng…” Dung kể.
Dung bảo với tôi rằng: khóc mãi rồi nước mắt cũng cạn, và em tự hỏi tại sao mình khóc? Trên cuộc đời này vẫn còn đó những hoàn cảnh thương tâm, những mảnh đời bất hạnh. Mình may mắn còn được sống, còn ba còn mẹ, còn bạn bè. Em vẫn hạnh phúc tràn đầy, phải đứng dậy để vượt qua số phận nghiệt ngã.
Vương Thị Dung nằm liệt trên giường. |
Thấy đứa con gái yêu quý của mình bỗng dưng mắc căn bệnh lạ, bà Đào hốt hoảng gọi người đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Thăng Bình.
Các y bác sỹ ở đây lạ lùng với triệu chứng này nên chuyển Dung vào bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Tại đây các bác sỹ chẩn đoán Dung bị một bệnh lý hiếm gặp là viêm tủy cắt ngang vùng cổ.
Thương con, bà Đào giấu con về bệnh tình, đi cầu cứu khắp nơi mong cứu chữa được cho đứa con gái, nhưng y khoa bất lực nên bà đành đưa con về.
“Có buồn có khóc thì bệnh tình của em cũng đâu có thể chữa khỏi được nữa. Phải biết chấp nhận mà sống, mà vươn lên anh à…!” – Dung tâm sự. Sau hơn 2 năm nằm liệt giường và khóc, cuối cùng cô quyết định không khóc và cắn răng luyện tập để vượt qua nỗi đau bệnh tật.
Vượt qua bóng đêm của bất hạnh
Cắn răng để không cho nước mắt chảy dài vì đau đớn, kiên nhẫn luyện tập nhờ sự giúp sức của người mẹ với niềm tin cháy bỏng được thắp lên bằng sự kiên trì tập luyện. Hơn 5 năm sau hai tay của Dung cũng bắt đầu vận động được.
“Hơn 7 năm sau kể từ ngày nằm liệt giường, đôi tay em đã cử động được trở lại nhờ kiên trì luyện tập. Em mừng đến trào nước mắt. Dẫu chưa đứng dậy được, nhưng như vậy là em đã chiến thắng được số phận rồi phải không anh…?” - Dung cười tự tin.
Bà Đào rớt nước mắt khi kể về con gái mình. |
Còn đứa con trai đầu bị bệnh tim bẩm sinh, hở van 2 lá nên lúc tỉnh, lúc mê, chỉ biết quanh quẩn ở nhà và mỗi tháng một lần phải đi viện cấp cứu vì ngất xỉu.
Bà Đào kể: “May trời còn thương, đợt bão Chanchu tưởng ổng (Ông Mai - PV) nằm lại ngoài biển rồi. Ơn trời, tàu trôi dạt nhiều ngày cuối cùng ổng cũng trở về với vợ con. Nhưng ổng lại bị đau một trận thập tử nhất sinh đi hết mấy bệnh viện mới khỏe về nhà”.
Vừa khỏi bệnh, ông lại ra biển vì nhà không còn gạo mà nấu cháo nữa. “Nhìn con quằn quại, vật vã trong những cơn đau mà lòng tui đau như cắt chú à. Răng ông trời không để tui gánh cái họa ni để nó sống khỏe mạnh còn hơn…” Ông Mai nói trong nước mắt.
Không từ bỏ ước mơ được làm cô giáo, khi đôi tay cử động được trở lại Dung bắt đầu tự học trên giường. Những con chữ khó nhọc cũng được Dung miệt mài tập luyện trở lại sau hơn 7 năm rời xa sách vở.
Bằng nghị lực tuyệt vời, Dung đã có thể ngồi dậy, cử động được tay và dạy học cho lũ trẻ trong làng, làm hoa giấy mang tặng cho trường mầm non… |
“Tôi đã chống chọi với bệnh tật và sẽ có ngày, tôi chiến thắng bệnh tật. Nhưng liệu tôi có thể chiến thắng được số phận nghiệt ngã của mình...?" - những câu hỏi day dứt trong từng trang nhật ký Dung viết.
Nhiều bài thơ, bài văn của Dung đã được gửi tới các báo, tạp chí như Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò, Áo trắng… Và may mắn một số bài thơ của chị đã được một số tờ báo sử dụng. Đó là động lực để Dung gượng dậy tin yêu vào cuộc đời.
Không chịu nằm yên, Dung “mở lớp” dạy kèm mấy đứa trẻ làng chài khó nghèo. “Nói là dạy chứ thực ra em biết gì em chỉ cái đó thôi. Chúng cũng chịu khó nên đứa nào cũng học được hết!”-Dung cười bảo.
Lũ trẻ trong làng đến học ở nhà Dung bất kể lúc nào từ sáng, trưa, chiều và cả buổi tối. Từ những học sinh lớp 10 hay lớp 1 cũng vậy. Những lúc rảnh rỗi, Dung lại tự tay làm hoa giấy, kết lại thành chùm, thành giỏ hoa tặng sinh nhật cho lũ trẻ trong làng, hay cho lớp mẫu giáo gần nhà để lũ trẻ cùng chơi.
Chia tay Dung, trong đầu tôi vẫn hiện nguyên hình ảnh của cô gái đầy nghị lực và những dòng tâm sự trong nhật ký của mình như một lời tri ân với cuộc đời mà cô tin rằng: “Dẫu trong bất hạnh, nhưng tôi sẽ vươn lên như loài xương rồng trên triền cát trắng ở miền biển quê tôi. Tôi tự hào vì đã được sống với niềm tin của một con người. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng vào cuộc đời này, dẫu sinh ra không có được số phận bình an, may mắn như bao người khác... nhưng tôi vẫn sẽ ngẩng cao đầu để đi hết quãng thời gian được sống trên cuộc đời tuyệt vời này…”
Đó là niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời của cô gái tật nguyền nơi vùng biển khó nghèo chưa hết nỗi đau Chan chu.
Vũ Trung