Nhật Bản được coi là “vùng đất của đậu phụ”. Bàn tay tài hoa cùng óc sáng tạo tinh tế, người Nhật đã chế biến nên rất nhiều món ngon và bổ dưỡng từ nguyên liệu này.
Đậu phụ kinu: Kinu còn gọi là kinugoshi, hay silken, có nghĩa là đậu lụa. Đúng như tên gọi, kinu là loại đậu phụ tươi có kết cấu mượt mà, rất mềm và dễ vỡ nên khó chế biến. Kinu thường được ăn lạnh với xì dầu, hành lá và một chút wasabi. Ảnh: Uemuratofu |
Đậu phụ momen: Cùng với Kinu, momen là một loại đậu phụ tươi phổ biến nhất ở Nhật Bản. Đậu được ép nước kỹ hơn kinu nên có độ xốp, giàu protein và giữ được hình dạng tốt hơn khi chế biến. Momen có thể được chế biến theo rất nhiều kiểu như rán, nướng, nấu súp... Ảnh: Uemuratofu. |
Đậu phụ abura-age: Tương tự như món đậu rán ở Việt Nam, món abura-age của Nhật Bản là miếng đậu phụ thái mỏng rán ngập dầu cho tới khi có màu vàng và xốp. Abura-age có thể ăn riêng hoặc dùng làm vỏ nhồi các nguyên liệu khác vào như món inarizushi, hay được thái mỏng để trang trí trong món súp miso. Ảnh: Allabout-japan. |
Đậu phụ atsu-age: Atsu-age cũng là đậu phụ rán, nhưng được chiên cả miếng dày. Atsu-age có thể được ăn riêng, hoặc ăn cùng nước sốt với hành lá, hay nấu súp. Ảnh: r.gnavi. |
Đậu phụ yakidofu: Yakidofu là một loại đậu phụ tươi nướng qua rồi chế biến thành các món ăn khác nhau. Yakidofu được bán sẵn rất nhiều tại các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản. Ảnh: Snapdish. |
Đậu phụ yose tofu: Yose tofu còn gọi là oboro tofu, là một dạng đậu “non” được hóa đông trong trạng thái không bị ép nên rất mềm. Loại đậu này được đóng gói khi vẫn nóng, nên giữ được trọn vẹn hương vị của nó. Món này có thể ăn trực tiếp hoặc nấu súp. Ảnh: Topvalu. |
Đậu phụ tofuyo: Nếu có dịp đến thăm Okinawa, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức đặc sản địa phương là gofuyo, thường được bán kèm đồ uống có cồn. Tofuyo được làm từ đậu tương lên men với nấm mốc koji và rượu awamori, khiến loại đậu này có hương vị mạnh và khá nồng. Ảnh: Photohito. |
Đậu phụ nhiều hương vị khác nhau: Các cửa hàng và siêu thị tại Nhật Bản bán đậu phụ với nhiều hương vị khác nhau tùy theo sở thích của khách hàng. Phổ biến nhất là đậu phụ hương vị lạc, vị vừng, hay đậu phụ được làm từ đậu nành Nhật Bản, thậm chí có cả vị quả bơ. Những loại đậu này cũng có màu sắc khác nhau. Ảnh: Macdo.jp. |
Đậu phụ yuba: Yuba là món ăn đặc trưng của Kyoto. Yuba chính là lớp màng trên bề mặt của sữa đậu nành sau khi đun sôi. Lớp màng này được vớt bằng một que tre, sau đó cuộn lại dùng để ăn tươi hoặc sấy khô qua than củi. Yuba sấy khô dùng để chế biến thay thịt gia súc, gia cầm trong các món ăn chay. Loại đậu này có hàm lượng protein và chất béo rất cao. Ảnh: Blog.livedoor. |
Đậu phụ okara: Okara còn gọi là bã đậu, một hỗn hợp chứa các phần không hòa tan trong nước của đậu nành sau quá trình làm đậu phụ. Trong okara chứa nhiều chất xơ, protein, sắt, canxi nên được tận dụng để làm bánh mì, nấu cháo và chế biến món unohana truyền thống của Nhật Bản. Món này nấu với nước tương, rượu mirin, cà rốt, rễ cây ngưu bàng và nấm. Ảnh: Housewives-full-life. |
Đậu phụ koyadofu: Koyadofu là đậu phụ được sấy khô và bảo quản lạnh dưới dạng các khối hình chữ nhật màu nâu nhạt. Koyadofu được đặt theo tên của ngọn núi Koya, nơi bắt nguồn của loại đậu này. Món đậu phụ này do các nhà sư sáng tạo nên và là một nguyên liệu không thể thiếu trong các món chay truyền thống tại các ngôi chùa của Nhật Bản. Koyadofu có thể lưu trữ được trong thời gian dài và phải ngâm vào nước trước khi chế biến. Ảnh: Bebe Love Okazu. |
(Theo Zing)