Bị người yêu "phũ tình", mẹ chồng tương lai thì tỏ thái độ ra mặt vì cô không chịu phá thai, cuộc đời của P.A bắt đầu chuỗi ngày bi kịch đẫm nước mắt.

So với các bạn đồng trang lứa, P.A (Q.Đống Đa, HN) có phần thua thiệt khi hoàn cảnh gia đình kém may mắn. Bố mẹ chia tay nhau từ năm P.A học lớp 9, sau đó bố cũng đi lấy vợ khác. Phần vì chán nản, lại nghe theo bạn bè rủ rê, P.A từng giẫm vào những vết trượt dài, giao du với các đàn anh đàn chị và nhanh chóng đưa mình vào danh sách “dân chơi”. Cũng chính vì lối sống buông xuôi đó mà cuộc đời của P.A như lao xuống dốc không phanh, đẫm nước mắt vì đau khổ và hối hận...

Đôi mắt rưng rưng như vẫn chưa nguôi được nỗi ân hận vì những lầm lỡ trong quá khứ, P.A kể về cơ duyên ngang trái khiến mình gặp gỡ người đàn ông phụ bạc. P.A gặp N (Q. Tây Hồ, HN) lần đầu tiên qua bạn bè giới thiệu. N sinh năm 1991 nhưng đã trải qua vòng lao lý, lúc gặp P.A cũng là khi N vừa ra tù. Là một cô gái "dân chơi", bất cần nên với P.A việc gặp một người đàn ông từng có tiền án không phải là điều gì to tát, đáng sợ. Ngược lại cô và N nhanh chóng kết thân, đi chơi cùng nhau. N và P.A đi chơi cùng nhau được chừng một tháng thì bắt đầu nảy sinh tình cảm.

Vốn là cô gái bị tổn thương - thiếu thốn tình cảm gia đình, P.A luôn mong muốn mình có người thương yêu, chia sẻ những buồn khổ trong cuộc sống. Vậy nên khi gặp và yêu N, cô đã gửi trọn niềm tin và tình cảm của mình cho N. Cô những mong hai con người từng lầm lỗi khi tựa vào nhau có thể mang hơi ấm và hạnh phúc cho nhau. Vậy nhưng, mọi mong ước về tổ ấm hạnh phúc của P.A đã bị N dần biến thành nỗi cay đắng cùng cực...

Theo lời P.A kể, trong quãng thời gian yêu nhau, không ít lần N thua tha cờ bạc, phải đem xe P.A đi cầm đồ rồi sau đó để mẹ P.A bỏ tiền ra chuộc về. Hai chiếc điện thoại xịn của P.A cũng theo N “đi về nơi xa” những khi N bí tiền. Nhưng vì nghĩ đến những lúc N được bạc, có tiền thì chẳng hề tiếc người yêu thứ gì, P.A ngậm đắng nuốt cay nhìn N mang đồ của mình đi cắm rồi sau đó lại xoay tiền trả nợ.

{keywords}

P.A luôn tự ti vì hoàn cảnh gia đình kém may mắn, bố mẹ ly hôn lại bỏ học từ năm lớp 9.

Gạt nước mắt kể lại cái ngày mà P.A thông báo tin có thai, N ngọt nhạt để P.A đem bỏ đứa bé, P.A cho biết: “Anh ấy nịnh em rằng để sang năm hai đứa cưới nhau, vì anh trai N cũng vừa cưới vợ. Bản thân em cũng nghĩ chưa muốn lấy nên đồng ý 'bỏ'. N chăm sóc em rất tận tình sau khi phá thai”. Thời gian sau đó, N càng ngày càng thua tha cờ bạc rồi tụ tập đánh nhau khiến P.A vô cùng chán nản và chuyển đến ở cùng gia đình bố. Nhưng nhớ N, nên P.A cứ đi đi về về Hà Nội để gặp người yêu. Việc gì đến cũng phải đến, P.A tiếp tục mang thai lần hai với N.

Những tưởng người yêu vì giọt máu của mình mà thay đổi. P.A cũng không ngừng kỳ vọng một hồi kết đẹp cho tình yêu của mình. Tuy nhiên, lần này, N tiếp tục giở bài cũ khi kiên quyết bắt P.A phải bỏ con “N nói với em rằng nếu có N thì không có em bé. Em quyết giữ đứa con, nên N bỏ em. Em khổ tâm lắm, khóc suốt vì lỡ yêu N quá nhiều đến không thể dứt ra được. Đến mức N đánh em suốt ngày nhưng chỉ sau vài câu nịnh nọt, em lại bỏ qua. Đến khi cái thai trong bụng được 3 tháng, em mới dám nói với mẹ. Cũng may sao mà mẹ đồng ý cho em giữ đứa bé”.

Cô T.H - mẹ của P.A, thời gian đầu tiếp xúc thấy N nhanh nhẹn, ăn nói khéo lại thấy con gái mình yêu thật lòng nên cũng xuôi dạ. Nhưng cô cũng chẳng ngờ là chàng “rể hờ” mà cô yêu quý đã khiến cuộc đời con gái cô phải trôi nổi, sóng gió thế này.

“Cô chạy chợ bận lắm mà vất vả, vì thế lơ là quan tâm đến con cái. Cũng chỉ biết hai đứa có tình cảm nhưng chưa từng tiếp xúc với gia đình bên kia. Mới đầu cô cũng thấy P.A nó kể rằng gia đình họ đông người lại quý mến nó, nên cô còn tưởng đã gả con được cho một đám tốt. Ai ngờ, nó bỏ mặc mẹ con con bé suốt từ ấy đến giờ. Con dại cái mang, có người cứ khuyên cô bảo P.A bỏ con đi vì hoàn cảnh nhà cô cũng khó khăn. Nhưng cô nhất quyết không cho nó bỏ” - Cô T.H chia sẻ.

Bạn trai ruồng bỏ, mẹ chồng tương lai ép phá thai

Từ ngày N biết tin P.A có bầu, N lộ rõ bản mặt sở khanh, “phũ tình”, gần như bỏ mặc hai mẹ con P.A và chuyển qua ở cùng một “cô em xã hội”, vốn là người tình của một người em thân thiết với N. Có quen biết nhau từ trước, P.A cũng hết sức tin tưởng cô bạn của người yêu, vì trước đó cô ả không ít lần tìm đến tận nhà P.A động viên và nói rằng sẽ cố gắng hết sức giúp N và P.A quay lại với nhau. Ra Tết 2014, P.A mới ngã ngửa người khi phát hiện người yêu và “cô em xã hội” có quan hệ tình cảm với nhau. Khi sự thật phơi bày, N ngang nhiên xác nhận có việc đó và bảo mình đã có lỗi với P.A.

Đi hết từ thất vọng này đến thất vọng khác, P.A chỉ còn biết quay về nhà nương nhờ vào mẹ. Tủi nhục với hoàn cảnh của cô con gái nhỏ, mới mười mấy tuổi đầu nhưng đã trót dại trao thân cho một kẻ không ra gì, mẹ P.A đành ngậm bồ hòn làm ngọt gọi điện cho mẹ N. Lúc này mẹ N chỉ ngọt nhạt nói rằng rất thương hoàn cảnh của P.A và rất muốn hai đứa đến với nhau nhưng do con trai đi khỏi nhà đến nay đã mấy tháng chưa về nên bà không thể tự giải quyết.

Từ khi yêu N, P.A vẫn thường xuyên đến nhà N, có mặt đầy đủ trong những buổi họp mặt hay giỗ chạp của gia đình. Tưởng rằng N không ra gì thì còn có gia đình N cưu mang trong khi bụng mang dạ chửa, nhưng nào ngờ mẹ N không ngần ngại nói thẳng: tại sao không phá thai, hết bao nhiêu tiền mà không xin tiền bà đi phá. Biết rằng không còn chỗ bấu víu, P.A quay về nhà, sống nhờ vào tiền chợ của người mẹ già chắt chiu từ những buổi dậy sớm thức khuya.

{keywords}

Cô con gái bé bỏng là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của P.A lúc này.

Những ngày mang thai là chuỗi ngày đau khổ vật vã của cô gái trẻ, khi vừa lao động vất vả, vừa một mình vượt qua những lời xì xào bàn tán của mọi người. “Ngày nào em cũng dậy sớm đưa mẹ đi làm rồi đón mẹ về lúc trời tối muộn. Đồ để bán hàng rất nặng nhưng mùa đông rét cắt da cắt thịt hay mưa bão, em cũng đi không bỏ ngày nào. Em đau đẻ cũng đúng lúc đang đưa mẹ đi làm về, sau đó cả mấy mẹ con dắt díu nhau vào viện” - P.A kể lại. Nhờ trời, dù mang thai trong lúc tâm trạng rối bời vì bị người yêu phụ tình nhưng hai mẹ con vẫn cùng nhau vượt cạn an toàn, P.A hạnh phúc khi biết mình được làm mẹ một bé gái xinh xắn, giống cô như tạc.

Những ngày trong viện, mẹ phải chạy chợ để lo kinh tế, P.A lủi thủi một mình chăm con, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bố đứa trẻ. Người nhà N biết, thì cũng chỉ có anh chị và chú thím N đến viện và cho hai mẹ con tiền. Mẹ N không đến thăm, chỉ nhờ người đưa vào cho P.A 500 nghìn đồng.

Anh trai của N thương thay cho hoàn cảnh của P.A, thêm phần xót cháu nên có vài lần đề nghị P.A về nhà sống cùng gia đình nhưng cô đều từ chối. “Ý gia đình họ là em tự về chứ không xin phép bố mẹ em nên em nhất định không về. Rồi N vào viện, lúc thì nói là em không biết nuôi con, đưa con cho N nuôi. Rồi hôm say ngật ngưỡng thì vào trách móc em là vì em đẻ con cho N nên N phải khổ”, P.A buồn rầu.

Kể từ ngày P.A có bầu rồi sinh nở, một mình cô T.H chăm nom hai mẹ con và lo toàn bộ tiền ăn, sữa bỉm rồi cả tiền viện phí lúc hai mẹ con P.A ốm đau. “Cô chỉ gọi cho gia đình kia một lần, còn lần sau gọi thì họ bảo nhầm máy rồi nên từ ấy cô không bao giờ gọi nữa. Còn cái P.A, cô nghĩ nó đã khổ rồi thì giờ có ép nó cưới, nó càng khổ hơn. Cô bảo với mẹ con nó là cứ ở đây, cô có trách nhiệm nuôi".

Trải qua biết bao cay đắng, P.A vẫn dựa vào mẹ sau nhiều biến cố lớn xảy ra trong cuộc đời. Với N, P.A đã dần học được cách chấp nhận rằng đó là một người mình từng yêu nhưng vô cùng hận. Những chuyện xảy ra với N, P.A coi đó là chuyện đã qua, là bước vấp ngã của một thiếu nữ 19 tuổi. “Em ước trước đây mình đủ bản lĩnh và nghị lực để không sống buông thả, bất cần. Có lẽ nếu thế cuộc đời em đã khác. Nhưng đáng tiếc là em đã không làm được điều đó! Em sẽ không bao giờ quay lại với N, sau bao nhiêu chuyện như thế, N xúc phạm em rồi cặp với người khác, bỏ mặc mẹ con em khi em đến tìm”.

Nhắc đến chuyện tương lai, P.A vẫn chưa nghĩ tới việc sẽ đến với một ai khác, đến giờ cô chỉ coi con gái là mối quan tâm hàng đầu, là chỗ dựa và động lực giúp cô vượt qua quá khứ u buồn để làm lại.

Trước mắt, P.A sẽ chăm con thật tốt, khi con cứng cáp, cô sẽ đi tìm việc làm. “Em biết rằng em vẫn yêu N nhiều lắm, nhưng rất hận. Nếu là người khác thì chẳng có ai chấp nhận đẻ con cho một người đàn ông như vậy cả. Ngày trước, đến chơi với gia đình N, em thích lắm vì nhà N đông người lại hay tụ tập ăn uống rất vui vẻ. Rút cục lại cũng chỉ vì em muốn có một gia đình tròn vẹn” - P.A xót xa.

(Theo Trí Thức Trẻ)