- "Tục đốt vàng mã chỉ gắn liền với các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo không có kinh sách nào nhắc tới việc đốt vàng mã", Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam chia sẻ.

'Trong giáo lý nhà Phật không có tục đốt vàng mã'

Đốt vàng mã là một tập tục gắn với đời sống tâm linh của người dân nước ta. Tuy nhiên hiện nay nó đang bị biến tướng, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cho rằng, nhiều người Việt quan niệm “trần sao âm vậy” nên ngày nay người dân đua nhau đốt vàng mã như ô tô, xe máy, điện thoại, tiền đô la...

{keywords}
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam

Tuy nhiên tập tục này chỉ gắn liền với các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo không có kinh sách nào nhắc tới việc đốt vàng mã.

Vì vậy mọi người thay vì bỏ tiền ra mua vàng mã để đốt hãy làm những việc thực tế hơn. Cuộc sống cần phải hướng thiện bằng việc làm cụ thể hơn là những hành động lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn như đốt vàng mã.

Đặc biệt là việc này làm phung phí một nguồn tiền rất lớn lẽ ra có thể sử dụng vào các mục đích an sinh xã hội.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, vào chùa, vào đền, quý nhất là cái tâm. Người ta có thân lễ bái, khẩu lễ bái, ý lễ bái: Thân là phục trang, tư thế, dung nhan tử tế. Khẩu là chào thưa, tụng niệm nghiêm trang, hiền hòa.

Tâm là hướng đến lòng kính trọng, hướng đến giáo lý và đạo đức, cầu mong cho mình và cho mọi người cuộc sống nhân ái, vị tha, hạnh phúc. Người xưa thường nói tùy tâm mà lễ bái, đừng đua nhau mà làm xấu đi chốn trang nghiêm.

Công văn số 31 gần đây của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký, đã đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) hướng dẫn Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Thượng tọa chia sẻ thêm, dịp lễ Tết, mùa Vu lan hàng năm Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cũng đều khuyến cáo không đốt vàng mã ở nơi thờ tự của Phật giáo.

Sắp tới, việc không đốt vàng mã sẽ được đưa vào các bài thuyết giảng, nghị lễ để các tăng ni, phật tử biết, thực hiện và qua đó lan tỏa toàn xã hội.

"Đốt vàng mã là vấn nạn từ nhiều năm qua, Giáo hội cũng như các cơ quan ban ngành đã khuyến cáo nhưng không thuyên giảm. Cần có sự chung tay của cộng đồng, các cấp chính quyền mới mong giảm được.

Bên cạnh đó, Luật tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ tháng 1/2018. Nếu Nghị định hướng dẫn sắp ban hành có chế tài đối với hành vi đốt vàng mã không đúng sẽ là biện pháp tốt giảm được tục lệ này", Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay.

'Nên cấm triệt để việc đốt vàng mã'

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (Nguyên giảng viên trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) cũng cho biết, đốt vàng mã có nguồn gốc từ thời nguyên thủy, thuộc về Đạo giáo.

Theo đó, xa xưa người ta có tục chia của cho người chết mà hiện nay còn lưu lại ở một số tộc người thiểu số. Người xưa quan niệm, người chết sẽ có cuộc sống mới ở thế giới bên kia giống như người sống.

Bởi vậy người chết sẽ được chôn cùng những vật dụng mà họ đã dùng lúc còn sống như công cụ, binh khí, đồ trang sức…

{keywords}
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ

Sau này, người ta không chôn các vật dụng thật nữa mà dùng giấy để chế tác thành đồ dùng, gửi cho thế giới bên kia.

Khi đó, tục đốt vàng mã trở thành hành động mang tính biểu trưng, có ý nghĩa tốt đẹp tức là để tưởng nhớ về người thân đã khuất.

Nhưng lâu dần, với tâm lý có thờ có thiêng, có kiêng có lành cùng với sự u u mê mê của một bộ phận người dân cuồng tín đã khiến tục đốt vàng mã biến tướng thành tệ nạn mê tín dị đoan.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Bên cạnh đó, tâm lý ganh đua nhau, với suy nghĩ đốt thật nhiều sẽ được thần thánh ban phát cho vinh hoa phú quý nên nhà nhà đua nhau đốt một cách vô tội vạ, tốn kém tiền bạc…

“Tai hại nhất là từ đây tệ nạn mê tín ngày càng lan rộng. Theo quan điểm của tôi, tại những không gian thờ tự như chùa chiền, di tích lịch sử, đền, phủ thuộc quyền quản lý của Nhà nước…, nên cấm triệt để việc đốt vàng mã.

Các cụ đã nói “Lễ bạc tâm thành” có nghĩa quan trọng ở tấm lòng, tinh thần là chính chứ không phải cổ xúy nó trở thành một tệ nạn như bây giờ”, nhà nghiên cứu sinh năm 1955 cho hay.

Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất

Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất

Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu) là một trong những ngày Rằm quan trọng nhất của năm nhưng nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng không phải ai cũng biết.

Gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất

Gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất

Theo nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị lại khác nhau.

Nhật Linh