Dịp Tết Thiếu nhi 1/6 các bậc cha mẹ thường đưa con đi thăm quan, du lịch hoặc đến những địa điểm đông người như công viên, trung tâm thương mại.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các cha mẹ nên lưu ý một số điều sau để phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn.
Ảnh: VietNamNet. |
Trẻ đi lạc
Trong quá trình di chuyển nơi đông người, chỉ một chút lơ là không có sự giám sát của người lớn, trẻ rất dễ bị lạc vì bản tính ham chơi, thích khám phá những cảnh vật xung quanh.
Con đi lạc là một trong những điều tồi tệ nhất mà ông bố, bà mẹ nào cũng lo lắng. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là dạy cho trẻ một số kỹ năng đơn giản, nhưng vô cùng quan trọng để bé biết cách tự bảo vệ.
Cài vào balo con mảnh giấy thông tin liên lạc với gia đình, trong đó bao gồm tên, điện thoại và địa chỉ của người thân trong gia đình.
Trước khi đi, cha mẹ nên dạy bé không đi theo hay nghe lời của người lạ khi chưa được sự đồng ý của người thân.
Cha mẹ cần dạy con cách xử lý tình huống khi bị lạc lồng ghép vào những câu chuyện tình huống giả định bằng câu hỏi và hướng con cách giải quyết.
Chẳng hạn hỏi trẻ "Khi con bỗng dưng không nhìn thấy người nhà ở bên cạnh thì con phải làm gì?". Sau đó gợi ý cho trẻ, dạy cách nhận biết và tìm đến nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát, nhân viên an ninh, những cô chú mặc đồng phục.
Nên dạy bé ghi nhớ tên tuổi của cha mẹ, địa chỉ, điện thoại liên lạc. Hãy cài vào ba lô, túi áo của con mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, điện thoại của người thân.
Dặn con cần giữ mảnh giấy này cẩn thận và hãy đưa cho những người mặc đồng phục, đeo phù hiệu mảnh giấy này trong trường hợp con bị lạc.
Cha mẹ cần đặc biệt để ý kỹ đến con tại chỗ đông người như sân bay, bến xe, trung tâm mua sắm, không nên cho bé đi khỏi tầm mắt mình quá xa. Trẻ càng hiếu động cha mẹ càng không nên rời mắt khỏi bé dù chỉ là một phút. Nếu con còn nhỏ, cha mẹ nên bế trên tay.
Về phụ huynh, khi gặp tình huống lạc mất con, hãy bình tĩnh để không bị phân tâm, đồng thời dễ dàng đưa ra được quyết định nhanh và sáng suốt. Chẳng hạn cha mẹ phải đứng lại kêu tên con thật to, sau đó mới đi tìm và nhờ tới sự trợ giúp của người có trách nhiệm ở khu công cộng đó.
Cần tập thói quen giữ ảnh con trong ví, điện thoại để những lúc khẩn cấp như thế có thể cần tới mà sử dụng ngay. Nếu bạn vẫn chưa thể nào tìm thấy bé hãy báo cho lực lượng công an để được sự trợ giúp.
Chỉ cho trẻ nơi mà trẻ có thể tìm đến nếu cần giúp đỡ
Khi bạn cho trẻ đi chơi ngày Tết thiếu nhi 1/6 tại các địa điểm công cộng hay bãi biển rộng lớn, bạn cần chỉ cho con biết những nơi mà bé có thể tìm đến sự giúp đỡ nếu cần. Bạn nên nói rõ cho trẻ đặc điểm nhận dạng của nhân viên an ninh, cứu hộ.
Đọc cho trẻ hoặc cho trẻ đọc và tìm hiểu về các quy tắc an toàn
Không phải lúc nào bạn cũng ở bên bé nên bạn cần dạy con cách tự bảo vệ bản thân. Bạn nên dành thời gian rảnh rỗi để đọc và cùng bé thực hành những quy tắc an toàn. Điều này sẽ giúp bảo vệ trẻ ở nơi đông người khi đi chơi trong dịp lễ.
Nguy cơ đuối nước
Nếu cha mẹ chọn vùng biển, sông, hồ là nơi thư giãn trong mùa nghỉ lễ, cần chú ý đến sự an toàn của con khi bơi.
Các cha mẹ cần chú ý đến an toàn cho con khi bơi. Ảnh: VietNamnet |
Hãy chỉ cho trẻ chơi ở những nơi gần bờ, có cha mẹ bên cạnh giữ phao bơi. Nhiều người thường chủ quan để con tự dùng phao tắm hoặc dùng phao cùng con tắm xa bờ.
Điều này rất nguy hiểm vì bạn và con sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng liên tiếp khiến bạn không biết xử lý như thế nào.
Các chứng bệnh thường gặp
Đi chơi xa với sự thay đổi môi trường sống, đặc biệt nhạy cảm với con trẻ vì thay đổi thời tiết và thực phẩm ăn uống khác lạ rất dễ làm con nhiễm các bệnh như cảm cúm, sốt, ngộ độc thức ăn…
Trước khi đi, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống quen thuộc cho con để đảm bảo ăn uống vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó cần tăng cường cho trẻ uống đủ nước, ăn trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Cũng cần chuẩn bị sẵn quần áo, nón, kính râm, kem chống nắng… phù hợp với thời tiết nơi định đến du lịch. Hãy mang theo thuốc cảm, sốt, đau bụng, dầu xoa, kem chống muỗi, dung dịch rửa tay diệt khuẩn và các dụng cụ y tế dự phòng khi cần dùng đến.
Nếu bạn đưa con đi du lịch nước ngoài, tốt nhất nên cho bé đi khám sức khỏe trước khi đi. Hãy xin lời khuyên của bác sĩ về việc giữ gìn sức khỏe của bé trong chuyến đi xa, lưu ý đến nhóm máu của con. Nếu bé có sẵn bệnh gì đó, hãy nhờ bác sĩ giới thiệu một cơ sở y tế ở nơi bạn đến.
Đặc biệt, trong bất kỳ dịp nghỉ lễ nào đang có dịch bệnh như sởi, xuất huyết, cha mẹ cần hết sức cân nhắc khi quyết định đi du lịch đến chỗ đông người.
Nếu cho trẻ đi, hãy chú ý tăng cường dinh dưỡng, thường xuyên vệ sinh răng miệng, mũi, họng, mắt và thân thể cho trẻ. Người lớn nên rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn khi chăm sóc trẻ.
Trong quá trình đi du lịch, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời và hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan.
Tâm lý xáo trộn
Những kỳ nghỉ cùng gia đình là khoảng thời gian trẻ con luôn trông đợi trong suốt một năm.
Một kỳ nghỉ thú vị sẽ giúp trẻ cân bằng về sức khỏe, tâm lý. Đây là thời điểm để cha mẹ bày tỏ sự yêu thương, giới thiệu những điều lạ lẫm xung quanh để con cái có cơ hội trải nghiệm, học hỏi.
Do đó, trường hợp con phạm lỗi, cha mẹ không nên la rầy, trách mắng con nặng lời, chỉ nên khuyên bảo góp ý để con tận hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn với tâm lý thoải mái nhất.
Những địa điểm vui chơi lý tưởng cho bé dịp Tết Thiếu nhi 1/6
Những địa điểm dưới đây sẽ là gợi ý lý tưởng cho các bậc phụ huynh đưa con đi chơi trong dịp Tết Thiếu nhi 1/6 này.
Clip 'giấc ngủ chập chờn của em bé vùng cao' khiến dân mạng cảm động
Đoạn clip ghi lại khoảnh khắc ngủ gật chập chờn của một em bé vùng cao tỉnh Sơn La, mà nguyên do là vì háo hức dậy từ sáng sớm để đi nhận quà từ thiện.
Hải Phong (tổng hợp)