- Xe chè nằm gọn trên lề đường Nguyễn Văn Thủ (phường Đakao, quận 1, TP.HCM). Khi chúng tôi có mặt, khách không đông nhưng ông đang tất bật.
Hơn 40 năm sống với gánh chè
Ông cho biết, ông mới nhận được cuộc gọi từ một doanh nghiệp trên đường Ngô Tất Tố (Bình Thạnh) đặt hàng 90 ly chè. Vì thế ông phải cố làm cho nhanh để kịp giờ giao cho khách.
Xe chè của ông Thể trên đường Nguyễn Văn Thủ |
Một chiếc xe máy ghé vào. Một nam, một nữ kéo ghế ngồi xuống và gọi: "Chú cho con 2 ly nhiều đá và ngọt. Chú làm thêm cho con 10 ly nữa mang về nhé".
Ông vẫn bình tĩnh không vội. Ông nói: "Nữ ơi con làm chè cho khách đi". Chị phụ việc với ông "Dạ" lớn và chẳng mấy chốc 2 ly chè được đặt trước mặt khách.
Ông là Võ Văn Thể, 70 tuổi. Cánh tay phải của ông bị mất trong một tai nạn khi ông còn rất trẻ. Ông độc thân, hiện ông ở với người chị và vợ chồng người cháu gọi bằng cậu.
Chuẩn bị cho 90 ly chè giao cho khách. |
"Tôi là người Quảng Nam. Cha mất sớm, tôi theo mẹ vào Sài Gòn khi chỉ mới 13 tuổi. Vài năm sau, chị tôi vào theo đi phụ bán hàng cho một tiệm chè. Nhờ vậy, chị tôi học được nghề nấu chè để đến năm 1975 hai chị em cùng nhau đẩy xe ra đường bán.
Hơn 40 năm sống với nghề bán chè, cuộc sống của tôi cũng đã trải qua nhiều biến động. 7 năm trước mẹ tôi qua đời. 3 năm gần đây chị tôi lâm bệnh nặng phải nằm một chỗ. Một mình tôi phải lo lắng cho cả gia đình nhưng cũng may vợ chồng đứa cháu - con của chị, cùng góp sức nên mọi việc cũng tạm ổn", ông kể tiếp.
4 người khách ăn mặc tươm tất bước vào. Mỗi người tự lấy cho mình chiếc ghế để ngồi. Không phải chờ lâu, 4 ly chè được chị Nữ - người cháu dâu của ông - mang đến.
Họ thưởng thức ly chè một cách sảng khoái. Câu chuyện của họ râm ran nhưng trước khi đứng dậy ra về ai nấy cũng tỏ vẻ còn thòm thèm và hẹn sẽ cùng nhau gặp mặt ở vỉa hè này.
Hai người khách vào ăn chè |
"Tôi sống được đến hôm nay là nhờ công sức của mẹ và chị. Mẹ mất, chị bệnh, tôi phải làm để trả nghĩa cho chị và cũng giúp cháu vượt qua khó khăn", ông Thể trải lòng với chúng tôi.
Những mối tình không trọn vẹn
Căn nhà ông nằm sâu trong con hẻm nhỏ xóm Văn Hiến trên đường Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1). Nhà nhỏ, chỉ vỏn vẹn 10m2 nên không có chỗ để mời khách vào nhà.
Chúng tôi đứng ở con hẻm nói chuyện với ông. Bên trong trên một diện tích khá khiêm tốn ông và chị Nữ, người cháu dâu, đang hoàn thiện những mẻ nguyên liệu của một nồi chè.
Ông lấy gói bột đổ vào trong thau. Với lấy ấm nước đang sôi trên bếp ông rưới vào bột. Trộn đều bột và nhồi. Chẳng mấy chốc, cục bột đã dẻo, dai và mềm. Những động tác ấy vừa nhanh vừa thuần thục lại là của một người đàn ông có tuổi khuyết tật mất một cánh tay...
Chị Nữ trộn củ năng. Ông vớt đậu trắng. Chị nấu tiếp đậu đen. "Mỗi ngày chúng tôi nấu chè từ 6 giờ sáng đến 12 giờ, đưa lên xe đẩy đến vị trí bán. Đến 18 giờ chúng tôi về nấu tiếp mẻ khác đến khuya mới ngủ. Ngày nào cũng thế...", ông kể.
Nhìn ông - một người già khuyết tật - làm việc rất cần mẫn, chúng tôi vô cùng ái ngại. Những nồi nước lớn sôi sung sục được ông bê từ trên cao xuống chỉ bằng một tay và khuỷu tay còn lại.
Ông làm tất cả mọi việc, mọi công đoạn mà không cần trợ giúp. Chúng tôi hỏi ông: "Sao ngày trước ông không lấy vợ để có con bây giờ chúng giúp ông?".
Ông nở nụ cười hiền lành: "Cái số tôi nó vô duyên lắm". Nói đến dây, ông dừng tay. Ông ngồi bệt xuống. Đôi mắt ông nhìn vào khoảng không vô định...
"Năm tôi 32 tuổi, gần nơi tôi ở có một cô gái rất xinh. Cô ấy thường qua lại trò chuyện với tôi cũng như giúp đỡ tôi những lúc khó khăn. Lâu ngày, những lúc vắng cô ấy tôi cũng thấy như thiếu một cái gì...
Rồi bất ngờ, một ngày nọ cô hỏi tôi: "Sao anh không lấy vợ?". Tôi hơi ngỡ ngàng nhưng sau đó lấy lại được bình tĩnh, tôi trả lời: "Cụt một tay như anh ai chịu lấy". Cô ấy nói: "Em!".
Dường như đây là giây phút hạnh phúc nhất trong đời. Thế mà sau đó, nghe đâu gia đình cô phản đối tìm mọi cách cách ly tôi với cô ấy. Tôi ở như thế đến giờ".
Hầm đậu |
Câu chuyện như làm ông sống lại một thời trai trẻ. Ông kể tiếp: "Mối tình đầu đến với tôi khi tôi còn đôi tay. Năm ấy chúng tôi học chung lớp 11. Mối tình học sinh rất thơ ngây và trong trắng. Chúng tôi yêu nhau. Những bức thư trao qua gửi lại. Những lần hò hẹn bên nhau...
Nhưng rồi tai nạn ập đến. Tôi trở thành người tật nguyền. Cô ấy vẫn đến, vẫn yêu tôi như thuở nào. Tôi rất cảm động nhưng nghĩ lại như vậy mình sẽ là người ích kỷ. Nếu thành vợ chồng cô ấy sẽ thiệt thòi rất nhiều. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi tìm mọi cách để cô ấy xa lánh tôi, bỏ tôi.
Rồi chuyện gì đến phải đến. Ngày cô ấy lên xe hoa, tôi nhìn từ xa chết lặng trong lòng. Tôi buồn nhưng cũng mừng cho người mình yêu tìm được bến đỗ bình an".
Cậu cháu cùng làm |
Ông Thể lại tiếp tục công việc. Dường như ông muốn cố quên chuyện cũ... Niềm vui của ông bây giờ là sức khỏe của chị, nụ cười của cháu và vị ngọt của những ly chè dành cho các vị khách.
Yêu cầu từ vị khách đi xe sang khiến họa sĩ 84 tuổi ở phố cổ bối rối
"Một người đàn ông đi chiếc ô tô sang trọng xuất hiện, đề nghị tôi vẽ giúp bức ảnh thờ cho cụ cố 7 đời của mình bằng trí tưởng tượng. Lời đề nghị này khiến tôi khá bối rối" - họa sĩ sinh năm 1934 kể.
Người phụ nữ đốt vàng mã giữa hàng loạt xe tay ga
Dù bên cạnh là nhiều xe máy nhưng người phụ nữ vẫn thản nhiên mang vàng mã ra đốt khiến không ít người giật mình.
Người mẹ miền Tây sửng sốt khi con gái tặng hộp tiền lớn dịp 8/3
Đoạn video ghi lại hình ảnh bà mẹ được con gái tặng cho hộp quà đầy những tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng nhân dịp 8/3 đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người.
Chuyện tình của nữ thợ may phố cổ 4 lần trả trầu cau dạm hỏi
Bà Quyến kể về cuộc hôn nhân của mình. Bà lấý chồng từ năm 1958, khi mới 17 tuổi. Đến nay đã 60 năm trôi qua nhưng hai vợ chồng bà vẫn dành cho nhau những tình cảm vẹn nguyên như thưở ban đầu.
Trần Chánh Nghĩa