- Nói về "lẩu âm nhạc" phố đi bộ Hồ Gươm trong chương trình Góc nhìn thẳng, Giám đốc sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định đã khắc phục kịp thời và mong cư dân Hồ Gươm chia sẻ vì cái chung.


Gần 3 tháng qua, phố đi bộ Hồ Gươm đã trở thành điểm đến cuối tuần hấp dẫn của nhiều du khách, người dân Hà Nội, nhưng đi kèm với sự mới mẻ này, đã nảy sinh nhiều tranh cãi, bất cập.

Từ chuyện những bãi trông xe tự phát mọc lên thu giá cao ngất, hay trò chơi xe điện tự cân bằng gây tai nạn, dắt chó đi dạo không rọ mõm và gần đây là những ý kiến trái chiều về âm nhạc đường phố theo kiểu "lẩu thập cẩm" đã khiến phố đi bộ Hồ Gươm có phần chưa tròn vẹn. Không ít cư dân quanh khu vực Hồ Gươm đã bắt đầu cảm thấy có sự bất tiện.

Làm theo để phố đi bộ Hồ Gươm thực sự trở nên đẹp và văn minh hơn?

Chương trình Góc nhìn thẳng của VietNamNet kỳ này có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá thể thao Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, gần đây đã có không ít cư dân Hồ Gươm phàn nàn về những phát sinh của phố đi bộ, như âm nhạc chơi cả ngày cả đêm liên tục quá to khiến người dân mất ăn mất ngủ, con cháu không học hành được, chưa kể còn có các trò chơi gây nguy hiểm... 

Với du khách là thưởng thức, với cư dân lại là nỗi khổ sở. Ông có phản hồi thế nào về điều này?

Ông Tô Văn Động: Đúng là ý kiến bạn nêu là những ý kiến của một số người dân đã đóng góp cho Tp Hà Nội. Trên thực tế, Thành phố Hà Nội chỉ cho phép 5 điểm biểu diễn nghệ thuật chính thức xung quanh Hồ Hoàn Kiếm và được Sở Văn hoá Thể thao thẩm định về mặt nội dung, về chất lượng nghệ thuật và kể cả âm lượng sao cho phù hợp với khu vực bờ Hồ, là khu vực rất đặc biệt.

Trong quá trình triển khai, đã xuất hiện một số chương trình nghệ thuật tự phát. Ngay sau khi phát hiện ra vấn đề này, ngành văn hoá thể thao đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm để động viên mọi người nên hoạt động có nề nếp, theo sự quản lý chung của ngành văn hoá thế thao. Do vậy, hiện tượng này cũng đã được khắc phục kịp thời.

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng, những hoạt động văn hoá nghệ thuật đường phố đã mang đến cho phố đi bộ Hồ Gươm sự mới mẻ, hấp dẫn nhưng cũng có người thấy rằng, đó chỉ như "lẩu thập cẩm". Có ý kiến đề xuất cần phải "quy hoạch", như việc cần biểu diễn theo cùng chủ đề... Theo ông thì nên thế nào?

Ông Tô Văn Động: Nói về quy hoạch thì hơi to quá, nhưng chắc chắn sẽ cần một quy chế về các hoạt động văn hoá thể thao, vui chơi giải trí xung quanh khu vực bờ Hồ. Ở khu vực này, phố đi bộ phục vụ rất nhiều đối tượng khác nhau. Đó là người nước ngoài, đó là người các tỉnh thành về đây, đó là người dân Hà Nội, đó là người già, người trẻ, thanh thiếu niên...

{keywords}
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Tp Hà Nội trả lời trong
chương trình Góc nhìn thẳng về phố đi bộ Hồ Gươm 

Chính vì vậy, việc đa dạng các chương trình văn hoá nghệ thuật cũng là để phục vụ cho tất cả các đối tượng. Cho nên, trong chương trình nghệ thuật, có thể có tiết mục này không phù hợp với người này, nhưng phù hợp với người khác.

Những người quản lý như chúng tôi buộc phải phục vụ cho đa số. Vì vậy, một vài du khách có phàn nàn về chuyện hơi nhiều, có thể có xung đột với nhau, nhưng thực sự ra, đó là ý đồ của người tổ chức.

Còn về suy nghĩ cần có một chủ đề biểu diễn thì thực tế, việc này cần nên nghiên cứu và cân nhắc một cách thận trọng. Việc lựa chọn ra một chủ đề nào đó là một vấn đề rất khó đối với những người tổ chức. Vì vậy, trước mắt, hãy cứ để các chương trình nghệ thuật đường phố phục vụ cho đa số tước. Còn lại, chúng tôi vẫn tiếp tục lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý để điều chỉnh cho phù hợp.

Nhà báo Phạm Huyền: Giữa các ban nhạc có khoảng cách quá gần, thường dùng loa để kích âm thanh cực đại, khiến người thưởng thức cũng khó mà thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm nào đó. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Tô Văn Động: Khu vực bờ Hồ có sự hấp dẫn như vậy. Các ban nhạc kéo đến rất đông. Chính thế nên công tác quản lý được tăng cường chặt chẽ. Hiện nay, hàng ngày, hàng giờ đều có những lực lượng thường xuyên đi kiểm tra, hạn chế những phản cảm đó để làm sao, các ban nhạc phải tôn trọng lẫn nhau, phải được các cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được vào.

Tuy nhiên, khi các cá nhân tự nguyện biểu diễn thì tôi nghĩ, chúng ta cũng cần phải động viên chứ không nên một lúc, mang cái hành chính để áp đặt cho những người tự nguyện phục vụ văn hoá cho quần chúng.

Nhà báo Phạm Huyền: Dù sao, những hoạt động văn hoá nghệ thuật mang đến sự hấp dẫn mới mẻ cho Hồ Gươm cũng phần nào đó khiến cho đời sống của cư dân Hồ Gươm bị ảnh hưởng, thậm chí là đảo lộn. Vậy các ông giải quyết vấn đề này thế nào?

Chúng ta tổ chức phố đi bộ này đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của rất nhiều người. Đó là cái được chung. Còn cá nhân hay những hộ nào đó bị ảnh hưởng thì trước hết, phải chia sẻ vì cái chung. Những người làm tổ chức phải lắng nghe để điều chỉnh.

...

Phố đi bộ Hồ Gươm bắt đầu thí điểm từ ngày 1/9/2016. Xe bị cấm vào tuyến phố quanh Hồ Gươm từ 17h chiều thứ 6 đến hết ngày Chủ nhật hàng tuần. Có không ít phát sinh đã diễn ra như loạn giá vé gửi xe, chó dắt đi dạo cắn người, trò chơi xe điện tự cân bằng gây tai nạn, biểu diễn âm nhạc đường phố lộn xộn...

Ông Tô Văn Động: Tuy vậy, những việc này không phải là dễ. Khi người ta đã phục vụ được cho số đông rồi thì thế nào cũng sẽ ảnh hưởng đến một vài cá nhân. Việc này sẽ phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp, làm sao giữa quyền lợi của cái chung và quyền lợi của cá nhân được giải quyết hài hoà. 

Có như vậy, phố đi bộ Hồ Gươm mới hoàn thành nhiệm vụ và lúc đó, mới là chính thức. Còn bây giờ, phố đi bộ mới là đang thí điểm.

Nhà báo Phạm Huyền: Dù là 5 hay 10 hộ dân thì chúng ta không thể bắt các hộ dân phải hy sinh không gian sinh hoạt riêng vì những mục tiêu cộng đồng của thành phố được chứ, thưa ông?

Ông Tô Văn Động: Đúng! Những người làm nhiệm vụ ở phố đi bộ này đã tiếp thu và bây giờ, tôi chắc chắn sẽ không có những âm thanh lớn như vậy ảnh hưởng tới người dân.

Còn tôi nhắc lại, khi bên dưới có chương trình nghệ thuật biểu diễn ở phía dưới thì thế nào, các hộ dân ở phía trên sẽ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn.

Một lần nữa, tôi rất chia sẻ với các hộ dân ở đây và mong các hộ dân tiếp tục đóng góp ý kiến để chúng tôi điều chỉnh cho phù hợp giữa quyền lợi của các gia đình và quyền lợi của đa số được hài hoà.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhân đây, xin ông nói thêm, tới đây, sẽ có những hoạt động mới nào để tuyến phố đi bộ Hồ Gươm thêm đa dạng, hấp dẫn?

Ông Tô Văn Động: Chúng tôi nghĩ rằng, phải chọn lọc các hoạt động, sự kiện để đưa vào. Bởi hiện có quá nhiều các nhu cầu đã đăng ký và tới đây hoạt động khi mà thấy tuyến phố đi bộ đông người như vậy.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội đã tiếp tục cho nghiên cứu, thí điểm các tuyến phố đi bộ ở các quận huyện khác như quận Hà Đông, Tây Hồ, Đống Đa. Ở đó, cũng sẽ có những chương trình nghệ thuật văn hoá phù hợp để người dân tới nhiều nơi. Mỗi một nơi, chúng tôi cũng sẽ tạo ra những đặc sắc riêng. Các chương trình văn hoá nghệ thuật của Hà Nội đang đi theo hướng như vậy.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Clip: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Diệu Bình

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn

Các tin cùng chuyên mục: 

Nhận trách nhiệm vụ Formosa không bằng tự chỉ ra khuyết điểm

 GS Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận như vậy về việc nguyên Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang nhận trách nhiệm trong vụ Formosa với Góc nhìn thẳng.

Thời gian quá ngắn, bốn bộ trưởng khó làm thoả mãn ĐBQH

Bốn bộ trưởng đều cầu thị, khiêm tốn và cũng muốn đi thẳng vấn đề nhưng do thời gian quá ngắn, vấn đề quá rộng lớn nên rất khó làm thoả mãn các đại biểu Quốc hội, ông Vũ Mão trả lời Góc nhìn thẳng. 

Dự án đắp chiếu: Không thể nói dừng là dừng ngay được

TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng vẫn có thể có phương án tối ưu cho 5 dự án nghìn tỷ bị đắp chiếu khi trao đổi với Góc nhìn thẳng. Đây cũng là một trong những nội dung ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương hôm nay 15/11.

Trực tuyến: Tương lai nào cho tân tổng thống Donald Trump?

Donald Trump đã thắng cử! Tương lai nào chờ đón tân tổng thống Mỹ? Cuộc trò chuyện trực tuyến về cuộc bầu cử được cho là "xấu xí nhất" và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ vừa diễn ra tại chuyên mục Góc nhìn thẳng.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến xót xa trước bạo lực học đường

Chia sẻ với Góc nhìn thẳng, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) xót xa về tình trạng gia tăng bạo lực học đường mà lỗi phần lớn thuộc trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ.