Những ngày qua, mâu thuẫn giữa đạo diễn Nguyễn Chánh Tín và Giám đốc hình ảnh Dương Phúc trong dự án phim "CKC - Thợ săn biệt kích" đã thu hút nhiều tranh luận của công chúng. Vậy, thực hư câu chuyện này ra sao?

 {keywords}

Đạo diễn Chánh Tín khi còn trên phim trường "CKC - Thợ săn biệt kích". Ảnh: TL

Ai có quyền cao nhất?

Mới được khởi quay từ cuối tháng 12/2014, bộ phim nhựa theo thể loại hành động chiến tranh "CKC - Thợ săn biệt kích" đã "mở hàng" bằng cú đụng độ giữa đạo diễn Nguyễn Chánh Tín và ông Dương Phúc - Giám đốc hình ảnh phim. Theo đó, đỉnh điểm mâu thuẫn xảy ra vào tối 6/1, trong buổi ăn đêm sau giờ làm việc khi hai người tiếp tục tranh cãi về các yếu tố trong kỹ thuật điện ảnh được kéo dài từ lúc ở phim trường.

Về phía đại diện nhà sản xuất phim, ông Nguyễn Minh Chí - Giám đốc sản xuất kiêm biên kịch cho rằng, đạo diễn Chánh Tín đã "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với giám đốc hình ảnh. Đồng thời suốt quá trình làm việc, mỗi khi trao đổi về các yếu tố kỹ thuật, thiết bị dàn dựng phim, đạo diễn Chánh Tín luôn thể hiện "cái tôi" quá lớn.

Trao đổi cùng PV Báo GĐ&XH, đạo diễn Chánh Tín cho biết: "Như cách hiểu từ trước đến nay trong lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn được gọi là "ông vua phim trường". Nói vậy không có nghĩa là độc quyền, muốn làm gì thì làm nhưng chí ít đạo diễn có quyền đưa ra quyết định cao nhất nếu mọi sự bàn bạc, tranh cãi không thống nhất được với nhau. Ở dự án phim này, tôi thấy mình không có quyền ấy, cũng không được tôn trọng. Khi thấy Dương Phúc không đáp ứng các yêu cầu, thiếu hợp tác trên phim trường, tôi từng yêu cầu nhà sản xuất điều chỉnh lại nhưng tất cả không thay đổi gì. Tôi xem đó là một cách gián tiếp nhà sản xuất đuổi tôi".

Vắng Chánh Tín, phim có còn hấp dẫn?

"CKC- Thợ săn biệt kích" là bộ phim điện ảnh tái hiện những trận đánh khốc liệt nhằm cung cấp một góc nhìn khá mới mẻ về sự ác liệt của chiến tranh Việt Nam. Bối cảnh phim thuộc vùng rừng núi Đông Nam bộ và không sử dụng nhiều những cảnh hoành tráng thường thấy trong thể loại phim chiến tranh mà chú trọng vào những yếu tố mạo hiểm, căng thẳng... để tạo sức hấp dẫn với công chúng. Trước đó, đạo diễn Chánh Tín từng ấp ủ nhiều hi vọng về chất lượng, sức lan tỏa của bộ phim chiến tranh này giữa hàng loạt phim "câu khách" đang chiếm lĩnh rạp.

Tuy nhiên, đạo diễn Chánh Tín cho hay, một trong những nguyên nhân làm nên mâu thuẫn của ông với nhà sản xuất chính là đạo cụ. Có nhiều cảnh quay cần đạo cụ thật mà đoàn làm phim không cung cấp vì lý do đảm bảo an toàn và ít kinh phí thì đạo diễn "nản" hoàn toàn. "Phim chiến tranh mà không có được cây súng thật để làm đạo cụ thì liệu có hợp lý không?", Chánh Tín nói. Đáng nghĩ ở chỗ, khi nghệ sĩ Chánh Tín tuyên bố rút lui khỏi đoàn làm phim với vai trò đạo diễn thì phía nhà sản xuất đã kịp bổ sung thêm đạo cụ là súng thật.

Trao đổi cùng chúng tôi, phía nhà sản xuất cho biết đã bổ nhiệm đạo diễn mới tạm thay cho nghệ sĩ Chánh Tín. Tuy nhiên, tên của vị đạo diễn này chưa được tiết lộ. "Đến thời điểm này, tiến độ của đoàn phim vẫn tiến triển rất tốt, hầu như không bị ảnh hưởng nhiều từ sự ra đi của Chánh Tín. Việc đạo diễn tham gia hay từ chối một bộ phim là chuyện hết sức bình thường", ông Nguyễn Minh Chí khẳng định.

"CKC - Thợ săn biệt kích" có kinh phí đầu tư khoảng 8 tỷ đồng với dàn diễn viên chủ yếu là các gương mặt trẻ như: Phan Như Thảo, Quỳnh Tiên, Ngọc Thảo, Đàm Lan, Phúc An, Lương Minh Thắng, Robert Trần, Huỳnh Minh Hiệp, Trương Hải Vân, Ưng Hoàng Phúc... Nhìn vào sự quy tụ theo hơi hướng "ăn khách" gồm cả người mẫu, ca sĩ... nhiều người tỏ ra nghi ngờ về chất lượng bộ phim.

Theo nhà sản xuất, phim được khởi quay từ cuối tháng 12/2014, thực hiện kĩ xảo trong khoảng 3 tháng và dự kiến công chiếu vào tháng 4/2015. Như vậy, có thể thấy, dự án phim này đang ưu tiên hàng đầu cho kĩ xảo chứ không có sự dụng công quay thật, tả thật. Không thể phủ nhận, ở thời đại công nghệ số, kĩ xảo điện ảnh mang đến những hiệu ứng khá tốt nhưng ngay cả những nền điện ảnh lớn trên thế giới, kĩ xảo vẫn được xem như thứ phụ gia chứ không phải yếu tố tạo nên giá trị cốt lõi. Với một vài cảnh phim được công khai, hình ảnh cô bộ đội trong chiến tranh có nước da trắng bóc, tóc nhuộm hoe vàng, tay cầm súng giả, khán giả dự đoán đó sẽ là những "hạt sạn" khó "nuốt".

Lữ Mai