Nhiều chuyên gia văn hóa, kiến trúc cho rằng việc sơn sửa, trùng tu lại nhà hát Lớn Hà Nội là điều cần thiết song nhất thiết phải đảm bảo được sự nguyên bản và giá trị lịch sử, kiến trúc của công trình.


Những ngày qua, người dân Thủ Đô không khỏi bất ngờ khi nhà hát Lớn Hà Nội đang được sơn sửa, lột xác hoàn toàn với diện mạo mới. Những mảng bám rêu xanh trên tường đã hoàn toàn biến mất. Màu vàng nhạt nguyên bản của công trình cũng được thay mới bằng lớp sơn vàng chói, bỏng bẩy. Đến nay, phần mặt trước đã gần như hoàn thiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, màu sơn mới của nhà hát Lớn đã làm mất đi giá trị lịch sử, văn hóa của công trình. Là người từng tham gia thiết kế và tu bổ nhiều công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, KTS Trần Huy Ánh (Hội viên Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam) cảm thấy tiếc nuối trước diện mạo mới của công trình được xem là biểu tượng văn hóa của Thủ đô.

{keywords}

Màu sơn vàng bóng bẩy được thay thế cho lớp sơn cũ tạo nên "diện mạo" mới cho Nhà hát Lớn.

Ông Ánh nhấn mạnh, việc sửa chữa, tu bổ nhà hát Lớn Hà Nội là điều cần thiết để giúp bảo vệ công trình. Tuy nhiên, nguyên tắc sữa chữa một công trình kiến trúc là phải đáp ứng đúng theo thiết kế, đặc thù kể cả về cấu tạo cũng như màu sắc. Theo ông Ánh màu nguyên bản của nhà hát Lớn Hà Nội và tất cả các công trình kiến trúc Pháp ở Việt Nam phải là màu vàng nhạt chứ không phải là màu “vàng chóe”, “chói chang” như hiện tại: “Năm 1996, nhà hát Lớn Hà Nội cũng đã được tiến hành trùng tu và phục chế toàn bộ diện mạo kiến trúc bên ngoài và bên trong công trình. Dự án này được hoàn thành trong vòng 2 năm và đã làm rất tốt việc bảo đảm tính nguyên bản, giữ nguyên được những giá trị lịch sử, văn hóa của công trình. Đây là một bài học tốt để chúng ta có thể học hỏi khi cân nhắc sửa chữa, sơn sửa bất cứ hạng mục nào của nhà hát Lớn…”.

{keywords}

Theo nhiều chuyên gia "diện mạo" mới của nhà hát Lớn làm công trình này mất đi vẻ cổ kính vốn có

KTS Nguyên Huy Ánh cũng phân tích, kiến trúc của Pháp vốn rất tinh tế, sang trọng và được xây dựng hết sức hài hòa. Nếu để ý quan sát kỹ thì tất cả các công trình này đều có những đường nét, màu sắc nổi bật, ấn tượng và rất khó lẫn. Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình mang phong cách kiến trúc cổ điển phương Tây, nó đại diện cho một giai đoạn phát triển kiến trúc trong lịch sử. Chính vì thế, chúng ta không thể lấy những “chuẩn mực kiến trúc” của năm 2015 để làm thước đo sửa chữa cho một công trình đã có đến hơn 100 năm tuổi. Ông Ánh cũng cho rằng, bất cứ một công trình kiến trúc lịch sử nào trước khi quyết định sang sửa dù chỉ là thay đổi màu sắc cũng cần phải đưa ra thử nghiệm, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, kiến trúc sư.

Trong khi đó, nhà văn, chuyên gia văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến cho biết bản thân ông cảm thấy khá hụt hẫng trước màu sơn mới của Nhà hát lớn Hà Nội. Theo ông, nguyên tắc trùng tu, sửa chữa một di tích lịch sử không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc mà là sự tổng hợp của nhiều hoạt động khác nhau như: Nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật… Các công trình tu bổ phải đáp ứng được việc giữ lại tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích đồng thời, khôi phục lại một cách chính xác những yếu tố đã bị thiếu hụt giúp công trình có sự bền vững cùng thời gian.

{keywords}

Các công nhân đang gấp rút sơn sửa mặt sau của Nhà hát lớn.

Việc sửa sang, dù đơn giản chỉ là thay đổi màu sắc của Nhà hát Lớn theo ông Tiến cũng phải đáp ứng được nguyên tắc này: “Rất nhiều công trình hiện nay được tu bổ nhưng lại đánh mất đi nguyên gốc, sai về giá trị lịch sử, văn hóa Phương Đông, chính vì thế đã vô tình đánh mất giá trị quý báu của công trình. Rất nhiều những nhà khoa học, kiến trúc sư đã từng lên tiếng, bức xúc trước thực trạng này. Theo tôi, các đơn vị quản lý, thi công Nhà hát Lớn Hà Nội cần phải cân nhắc, tham khảo thật kỹ lưỡng trước khi quyết định thay đổi bất cứ hạng mục nào, để tránh rơi vào bánh xe đổ của những bài học nhãn tiền trước đó…”.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – GĐ Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, đợt sơn lại lần này là nằm trong kế hoạch duy tu thường xuyên của nhà hát chứ không phải tu bổ. Nguồn kinh phí cho toàn bộ kế hoạch duy tu đợt này là do Bộ Văn hóa cấp, nên trước khi làm Ban quản lý nhà hát Lớn đã xin ý kiến Bộ Văn hóa và Cục Di sản Văn hóa.

“Nhà hát Lớn Hà Nội là trực thuộc Bộ Văn hóa, ngân sách cho đợt duy tu lần này là do Bộ Văn hóa cấp, do đó trước khi làm chúng tôi đã xin phép và có đồng ý thì chúng tôi mới làm được. Về màu sơn trước trước khi làm chúng tôi cũng phải xem hồ sơ dự án duy tu nên chúng tôi cũng không tự quyết được; hơn nữa chúng tôi cũng chưa nghiệm thu công trình nên về việc màu sơn đó mới chỉ làm nước sơn đầu. Tại Nhà hát lớn vẫn còn che bạt, giàn giáo vẫn bắc ngổn ngang, phía mặt tiền mặc dù đã dỡ giáo nhưng chúng tôi sẽ bắc giáo và sơn lại tiếp” – bà Nguyệt nói.

Cũng theo bà Nguyệt, đợt duy tu lần này được bắt đầu từ đầu tháng 7/2015, Ban quản lý chỉ tiến hành sơn lại và dự kiến làm trong hơn 1 tháng là xong.

Trong khi đó, trao đổi với PV, đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết đã nắm được thông tin về việc thay màu sơn của nhà hát Lớn Hà Nội tuy nhiên, vị lãnh đạo này khẳng định công trình này mới chỉ đang tiến hành việc “thử nghiệm màu sơn” trước khi đi vào việc thay đổi chính thức: “Không có chuyện nhà hát Lớn tiến hành sang sửa, hay sắp hoàn thiện màu sơn mới như các báo đã đưa. Họ đang tiến hành thử nghiệm màu sơn và sắp tới sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Cục phê duyệt lần cuối”. 

Theo Dân trí