Ông bầu hải ngoại cho biết, anh suy nghĩ nhiều khi viết về những vấn đề nổi cộm trong showbiz Việt. Tuy nhiên, anh không lấy tư cách của người quản lý của Thu Phương để lên tiếng.


- Trên trang cá nhân, anh thường xuyên đưa ra quan điểm của bản thân về những vấn đề, sự kiện nổi cộm đang thu hút sự chú ý của người hâm mộ như mâu thuẫn Mr. Đàm - Quang Lê, lùm xùm của Tuấn Hưng, Lệ Quyên. Nhiều khán giả lo ngại, việc này sẽ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của bà xã Thu Phương với các đồng nghiệp trong showbiz. Anh nghĩ sao?

- Tôi cũng có lấn cấn, suy nghĩ nhưng khi nói, tôi không lấy tư cách là người quản lý của Thu Phương. Một số đồng nghiệp, nghệ sĩ hay khán giả không biết tôi là một người làm truyền thông ở hải ngoại. Tôi có chương trình riêng của mình và điểm những chương trình liên quan tới văn hóa, nhân vật và sự kiện.

Một phần tôi muốn đại diện cho tiếng nói của ca sĩ ở trong nước khi ra hải ngoại trình diễn. Báo chí ở hải ngoại không có thói quen giống như trong nước là điểm các chương trình văn nghệ, mà chỉ viết theo đặt hàng, quảng cáo. Khi về Việt Nam, tôi phát hiện ra việc này và bắt đầu làm qua trang Facebook, Radio.

Việc tôi hay chia sẻ ở trên trang cá nhân khiến nhiều người nói tôi “bà tám”. Khi đó tôi nói, người đàn ông ở Mỹ dám nói dám biểu lộ cảm xúc là người tự tin. Ai không tự tin sẽ che đậy mọi thứ lại.  

{keywords}

Ông bầu Dũng Taylor và bà xã Thu Phương.

- Những ngôi sao nổi tiếng, có chỗ đứng riêng trong showbiz như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Tuấn Hưng, Lệ Quyên... phản ứng thế nào khi anh "điểm tên" họ?

- Quang Lê và Đàm Vĩnh Hưng có gặp tôi và nói cảm ơn vì đã lên tiếng. Tuấn Hưng cũng nói: "Em luôn luôn coi anh là người anh và em tin vào nhận định, lời khuyên của anh". Đó là những người nhìn thấy cái tích cực của tôi và tôi nghĩ trên đường dài sẽ tốt.

Trong vụ Mr Đàm – Quang Lê, có nhiều người trách tôi tại sao không gọi tên Nghĩa, mà chỉ nhắc tới là “anh bán kẹo”, tôi có giải thích là đang hướng tới sự việc, cách ứng xử. Tôi không nhắc tới nhân vật để tránh lăng xê hay hại người đó.

Khi tôi lên tiếng nói về vấn đề của Hồ Ngọc Hà, những bà mẹ bỉm sửa tấn công tôi. Họ trách tôi tại sao lại lên tiếng cho cô này. Tôi trả lời, tôi không hề lên tiếng cho một cá nhân nào mà nói theo đề tài, không đi vào vấn đề. Vấn đề rất cá nhân còn đề tài là chung, là vấn nạn của xã hội mà chúng ta đều thấy hình ảnh của bản thân hoặc người thân trong đó để rút kinh nghiệm.

Có thể cái đề tài đó hiện liên quan tới một nhân vật nhưng tôi ít khi để ý tới nhân vật mà chỉ quan tâm tới sự việc. Nếu để ý, bạn sẽ thấy tôi thường chờ khoảng 2 tuần để mọi thứ lắng xuống và sự thật nổi lên. Khi mọi thứ chính xác, lúc đó tôi mới đưa ra nhận định.

- Thu Phương phản ứng như thế nào khi anh "động chạm" tới những đồng nghiệp trong showbiz?

- Điều quan trọng nhất với tôi là tôi và Thu Phương hiểu, ủng hộ nhau. Còn người bên ngoài, từ từ mình sẽ thuyết phục người ta. Những đề tài tôi viết, Thu Phương hay đọc và góp ý. Cô ấy thường nói: "Em thấy đề tài đó hay hoặc em thấy hơi tế nhị". Nhưng Phương không liên quan tới nội dung. Cô ấy không nói tôi viết hay không viết cái gì. Cô ấy chỉ đọc giống như một độc giả trung thành của tôi. Cũng giống như tôi là một khán giả trung thành của cô ấy.

Phương biết cái tâm của tôi cho nên cô ấy bảo: “Em hiểu cái ý của anh nhưng đôi khi ngôn ngữ của anh bị hạn chế. Anh viết cái câu đó người đọc sẽ bị hiểu nhầm" để tôi căn chỉnh lại.

- Hiểu tâm ý của anh nhưng khi không đồng tình với cách triển khai vấn đề, Thu Phương sẽ làm thế nào?

- Cũng nhiều lần Phương hiểu ý của tôi nhưng lại bất đồng trong cách triển khai bởi văn hóa Bắc Nam khác nhau. Ví dụ, đối với người Nam, ai nói điều không đúng sự thật thì là nói láo nhưng đối với người Bắc, từ này rất nặng. Phương trách: “Tại sao anh lại nói như vậy” còn tôi nói: “Ô bình thường. Người Nam không có câu gì ngoài nói láo cả". Đó là sự khác biệt giữa tôi với Phương.

Nhưng sau mười mấy năm, hai đứa đã căn chỉnh lại và hiểu nhau hơn. Người ta nói vợ chồng phải hỗ trợ, giúp nhau để giảm đi sở đoản và phát triển sở trường. Ở hải ngoại, người ta nói Thu Phương so với mười mấy năm trước khác hẳn, từ giọng ca đến cách nói chuyện thì trong đó có một chút âm hưởng của tôi. Và ngược lại, khán giả trong nước nhận xét, tôi sống ở nước ngoài từ năm 13 tuổi nhưng tiếng Việt chuẩn. Cái đó tôi lại ảnh hưởng từ Phương.

Từ bé, tôi được giáo dục vợ chồng là bạn đồng hành và phải thân với nhau nhất. Khi vợ chồng không nói chuyện được hoặc không chia sẻ được thì chứng tỏ đã có sự rạn nứt.

- Không chỉ lên tiếng về các vấn đề của showbiz, anh còn bênh vực bà xã khi bị chê khó tính trên ghế nóng. Nhiều người nói anh vì "tình riêng". Anh giải thích thế nào?

- Thu Phương là người không thích giải thích. Tính cô ấy rất đàn ông. Cô ấy là kiểu “Họ đã không có thiện chí với mình rồi thì mình có giải thích cũng vậy. Còn họ có thiện chí thì không cần giải thích”. Còn tôi, lại trở về với văn hóa của Mỹ, tức là lúc nào cũng cho bản thân và người khác cơ hội, tin hay không là quyền của người ta.

Ở đây tôi nói ra với không với vai trò là nhà quản lý của Thu Phương mà trên tư cách một người cố vấn cho các em team Thu Phương. Tôi đã có ba, bốn năm kinh nghiệm về việc chuẩn bị tâm lý cho các em ở hải ngoại đến với cuộc thi. Tôi quan sát và thấy các thí sinh trong nước tìm đến các chương trình vì niềm đam mê âm nhạc và thiếu sự chuẩn bị cho việc bước chân vào một môi trường độc hại. Tôi chuẩn bị cho các em tư tưởng đó nên gắn bó, song hành.

Khi nói, tôi luôn đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Độc giả nếu là người khách quan, họ đọc sẽ thấy rất thích. Còn những người cảm tính và không phải fan của Thu Phương thì phản xạ đầu tiên của họ sẽ là “Ồ, lại bênh vợ nữa”. Tuy nhiên, giống như Thu Phương đã nói: “Chúng tôi không cần số lượng mà cần chất lượng và phải đúng". Ca sĩ và thính giả đi tìm nhau. Trong khán phòng 10 nghìn người chỉ cần một, hai trăm người là khán giả của mình thì ca sĩ đã đủ cảm xúc hát rồi.

{keywords}

Thu Phương và top 4 học trò trong The Voice 2015.

- Anh nghĩ sao khi khán giả đánh giá, team Thu Phương mạnh nhất sau vòng Giấu mặt nhưng càng về sau càng đuối?

- Tôi nghĩ họ đem tiêu chuẩn của người nghe nhạc giải trí để đánh giá nghệ thuật. Thu Phương đang nâng cao nghệ thuật và muốn các trò xây dựng nền tảng, phân biệt cái gì là giải trí, cái gì là nghệ thuật. Cô ấy dặn các trò: "Trong cuộc thi này, chỉ có một người thắng thôi nên các em cần định hình, xây nền tảng nghệ thuật từ lúc này. Làm nghệ thuật, các em phải định hướng chứ không thể chạy theo xu hướng. Nếu các em đã đến với cuộc thi Giọng hát Việt, chứ không phải ca-hát-nhảy, thì quan trọng nhất là các em phải hát tiếng Việt và tập trung vào giọng ca".

Trong vòng đối đầu, Thu Phương không muốn các học trò hát “đè” nhau, người này phải lớn hơn người kia, mà muốn họ hỗ trợ và quyện vào nhau. Phải biết nâng người hát cùng mình lên chứ không dìm họ xuống. Thu Phương đưa điều đó vào tư tưởng của các học trò.

Người có tai nghệ thuật họ sẽ đánh giá, bài hát này nghe lần đầu không thích nhưng tới lần 2-3 thì thích vô cùng vì nó là một phần song ca. Còn những khán giả kêu nghe chán quá là đang lấy thước đo giải trí để đo nghệ thuật.

- Nhưng trong một cuộc thi trên truyền hình, team Thu Phương vẫn phải phục vụ số đông khán giả...

- Các em sẽ có thời gian sau cuộc thi mấy chục năm để phục vụ khán giả. Còn hiện tại, chương trình phục vụ khán giả chứ không phải các em. Họ chỉ là một mảng. Nếu những người kia đã phục vụ mảng giải trí thì các trò của Thu Phương sẽ phục vụ nghệ thuật.

Thu Phương đi nhiều, 30 năm ca hát, cô ấy biết cái gì nên truyền tải lại với thí sinh. Về giải trí, trong nước có nhiều rồi, không cần tới Phương. Cô ấy muốn đem tới những suy nghĩ, tư duy khác. Phương thành công ở chỗ đã làm được điều đó với học trò và họ hiểu. Có thể sau cuộc thi này, các mùa sau sẽ chuyển về giải trí, người ta lại nói tôi nhớ cái phần nghệ thuật của Thu Phương.

- Một số khán giả cho rằng, Thu Phương có một phần lỗi khi Kimese bị loại. Anh nghĩ sao?

- Khi đến với cuộc thi Kimese đã nói muốn thay đổi hình ảnh của một rapper. Đó là sự mạo hiểm, dám đưa tên tuổi ra để thử sức. Kimese chọn Thu Phương bởi Phương nói : “Hai người như tờ giấy trắng, không biết nhiều về nhau để khám phá nhau”. Còn những người còn lại, nhiều khi họ có thành kiến với Kimese rồi sẽ khó phá vỡ điều đó. Người ta nói thành kiến còn khủng khiếp hơn thành trì. Thành trì đập được còn thành kiến thì không.

Người ta nói, HLV Thu Phương cho Kimese hát sở đoản. Họ hoàn toàn sai. Mỗi tuần, Thu Phương đưa ra một chủ đề: tình yêu, quê hương… còn tất cả những bài hát của Kimese là do cô ấy chọn, Thu Phương chỉ là người hướng dẫn, giúp nhấn, nhả chữ. Các bạn bình luận mà không có biết sự thật như thế nào. Kimese biết nên lên tiếng nói vì thấy không công bằng với Thu Phương.

Bốn người còn lại của đội Thu Phương đều là những giọng ca rất mạnh, nhận được sự lựa chọn của các HLV ở vòng giấu mặt. Thu Phương mất người nào cũng bị dư luận lên án. Họ lên án Thu Phương vì loại Kimese nhưng hỏi ngược lại, thế giờ loại ai, họ lại không có ý kiến. 

Theo Zing