Mùa phim sôi động với hàng loạt kỷ lục doanh thu mới chính thức được khép lại bằng một tác phẩm hoạt hình sâu lắng đến từ hãng Pixar.

Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc, ra rạp Việt từ 21/8) là bộ phim hoạt hình dài thứ 15 của Pixar, hãng phim đã tạo ra vô số những tác phẩm hoạt hình xuất sắc mang đậm chính triết lý cũng như cảm xúc với khán giả. Sau 2 tháng công chiếu trên thế giới, cuối cùng Inside Out đã đến với khán giả Việt Nam như một nốt nhạc sâu lắng khép lại mùa hè trước khi các em nhỏ bắt đầu một năm học mới.

Được đầu tư kinh phí ngang ngửa với một phim bom tấn, lên đến 175 triệu USD, Inside Out rõ ràng là một bộ phim không thể coi thường về cả giá trị thương mại và nghệ thuật, nhất là nó đến từ hãng phim Pixar và đạo diễn đã từng làm rung động hàng triệu khán giả trên toàn thế giới với bộ phim 'Up'.

{keywords}
Inside Out là bộ phim gia đình đúng nghĩa.

Pete Docter đã bắt đầu nghĩ đến việc thực hiện Inside Out cách đây 6 năm bắt đầu từ những thay đổi trong tâm lý cô con gái nhỏ trong tuổi dậy thì mà nhân vật Riley trong phim là đại diện. Các nhà làm phim đã gặp gỡ các chuyên gia tâm lý, thần kinh để tìm hiểu về các yếu tố tâm lý của các nhân vật và điều gì có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý của một đứa trẻ trước giai đoạn trưởng thành.

Và lần đầu tiên, Inside Out đã giúp người xem lý giải những thay đổi trong tâm lý con người và điều gì khiến họ vui, buồn, tức giận, sợ hãi... Inside Out thực sự là một bộ phim có ý tưởng độc đáo. Nó đi sâu vào phân tích cảm xúc của con người, cụ thể hóa cảm xúc của họ bằng những nhân vật có thật điều khiển cơ quan đầu não của con người.


Phim xoay quanh cô bé Riley. Khi cha bắt đầu công việc mới ở San Francisco, Riley buộc phải nói lời tạm biệt với cuộc sống quen thuộc ở miền Tây để theo gia đình chuyển tới thành phố mới. Sự thay đổi môi trường sống, xa rời những gì quen thuộc cũng như sự thay đổi trong tâm sinh lý khiến cuộc sống của cô bé xáo trộn. Riley bị chi phối bởi những cảm xúc – Nhóc Vui Vẻ (Amy Poehler lồng tiếng), Chú Sợ Sệt (Bill Hader), Ngài Nóng Nảy (Lewis Black), Nàng Chảnh Chọe (Mindy Kaling) và Bé Buồn Bã (Phyllis Smith).

Các cảm xúc này tập trung tại Headquarters, trung tâm điều khiển bên trong tâm trí Riley để đưa ra những lời khuyên giúp cô bé vượt qua các tình huống hàng ngày. Cả Riley và bộ sậu cảm xúc đều phải đấu tranh để thích nghi với cuộc sống mới tại San Francisco và những chuyện hỗn loạn đã xảy ra. Mặc dù Vui Vẻ - cảm xúc chính và quan trọng nhất của Riley luôn cố gắng giữ mọi thứ lạc quan thì các nhân vật khác vẫn tiếp tục mâu thuẫn với nhau trong việc tìm ra cách tốt nhất để 'đối phó' với ngôi nhà mới, trường mới và thành phố mới.

{keywords}
Phim lý giải nguồn gốc mọi cảm xúc trong mỗi con người.

Không chỉ có kịch bản hay, Inside Out đặc biệt thành công trong việc xây dựng tạo hình nhân vật cũng như bộ phận lồng tiếng. Các nhân vật đại diện cho 5 cảm xúc đều rất đáng yêu, đặc biệt là hai nhân vật chính Vui vẻ và Buồn bã, cũng là hai cảm xúc đồng hành nhiều nhất với con người. Thêm vào đó, bộ phim đưa khán giả vào cuộc du hành trong cảm xúc của con người, nơi các ký ức và cảm xúc biến thành những quả cầu rồi được xếp vào những ngăn tủ để khi cần có thể gọi ra. Nhưng theo thời gian cũng có những ký ức tạm thời bị lãng quên vĩnh viễn.

Inside Out có thể nói là một trong những bộ phim thú vị nhất của Pixar. Nó vừa lộng lẫy, vừa mang đến cảm xúc mạnh cho người xem. Cũng dễ hiểu vì sao bộ phim này được IMDB chấm tới 8,6/10 điểm, xếp hạng 51/250 hay nhất theo đánh giá của người dùng trang này. Inside Out được chấm tới 98% trên trang Rotten Tomatoes. Phim cũng nhận được lời tán dương khắp nơi trên thế giới và được người dùng trên CinemaScore cho điểm A. Inside Out có thể nói là bộ phim hoạt hình xuất sắc nhất ra mắt trong năm nay tính đến thời điểm này.

{keywords}
Tạo hình dễ thương của bộ sậu cảm xúc: Tức giận, sợ sệt, vui vẻ, buồn bã và chảnh chọe.

Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc) chính thức ra rạp từ ngày 21/8 với các định dạng 2D, 3D, ATMOS, IMAX 3D, phiên bản phụ đề và lồng tiếng Việt. 

Quỳnh An