Câu chuyện cảm động từ một chiếc áo khoác cũ hơn 50 năm trước có sức ảnh hưởng lớn nhất đến các hoạt động của ngôi sao võ thuật Thành Long hiện nay. 

Ngôi sao võ thuật Thành Long được ghi danh tại Đại lộ Ngôi sao Hồng Kông và Đại lộ Danh vọng Hollywood nhờ những đóng góp giá trị cho tinh hoa văn hóa và điện ảnh thế giới. Ông còn là một trong những biểu tượng văn hóa của Trung Quốc, người kế thừa xuất sắc của huyền thoại điện ảnh và võ thuật Lý Tiểu Long.

Thế giới lại còn biết đến ông trên vai trò một nhà hoạt động nhân đạo với những nỗ lực không mệt mỏi vì cuộc sống của hàng triệu người dân Trung Hoa và khắp nơi trên thế giới. Với Thành Long, tất cả những gì ông làm ngày hôm này không vì mục đích gì khác là để trả nợ, trả nợ cho đời và trả nợ cho chính mình.

{keywords}
Ngôi sao điện ảnh Thành Long.

Chiếc áo cũ, món nợ cả đời chưa trả hết

Năm 1954, một cậu bé có gương mặt kháu khỉnh chào đời trong một gia đình nghèo và phức tạp. Ca sinh khó khiến bác sĩ phải phẫu thuật để cứu hai mẹ con. Nhưng gia đình khi đó quá khó khăn. Tình thế thê thảm đến nỗi, đứa bé sơ sinh suýt bị đem bán để lấy tiền trả cho bệnh viện. Cảm thương trước hoàn cảnh éo le của gia đình, bác sĩ phẫu thuật khi đó đã không lấy tiền. Cậu bé Trần Cảng Sinh (tên khai sinh của Thành Long) may mắn được trở về sống bên bố mẹ.

Một thời gian sau, bố mẹ anh được nhận vào làm cho đại sứ quán Pháp tại Hồng Kong. Người cha là một đầu bếp, còn người mẹ làm giúp việc.

Từ khi còn rất nhỏ, mỗi buổi sáng, cha Thành Long thường đánh thức con trai dậy rất sớm để cùng nhau tập kung-fu. Ông tin rằng việc học kung-fu sẽ giúp cậu con trai hình thành đức tính kiên nhẫn, sức mạnh và lòng can đảm.

{keywords}
Thành Long lúc nhỏ

Một lần, đoàn thiện nguyện của Hội Chữ Thập đỏ đến lớp của Cảng Sinh để trao quà hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Họ mang theo bàn chải, kem đánh răng, sữa, quần áo... Món đồ cứu trợ mà cậu bé Cảng Sinh nhận được một chiếc áo khoác cũ. Cậu bé ngạc nhiên và hạnh phúc đến ngạt thở khi đón nhận món quà, miệng chỉ biết thốt lên lời cảm ơn xúc động nhất mà một đứa trẻ có thể nghĩ ra.

Đó quả là món quà thiết thực đối với một cậu bé nghèo, thường đến trường mỗi sáng mùa đông trong lớp áo mỏng tang cũ kỹ. Người trao quà cho cậu bé mỉm cười nhắn nhủ Cảng Sinh hãy làm thật nhiều việc tốt để giúp đỡ những người khác.

{keywords}
Thành Long trong phim Đi tìm bảo kiếm (1986).

Dù chưa biết nhiều, nhưng Cảng Sinh cũng mang máng hiểu rằng, khi ta giúp đỡ người kém may mắn hơn, đó là một hành động rất tốt đẹp. Trong lòng Cảng Sinh dấy lên khao khát làm từ thiện nhưng khi ấy, cậu chỉ là một đứa trẻ nghèo. Câu nói của người đàn ông ấy được cậu bé ghi nhớ và là hành trang cậu mang theo trong cuộc đời.

Đóng phim cấp 3 năm 19 tuổi

Năm Cảng Sinh được 7 tuổi, cha cậu được gọi sang làm đầu bếp cho Đại sứ quán Mỹ tại Úc. Không thể đưa con trai đi cùng, ông bà gửi cậu bé mới 7 tuổi cho Học viện Hý kịch Trung Quốc do sư phụ Vu Chiêm Nguyên điều hành. Với một đứa trẻ 7 tuổi, thiếu tình thương của cha mẹ là một điều đáng sợ. Đáng sợ hơn, ở đây, Cảng Sinh phải tập luyện trong môi trường vô cùng khắc nghiệt và áp lực. Hàng ngày, các học viên được học các kỹ năng bao gồm ca hát, nhào lộn, võ thuật và diễn xuất.

Yêu cầu đào tạo rất khắt khe, học sinh sẽ bị phạt nặng nếu không vâng lời hoặc vi phạm kỷ luật. Điều kiện tài chính cũng rất hạn hẹp nên thức ăn hàng ngày chỉ đủ để mỗi học viên tồn tại. Đó là một cuộc sống rất khắc nghiệt với một cậu bé chỉ 7 tuổi. Nhưng Cảng Sinh không còn nơi nương thân nào khác. Suốt 10 năm sau đó, cậu cũng không hề được gặp mặt bố mẹ. Cậu gần như bị bỏ rơi.

Năm 17 tuổi, Cảng Sinh tốt nghiệp. Vào thời gian đó, nhạc kịch Trung Quốc lâm vào sa sút, anh phải đi tìm việc khác. Nhưng trường cũ ít dạy học viên về chữ nghĩa. Điều đó có nghĩa là họ cũng khó làm bàn giấy. Họ chỉ có thể làm là các công việc tay chân cần đến sức khỏe, hay phù hợp nhất là làm diễn viên đóng thế.

{keywords}
Thành Long thời đang là diễn viên đóng thế trên phim trường

Cảng Sinh cũng quyết định trở thành diễn viên đóng thế. Anh đã thực hiện các miếng võ cực khó của huyền thoại Lý Tiểu Long trong các phim như Tinh võ môn, Long tranh hổ đấu. Đóng thế là một công việc cực nhọc và thậm chí là tủi nhục vì diễn viên phải thể hiện những cảnh khó nhất, nhưng không ai biết đến họ cả.

“Tôi rất, rất nghèo”, Thành Long chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi thực hiện những cảnh đánh đấm nguy hiểm, chỉ để nhận được dưới 1 pound mỗi ngày”.

Quá túng quẫn, chàng diễn viên trẻ liều mình nhận lời đóng một bộ phim cấp 3 năm 19 tuổi. Trong phim, anh có 2 cảnh quan hệ giường chiếu với nữ diễn viên. Nhắc lại bộ phim, Thành Long không tránh né. Anh điềm tĩnh trả lời: “Tôi cần tiền. Tôi phải làm bất kỳ điều gì để kiếm sống vào thời điểm đó”. 

Kiếm tiền để cho đi

Năm 1978, Thành Long được mời đóng vai chính phim thể loại võ thuật hài Xà hình Điêu thủ. Phim đã thổi một làn gió mới vào thị hiếu của khán giả Hồng Kông. Bộ phim thứ 2 - Túy quyền đã chính thức đưa anh đến với vị trí của một ngôi sao. Những năm tiếp theo, Thành Long chinh phạt khắp châu Á. 

Thành Long đã hiện diện ở kinh đô Hollywood hơn 40 năm và đang đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng những ngôi sao được trả cát-xê cao nhất thế giới với 50 triệu USD năm 2014, chỉ đứng sau Robert Downey Jr (80 triệu USD). Ông còn là một doanh nhân với chuỗi nhà hàng, bất động sản trải dài tại nhiều quốc gia.

{keywords}
Thành Long là Đại sứ thiện chí của UNICEF.

Với Thành Long, đây là lúc ông trả nợ đời. "Khi tôi còn nhỏ, tôi không biết lý do tại sao Hội Chữ thập đỏ muốn giúp tôi. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu rằng vì sao chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau”, Thành Long cho biết lý do luôn gắn bó với hoạt động nhân đạo.

Bên cạnh quỹ từ thiện Jackie Chan Charitable Foundation nhằm hỗ trợ người dân về y tế, giáo dục, các thảm họa thiên nhiên hay bệnh tật, Thành Long còn là Đại sứ thiện chí của UNICEF và ủng hộ nhiệt tình cho hàng trăm tổ chức từ thiện trên khắp thế giới, tham gia chiến dịch bảo tồn thiên nhiên, chống lại các hành động đối xử tàn tệ với động vật.

Ngôi sao võ thuật đã quyên góp hàng trăm triệu USD và hỗ trợ hàng triệu người như ủng hộ nạn nhân sóng thần tại Ấn Độ Dương năm 2004, nạn nhân động đất ở Haiti, Tứ Xuyên, nạn nhân động đất và sóng thần Nhật Bản… Ông thường dành rất nhiều thời gian để đi thăm những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nghèo, hẻo lánh, thường xuyên bị thiên tai, bệnh dịch hoành hành ở Trung Quốc.

{keywords}
Thành Long trong chuyến đi từ thiện tại Hà Nội năm 2009 với tư cách đại sứ của tổ chức Phẫu thuật nụ cười.

Thành Long có thể dành hàng giờ để nói về hoạt động từ thiện. Ông thổ lộ rằng, ngay cả khi đang ngủ, ông cũng nghĩ làm thế nào để có thể giúp đỡ người khác: “Nếu tôi muốn có một chiếc xe, một chiếc du thuyền, một chiếc máy bay, tôi có thể mua ngay. Nhưng điều đó không thú vị nữa… Tôi chỉ muốn có tiền để cho đi”, Thành Long thành thực chia sẻ.

Tuyết Trinh