Khi phát hiện mình bị bệnh ung thư phổi ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục chỉ ngậm ngùi: Người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là nhà thơ Trang Thanh và những đứa con. Và chính tình yêu, sự bao dung, tận tụy vô điều kiện của người vợ trẻ đã trở thành “thần dược” giúp chồng vượt qua nhiều âu lo, thử thách.
Cuộc tình giông bão
Khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục và nhà thơ Trang Thanh quyết định “thổi cơm chung”, họ đã phải đối diện với bao dị nghị, nghi ngờ, ngăn cản…vì nữ nhà thơ kém người bạn đời đến 30 tuổi và hai người từng trải qua nhiều đổ vỡ trong cuộc sống riêng tư. “Ông vua kịch bản” Nguyễn Khắc Phục thổ lộ, trong cuộc tình giông bão ấy, chính Trang Thanh mới là người dũng cảm, chịu cay đắng đủ đường. Vóc dáng mảnh mai, gương mặt phảng phất nét buồn và đôi mắt sâu thăm thẳm của Trang Thanh đã ngầm phác lên chân dung một “nàng thơ” đa đoan, lận đận.
Gia đình nhà văn Nguyễn Khắc Phục – Trang Thanh (ảnh gia đình cung cấp). |
Hồi tưởng lại quãng thời gian hai người mới quen nhau, nhà thơ Trang Thanh kể, “Trong khi những người đàn ông khác nhiệt tình làm mọi cách để chinh phục tôi thì “bác” ấy lại lưỡng lự, hình như sợ làm tôi thêm một lần “đậu phải cành cong”. Nhưng chính vì sự lưỡng lự đó mà tôi đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với “bác” bởi tôi hiểu, căn cốt của tình yêu cần có tình thương sâu thẳm, nhất là khi những bồng bột tuổi trẻ đã qua đi” (Trong câu chuyện cùng chúng tôi, nhà thơ Trang Thanh tế nhị xưng “chị” và gọi chồng là “bác” - PV). Chị khéo léo từ chối những lời ngỏ muốn viết về mình. Chị nhắc tới chồng bằng niềm âu lo lẫn hi vọng mong manh, rưng rưng nơi đáy mắt.
Tháng 6 vừa qua, tại Bệnh viện Lao phổi Trung ương và Bệnh viện Quân y 103, nhà văn Nguyễn Khắc Phục phát hiện mình bị ung thư phổi. Từ đó đến nay, ông trải qua 4 đợt hóa trị, 30 mũi xạ trị. Mới đây, sau 5 ngày được về nhà, ngày 30/11 ông phải nhập viện trở lại do tác dụng phụ của hóa chất khiến bạch cầu trong máu giảm mạnh, bệnh phổi tắc nghẽn trỗi dậy.
Đã vài tháng nay, nhà thơ Trang Thanh xin nghỉ việc không lương để chăm chồng và lo cho các con. Vóc dáng chị vốn mảnh mai nay càng thêm phần gầy guộc vì mất ăn mất ngủ. Chị tối ngày tất tưởi trên con đường từ chợ đến trường đón con rồi vào viện chăm chồng. Con trai của nhà văn Nguyễn Khắc Phục và Trang Thanh mới hơn 3 tuổi luôn khăng khăng: “Bố em Gạo (tên ở nhà của bé Thiện Anh - PV) không bị ốm đâu! Bố khỏe rồi, không đi viện nữa”. Nữ nhà thơ nghẹn ngào: “Mỗi lần “bác” vào viện điều trị trở về với cánh tay xanh xao bầm tím, ven nào cũng vỡ mà không thể bế nổi con thì chị phải quay đi. Thương xót lắm”.
Trước khi đến với Trang Thanh, nhà văn Nguyễn Khắc Phục từng được ví như “dị nhân” trong căn hộ đi thuê ở một ngõ nhỏ trên phố Dã Tượng, Hà Nội. Ông cạo trọc đầu, mặc áo nâu sồng như vị tu hành âm thầm bước bên lề cuộc đời. Ông nghèo nhưng sẵn sàng rút đến đồng tiền cuối cùng trong túi để giúp đỡ bạn bè khó khăn, biếu các cụ già, trẻ nhỏ lang thang vẫn gặp hàng ngày trên phố. Sự xuất hiện của nhà thơ Trang Thanh ở chặng cuối cuộc đời ông như khúc hát ngọt ngào, sâu lắng và cũng đầy xót xa được chính chị sáng tác: “Anh đừng xa em nhé anh/ Ngoài kia đang đêm bão giông/ Đường mơ ta chưa đi hết… Anh đừng đi đâu nhé anh/ Ở bên em đây yên lắng/ Về bên sông mây trắng/ Chiều tương tư mắt cay…”.
Thêm “một đàn con” ra đời
Nằm trên giường bệnh, nhưng nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn trằn trọc trong niềm phấn chấn khi “đứa con tinh thần” vừa ra đời giữa những ngày bệnh trọng. Theo lời kể của nhà thơ Trang Thanh, sau mỗi đợt hóa trị, xạ trị ông đòi về nhà ngay để chơi với con trai và… chữ nghĩa. Tiểu thuyết “Hỗn độn” có dung lượng 700 trang được nhà văn khởi viết từ 10 năm vừa xuất bản là tác phẩm pha trộn giữa hiện thực, huyền thoại và mang tính triết luận trên nền cuộc sống đương đại. Tính đến nay, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã viết 13 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu, vài chục kịch bản lễ hội.
Cách đây chưa lâu, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn đều đặn lên Facebook đăng ảnh đầu trọc với gương mặt tếu táo như một cách đối diện đầy chủ động với bệnh tật và tuyệt nhiên không chờ mong sự thương cảm hay kêu gọi sự giúp đỡ nào. Khách đến thăm nom, ông nhoài ra khỏi giường dẫn đi “tham quan” bức tranh sơn mài khổ lớn treo khắp nhà được ông vẽ cách đây cả chục năm rồi nói đùa: “Tớ mà chết đi bán được khối tiền đấy!”. Nhưng bây giờ, ông chỉ có mong muốn tha thiết là có kinh phí tái bản những tác phẩm tâm huyết của mình ở các thể loại trong các lĩnh vực mà đã được giới nghề và công chúng ghi nhận.
Trở về nhà sau khi phải cấp cứu, thở ôxy vì tác dụng phụ của hóa chất, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn không mảy may sợ hãi. Ông mong sao nhanh chóng bình phục để những nỗi lo toan bớt đè nặng lên đôi vai người vợ trẻ. “Hễ từ viện về, việc đầu tiên là “bác” khởi động máy tính rồi mới ngồi xuống thở dốc. Trong lòng “bác” dường như luôn có điều gì đó không yên. Có lẽ vì quá thương chị và các cháu nên “bác” luôn cảm thấy trọng trách người đàn ông của mình quá lớn”, nhà thơ Trang Thanh nói.
Nhìn cách chị chăm chồng, người ngoài cuộc chợt thấu hiểu hơn về một tình yêu định mệnh – một thứ “thần dược” hiệu quả hơn tất thảy mọi phương thuốc trên đời. Trong câu chuyện cùng chúng tôi lúc chồng vừa chợp mắt, chị say mê kể nết ăn, nết ở của người tri kỉ: “Chăm “bác” dễ mà lại khó vì không phải cái gì “bác” cũng thích, nhiều cái ăn uống chỉ để chiều lòng người nên tôi thường đi chợ sớm, luôn nhớ chả quế thơm phải mua ở đúng hàng này, bánh cuốn dẻo sẽ mua ở hàng kia, món phở ngon thì cất công ra phố… Nhưng cái chính là “bác” luôn cần tôi. Ngay cả khi “bác” còn khỏe mạnh, tôi đi ra ngoài một bước “bác” đã ngóng đợi, cứ như thể “tiết kiệm” từng giây phút bên nhau”, nhà thơ Trang Thanh ngậm ngùi. Chúng tôi bất chợt nhớ câu thơ đầy ám ảnh của chị: “Nói với em, có bao giờ, dòng sông bỏ mây trắng một mình?/Anh nhớ không? Ta đã nói với nhau…”.
Nhà thơ Trang Thanh từng xuất bản 2 tập thơ, 4 tập truyện ngắn và nhận giải “Lá trầu” cho tập thơ “Bay lặng im” (2008). Bây giờ, “nàng thơ” ấy dường như cũng đang “bay lặng im” trên con đường hạnh phúc nhiều ngọt ngào nhưng lắm nỗi đa đoan như thuộc về định mệnh.
Thời điểm gần như phải vắt kiệt sức để chăm chồng nằm viện, nhà thơ Trang Thanh cũng cho ra đời một “đàn con”. Đó là những ca khúc tặng người bạn đời viết trong vòng 2 tháng: “Đừng xa em nhé”, “Dòng sông mây trắng”, “Giấc mộng bên người”, “Mùa thu bão tố”… Trước khi nên vợ nên chồng, chị cũng viết tặng chồng tập thơ “Mây trắng” (2012). Trong tác phẩm của mình, “nàng thơ” ví Nguyễn Khắc Phục là một dòng sông mà chị là mây trắng soi vào.
Theo Gia đình và xã hội