- Thế giới bí ẩn với những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí, ma quái về những ông lang, bà mế xứ Mường từ lâu đã trở thành đề tài mê đắm biết bao cây bút. Trong đó, có nhà báo Hoàng Anh Sướng. Anh đã tái hiện lại thế giới ấy trong “Bùa ngải xứ Mường” đầy hấp dẫn.
Nói như cách nói của nhà thơ Trần Đăng Khoa, thì “sức hấp dẫn ma quái của cuốn sách này không nằm trong văn chương. Nếu xét ở góc độ bút pháp, Hoàng Anh Sướng tỏ ra rất dung dị. Thậm chí đọc văn còn không thấy văn. Chỉ thấy đời sống. Một đời sống nóng hổi, tươi ròng. Nhưng cũng vì thế mà nó lại có sức hấp dẫn đặc biệt. Bởi nó chính là cuộc sống. Nói như nhà thơ, nhà phê bình Vũ Quần Phương: Gặp đời rồi thì quên chữ quên câu…”.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng và nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi ra mắt cuốn "Bùa ngải xứ Mường" - Ảnh: VOV. |
Nhà báo Hoàng Anh Sướng được độc giả biết đến qua các phóng sự đặc sắc như: “Chị Năm Nghĩa và hành trình 13 năm lầm lụi tìm hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ”, “Hành trình tìm kiếm 4000 hài cốt liệt sĩ ở địa ngục trần gian Phú Quốc”, “Trò chuyện với Thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc”…
Ít ai biết được rằng nhà báo Hoàng Anh Sướng còn là người thích tìm hiểu văn hóa tâm linh các dân tộc ít người. Và Bùa ngải xứ Mường chính là một minh chứng cho những đam mê của một cây bút khỏe khoắn, đầy tư duy khoa học kết hợp với lối dẫn chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.
“Tôi đã từng nghe người ta kể nhiều về phép thuật nèm, chài (bùa mê, ngải lú) thần bí của những ông thầy mo Mán, Mường trên rừng xanh núi đỏ. Rằng chỉ với một dúm muối, một đôi đũa, một nhành cây…, họ có thể “bó” cho đôi vợ chồng nọ đang đứng trước nguy cơ tan vỡ trở nên quấn quyện, khăng khít như thuở ban đầu. Có thể chia rẽ cặp tình nhân đang say nhau như điếu đổ kia bỗng chốc trở nên hờ hững, lạnh lùng để rồi… chia ly đôi ngả. Thậm chí, chỉ với một chiếc kim, một mảnh sắt quấn sợi chỉ ngũ sắc, họ có thể giết chết kẻ thù địch bằng những lời chú bí hiểm…
Để “bảo lãnh” cho tính xác thực của những câu chuyện rùng rợn ấy, có người còn lôi ra những lời thề rất độc địa khiến kẻ tò mò, đa nghi là tôi cứ nhấp nhổm không yên. Và rồi, mặc cho cơn áp thấp nhiệt đới hoành hành, tôi vẫn xé gió, đội mưa lên xứ Mường Thanh Sơn (Phú Thọ) quyết vén bức màn tâm linh kỳ bí này...” – nhà báo Hoàng Anh Sướng cho biết.
“Tập phóng sự Bùa ngải xứ Mường cho ta biết thêm về sự đa dạng, phong phú của ngòi bút Hoàng Anh Sướng. Tôi gọi chúng là những “lá bùa”, hay cụ thể hơn, là một thứ “bùa ngải” cũng vì tính thần bí, mê hoặc của nó mà ngay cả giới khoa học bây giờ cũng không dễ lý giải. Bởi vậy, những trang viết của Hoàng Anh Sướng, dù bàn đến vấn đề gì cũng thường rất hấp dẫn, lôi cuốn. Hình như nếu không có sự hấp dẫn, lôi cuốn ấy, anh sẽ không bao giờ có đủ “nhuệ khí” để cầm bút, dãi bày cùng bạn đọc” – nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Đọc Bùa ngải xứ Mường có thể bạn sẽ bàng hoàng, thấy có gì rất mới lạ bởi người viết có lối kể của người trong cuộc với giọng điệu vừa sáng tỏ, minh bạch của một phóng viên điều tra, lại vừa âm âm u u như ông thầy cúng hay lão phù thủy trị tà. Anh sấp ngửa lặn ngụp trong biển sống thật cùng với các nhân vật kỳ dị của mình. Đó cũng là lý do khiến Bùa ngải xứ Mường có sức hấp dẫn người đọc.
Thái Bình