Nếu thơ là cuộc đối thoại với chính mình thì Nguyễn Phong Việt đã làm một cuộc bóc tách bản thể vừa đơn giản lại vừa đa vị - tuyệt nhiên không phải ở hình thức, dạng thức mà ở những xúc cảm của chủ thể.

{keywords}

Nguyễn Phong Việt

Thơ, đối với Việt, là nguồn vui, là cảm hứng mà cũng là ngọn nguồn của những cú vọng thăng bằng, về nội tại của một cái tôi thị dân luôn tồn tại phức cảm cô đơn mơ hồ.

1. Nhà thơ Trần Hoàng Nhân, từng có lần trả lời trên một tờ nhật báo, đại ý, thơ là tiếng lòng để tìm tri âm, tri kỷ. Hình như, Nguyễn Phong Việt cũng có nét tương đồng trong lối nghĩ. Là, lối nghĩ thôi, chứ chẳng đao to búa lớn để gọi là quan niệm. Vì cả Nhân và cả Việt, đều xem thơ như một cuộc vui vầy. Tất cả được mất, nỗi lo cơm áo gạo tiền ở lại hết ngoài trang giấy. Chỉ khác là, Nhân có kiểu vui lãng tử, giang hồ, cà rỡn cà rỡn mà đau đau trong dạ, còn Việt thì mặc nhiên trầm mặc nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn ăn vào tận xương tủy.

Cụ Sơn Nam viết đâu đó trong một tạp bút: “Cô đơn là căn bệnh của những người trẻ ở phố thị”. Họ nói đó, cười đó, đi đứng, gặp gỡ đó trong hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mối quan hệ. Họ có việc để làm, có bạn bè chia sẻ, có nơi để trở về, có người chờ đợi sau cánh cửa khi đêm về,… nhưng trong họ vẫn có một chỗ sâu khó lòng và chính họ cũng không muốn/ không cho phép ai chạm đến. Những lúc mỏi mệt, những lúc thấy bản thân cũ kỹ, nhàu nhĩ, họ nương náu vào chính cái chỗ trống sâu hoắm đó.

Để mà chìm hẳn, để mà tựa nương, mà bóc tách những vui buồn, để được thấy còn là chính mình. Một cái tôi không hẳn hoàn hảo nhưng không cần che đậy, giấu diếm. Không có những tiếng thở dài, những suy tính thiệt hơn. Trần trụi như chính bản thể của nó. Để nhận ra, sợ hãi lớn nhất không phải là thất bại, là vấp ngã, là phong ba bão táp của cuộc đời mà chính là vụn vỡ niềm tin. Dù khó khăn đến thế nào cũng sẽ không một chút hoài nghi/ Mất mát đến cuối cùng vẫn chỉ là mất mát/ Chỉ sợ điều mình tin một ngày kia vỡ ra như hạt cát/ Mình sẽ mỉm cười cho đến khi cạn nước mắt/ Cho lẽ sống duy nhất có ý nghĩa trong đời...

Việt, là điển hình của một kiểu thị dân như vậy. Ở quê vào phố rồi trụ lại với phố, gieo thương yêu, sinh con đẻ cái. Việt có tất cả ở phố này, điều mà biết bao người ao ước. Và, Việt cũng có tất cả những thương tổn của một người từ quê về phố, lăn tròn với cuộc mưu sinh nhộn nhịp, với khói bụi, kẹt xe, nước ngập, với những mối quan hệ tưởng chừng thân thiết đó mà hóa ra lỏng lẻo đến vô cùng. Những trống trải không gì có thể giải thích nổi. Những năm tháng còn lại chúng ta dành cho những bữa cơm với chén đũa xếp cạnh vui đùa/ Mình chỉ lo mình giành nhau cười nói/ Uống một tách café trong một đêm nào rồi thức trắng đêm nông nổi/ Yêu thương cả tiếng mình thở ra vào ngày yếu đuối/ Sao thế giới này cô đơn quá đỗi/ Ngay cả khi mình có nhau… (Về đâu những vết thương).

Những cãi nhau vặt vãnh bỗng trở nên to đùng trong căn phòng chật hẹp, với màn hình facebook của laptop, messenger của điện thoại thông minh. Những bận rộn dễ khiến người ta không còn năng lượng, thời gian để dành cho nhau. Mãi hướng đến vô vàn điều xa vời mà quên đi vẻ đẹp của một bữa cơm, thương yêu của một bàn tay chăm sóc. Những tháng ngày chỉ cần sống cuộc đời bình thường/ Nấu cho nhau một bữa ăn/ Mua một viên thuốc khi người kia đau ốm/ Hay vuốt dùm sợi tóc bay ngang tầm mắt... / Nhưng ta biết chẳng dễ gì bên cạnh người được/ Chẳng dễ gì có thể sẻ chia...

Thơ của Việt nhiều lắm những câu nhè nhẹ, đời thường mà tha thiết đến thắt tim người đọc. Đặc biệt là những người từng trải, từng mất mát hoặc đang trong cuộc đối diện với chính mình. Nó nhắc họ về những ngày đang sống, giảm bớt tốc độ và “yêu cầu” họ tự soi bóng mình, một cách thủ thỉ, tâm tình nhất. Nên, có gì lạ đâu khi Đi qua thương nhớ (2012) - tập thơ đầu tay của Việt là hiện tượng best seller giữa thời buổi thơ… “bốn triệu”. Việt, vì vậy, ngẫu nhiên mà thành nhà thơ triệu bản. Báo chí và trên khắp các diễn đàn nhắc đến thơ Nguyễn Phong Việt sôi nổi chưa từng thấy.

2. Tuy nhiên, như đã nói, Việt làm thơ bởi nhu cầu giãi bày hòng đi tìm sự cân bằng. Danh hiệu với Việt thành ra phù phiếm. Việt an nhiên bước qua sự tung hô, tán thưởng của đám đông. Việt vẫn là Việt, nhanh nhẹn, hoạt bát trong công việc của một người làm truyền thông, là người đàn ông của gia đình và vẫn tiếp tục đối thoại với chính mình. Không cầu kỳ, không gượng ép, không đặt mục tiêu tập sau phải phát hành nhiều hơn tập trước, không cần phải bắt bản thân thay đổi. Việt cứ viết ra những gì Việt băn khoăn, suy nghĩ, những vui buồn thế nào cứ thế hiện ra thành câu chữ.

Tôi đã từng tự hỏi, khi đọc tập thơ thứ 2 của Việt, liệu một màu như vậy, Việt không sợ người ta ngán mình sao? Bây giờ thì, tôi nghĩ không riêng tôi mà nhiều người từng thắc mắc như vậy đã tìm thấy câu trả lời. 4 tập thơ, đều đặn từng năm một, Từ yêu đến thương (2013), Sinh ra để cô đơn (2014) và hiện tại là Sống một cuộc đời bình thường đến hẹn lại lên vào mỗi tháng 12, như một món quà an lành dịp cuối năm.

Chẳng ai muốn khước từ món quà mà nhờ đó, mình được dịp nhìn lại chính bản thân, thấy mọi thứ xung quanh bỗng thiết tha, có tâm hồn và nhiều yêu thương quá đỗi, dù trước ngày xuất bản, Việt chia sẻ gần phân nửa số bài có trong tập thơ lên facebook. Ngay cả đến vẻ ngoài của tập thơ cũng vẫn cứ vẹn nguyên bìa trắng, phông chữ đen mà vẫn là cùng một phông chữ, một dòng đề từ vắt ngang tập thơ. Việt ngại thay đổi, lười thay đổi hay đó là lời “cảnh báo”: Tôi vẫn vậy. Chẳng có gì mới mẻ đâu, ngoại trừ những va chạm, biến chuyển trong tâm hồn. Ngay giây sau đã khác giây trước, rất nhiều rồi. Mà cuộc sống này, đâu chỉ có niềm vui, đâu chỉ có nỗi buồn. Giữa hai thái cực ấy, có biết bao nhiêu mảng màu cần lật mở, cần giải mã.

{keywords}

4 tập thơ của Nguyễn Phong Việt.

 

Như mọi lần, thơ của Việt, không có gì là đáng kể về mặt câu chữ, ngôn từ hay cấu trúc. Chất suy tư nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nó tự do như hơi thở, như thủ thỉ sẻ chia của một người bạn, như đúc rút của một người từng trải. Yêu thương là lý do đầu tiên để con người đến/ Và lãng quên là lý do đầu tiên để con người đi… Nó quây thành vòng như một bài hát. Dễ ca, dễ nhớ, dễ thuộc. Rồi tùy tâm trạng, lúc nào đó, người đọc sẽ hát lên bài hát họ thấy được là mình, phản ánh trạng thái là mình nhất. Người ta, giữa muôn trùng bận rộn, ngày càng sợ những thứ cao siêu phức tạp. Người ta cũng không còn thời gian để tiếp cận những điều tô hồng trát phấn. Người ta chỉ cần những điều giản dị, những điều bình thường thôi. Có những món ăn mình chỉ dành nấu cho ai đó một đời/ Ngay cả khi mình không thích ăn vẫn bình yên gắp giúp/ Lo toan cho một cái nhìn đôi khi còn nhiều hơn tháng ngày không biết tin vào đâu mà sống/ Một bữa cơm cũng là hạnh phúc/ Nhưng có bao người nhận được ra? (Rồi mình sẽ ngồi xuống đây để ăn cùng nhau).

Hóa ra, khi xã hội càng hiện đại, người ta càng phủ vây muôn trùng giữa công nghệ, máy móc, tiện nghi, giữa vô vàn hào nhoáng, điều khiến người ta xúc động lại là vẻ đẹp của sự giản dị. Như câu chuyện người nếm thức ăn sành điệu và khó tính bậc nhất trên thế giới khiến bao đầu bếp nhà hàng ông ta ghé thăm thon thót đứng tim đã bật khóc trước món ăn giản đơn, mang hương vị nghèo khó của thuở ấu thơ.

3. Sức hút của thơ Nguyễn Phong Việt khủng khiếp đến độ, buổi ra mắt sách của anh ở Sài Gòn và Hà Nội, không cần người dẫn chuyện, cũng không cần những lấp lánh nhiều màu phụ họa. Ở đó, duy nhất tác giả - là anh và câu chuyện của chính mình. Vây quanh là hàng trăm người ở nhiều độ tuổi. Họ đến để nghe anh nói, để được tận mắt ngắm nhà thơ ngoài đời, để được sẻ chia và đồng cảm. Khoảng cách giữa người đọc và người làm thơ nhòa đi. Chỉ có những câu chuyện ở lại. Rưng rưng nước mắt.

Lần này, Sống một cuộc đời bình thường còn thực hiện một cuộc sẻ chia. 1000 quyển sách đầu tiên bán được sẽ góp vào quỹ của dự án Tủ sách Cầu Vồng, dành tặng cho các mái ấm, nhà mở và lớp học tình thương trên địa bàn cả nước trong năm 2016 mà Việt là một trong những đại sứ.

Duy có một điều, tôi tiếc mãi. Không biết cái tính hay nghề truyền thông đã cướp bớt ít nhiều cá tính của Việt. Nó hòa hoãn, sợ mất lòng. Không ít cá nhân xem thơ Việt như một đánh dấu “có quen biết với nhà thơ triệu bản”. Việt là người nhạy cảm, hẳn Việt dư sức nhận ra điều đó. Nhưng, lắm lúc, tôi ước Việt cá tính hơn một chốc, thơ của Việt hẳn sẽ khác. Song, như vậy thì Việt đã không còn là Việt nữa!

(*) Những trích dẫn trong bài đều nằm trong tập thơ Sống một cuộc đời bình thường.

Theo ANTGCT