– Sẽ không lạ nếu như các bà mẹ bất ngờ nhìn thấy bản thân mình trong chính những câu chuyện, vấn đề được nhắc đến trong cuốn sách.
Trên thị trường sách hiện nay, những đầu sách nuôi dạy con tương đối phong phú. Bên cạnh những cuốn sách được dịch từ nguồn tư liệu nước ngoài còn có không ít những tác phẩm được viết bởi chính các bà mẹ Việt.
Mới đây, thêm một cuốn sách nuôi dạy con “made in Việt Nam” vừa được giới thiệu tới độc giả. Đó là cuốn sách với cái tên gây tò mò Để con được ốm, được chắp bút bởi tác giả Uyên Bùi cùng sự tư vấn từ bác sĩ Trí Đoàn.
Cũng được viết như một cuốn nhật ký học làm mẹ thông qua quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc cô con gái nhỏ của mình trong giai đoạn từ 0 – 2 tuổi, thế nhưng điểm khác biệt của Để con được ốm chính là việc tác giả đã hoá giải hàng loạt kinh nghiệm chăm con sai lầm mà không ít bà mẹ trẻ hiện vẫn mắc phải. Đó có thể là những kinh nghiệm dân gian được truyền miệng qua bao thế hệ, hoặc cũng có thể là những kinh nghiệm vô căn cứ vẫn được các mẹ rỉ tai nhau trên mạng xã hội.
Tác giả Uyên Bùi và bác sĩ Trí Đoàn |
Ngay ở phần mở đầu của cuốn sách, khi nhớ lại quãng thời gian ở cữ và được bà ngoại chăm sóc, Uyên Bùi đã “vạch trần” sự thật không ngờ của những giai thoại chăm sóc bà bầu sau sinh kinh điển như không được tắm, không được ra gió hay ăn chân giò hàng ngày cho nhiều sữa... Sự thật này có thể sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy bất ngờ.
Cứ thế, xuyên suốt cuốn sách, Uyên Bùi đều mang đến cho độc giả những câu chuyện, những vấn đề có thể là của mình, hoặc có thể là của bạn mình cùng với lời khuyên và hướng giải quyết một cách khoa học từ sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của bác sĩ Trí Đoàn. Sẽ không lạ nếu như các bà mẹ bất ngờ nhìn thấy bản thân mình trong chính những câu chuyện, vấn đề đó.
Được biết, lúc đầu tác giả dự định đặt tên cho cuốn sách là Nuôi con đừng nhìn sang nhà hàng xóm. Tuy nhiên, vì ngại “ăn gạch” mà cuối cùng Uyên Bùi cùng ê kíp biên tập đã quyết định chọn cái tên Để con được ốm.
Đây là một cái tên đa nghĩa, khi mà người Bắc hiểu “ốm” là “bệnh”, còn người Nam lại nghĩ “ốm” là “gầy”. Tuy nhiên, dù độc giả hiểu theo nghĩa nào đi chăng nữa thì đó cũng là những gì mà tác giả Uyên Bùi và bác sĩ Trí Đoàn muốn gửi gắm, nhắn nhủ. Bởi theo bộ đôi này trẻ cần được “bệnh” để có thể tự phòng bệnh trong tương lai. Và trẻ cũng cần được “gầy” để tự do phát triển một cách khoẻ mạnh.
Để con được ốm không phải là cuốn “bách khoa toàn thư” chữa bách bệnh ở trẻ em. Khi cùng nhau viết cuốn sách này, cả Uyên Bùi và bác sĩ Trí Đoàn chỉ móng nó có thể cho khiến các bậc phụ huynh có động lực để gạt bỏ những suy nghĩ, những định kiến không đúng trong hành trình chăm sóc và nuôi nấng con trẻ.
Phong Vũ