- "Nếu làm âm nhạc bằng mông, bằng vú, bằng quần áo hở hang, bằng khói xịt lên cay cả mắt, bằng những hình ảnh hào nhoáng của màn hình, bằng những thứ ngớ ngẩn thì không có tôi đâu nhé!".


Gặp Trần Tiến ở Hà Nội, chưa bao giờ thấy ông vui đến thế. Đó là niềm vui của một người đang được sống lại với những kí ức, những kỉ niệm và cả những giấc mơ. Trong tiếng nói cười rộn ràng, những câu chuyện ông kể ra "phóng túng" đúng kiểu... Trần Tiến.

"Tôi lấy tiền rất cao, tiền khủng luôn đấy"


Lần đầu tiên sẽ có hẳn một show trình bày các ca khúc do ông sáng tác. Ông vui chứ?

- Khi nghe tin công ty mời, tôi nói: các bạn định làm âm nhạc của tôi kiểu gì? Nếu làm âm nhạc bằng mông, bằng vú bằng quần áo hở hang, bằng khói xịt lên cay cả mắt, bằng những hình ảnh hào nhoáng của màn hình, bằng những thứ ngớ ngẩn thì không có tôi đâu nhé. Và họ nói: Chúng cháu không làm thế, chú sẽ mặc comple đến xem. Thế mới hay và tôi ký ngay. 

Sau Hà Trần, tôi cho rằng Tùng Dương là một giọng ca giúp khán giả biết đến âm nhạc của ông hơn. Tại sao trong show "Như chờ từng giấc mơ tới" diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8 tới, "con Dương" không được sánh vai cùng "bố Tiến" vậy? Ông đánh giá thế nào về giọng hát Tùng Dương?

- Tại sao không có Tùng Dương thì bạn phải hỏi nhà tổ chức. Còn Tùng Dương phải nói thật đôi khi làm tôi bực mình vì hát "âm tính" quá, Nhưng đôi khi điều đó cũng có cái hay của nó. Như Michael Jackson ấy. Mới đầu tôi thấy giọng ông ta nửa thiên thần, nửa ác quỷ và càng ngày càng thấy ấn tượng.

Có ít nhất 2 lần tôi tận mắt thấy ông mang theo hai chai gì đó (tôi đoán là chai rượu) khi đi xem ca nhạc. Một là trong liveshow của Tùng Dương, hai là trong chương trình Không gian âm nhạc của Hà Trần. Đôi khi đi xem ca nhạc, ông phải dùng "chất kích thích" để dễ "phiêu linh" hơn với âm nhạc?

- Chai rượu bạn ạ! Tôi hư lắm. Mỗi người một tính xấu mà. Đừng có cho lên báo không họ bảo tôi nghiện rượu nhé (cười). Nhưng phải nói thật thế này, nhờ nó mà tôi đã làm được một số việc trong cuộc đời. Khi đi xem ca nhạc, cái quan trọng nhất là tôi muốn phiêu linh để nghe.

Có ý kiến cho rằng ông là người khôn ngoan, chỉ nhận lời viết nhạc theo dạng đơn đặt hàng nhưng với giá "khủng"?

- Cái đó rất khó, đúng là tôi lấy tiền rất cao, tiền khủng luôn đấy. Tại vì bây giờ đề tài đăng kiểm, HIV, công ty truyền thông... cũng thành bài hát. Vấn đề như thế mà viết làm sao để những người làm nghề đó họ thấy mình nói đúng thì đáng giá quá còn gì.

Tôi yêu công việc sáng tác, và thấy cuộc đời giao cho mình trách nhiệm phải viết. Tôi từng đi thanh niên xung phong nhưng cả lớp nói : "Tiến, mày phải ở nhà đi viết nhạc về chúng tao". Thế nên đến giờ tôi vẫn còn tồn tại chứ nếu không tôi chết ngoài rừng rồi.

Những ca khúc gần đây của ông đều mang hơi hướng tâm linh, phật giáo. Vậy ông có ngộ ra điều gì từ phật pháp không?

- Bạn nói đúng, nó là một trong những cái tôi cảm nhận được. Nhưng sắp tới tôi không viết về tâm linh nữa. Tôi chả biết tôi sẽ viết gì bởi tôi không có con đường cụ thể. Tôi luôn luôn đi vào rừng, đi một hồi lại chạy sang chỗ khác. Tôi không muốn tạo cho mình một con đường mà điều quan trọng nhất là tôi nhìn thấy mặt trời ở đâu, tôi nhìn thấy thành Rome ở đâu, đạo ở đâu và cứ thế đi. Biết bao gian nan, hạnh phúc và bất ngờ. Cuối cùng vẫn đến đó, vậy thôi!

Chuyện đàn ông, đàn bà phù du lắm...


Tôi từng ấn tượng với những bài hát của ông - rất đời và mang dấu ấn riêng. Cũng từng ấn tượng với sự "phóng khoáng" của ông trong vai trò giám khảo và giờ ấn tượng cả những "nếp nhăn" trên gương mặt ông nữa. Ông đã nghĩ mình già chưa?

- Bạn biết không, 15 năm nay tôi muốn trở về tìm xem mình đã đi từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Mỗi người đến một cái tuổi phải biết mình là ai. Tôi năm nay 66 tuổi, già rồi còn gì nữa. (cười). Nhiều khi nghĩ lại thấy ngày xưa khi anh trai Trần Hiếu hát ông ổng ở nhà tôi ghét lắm. Nhưng mà đấy, không thích cái nào thì cuối cùng phải theo cái nấy. Tôi lao lao vào âm nhạc như một định mệnh. Có khi bây giờ tôi làm nhà hóa học chả ai biết tôi. Tôi từng đỗ thủ khoa về hóa học mà.

Người ta bảo người già hay sống bằng quá khứ. Với ông thì sao?

- Tôi không sống bằng quá khứ. Tôi luôn luôn hướng về phía trước. Lắm lúc Trần Thu Hà khóc nói bài tôi viết tặng nó hồi còn bé mà tại sao giờ không nhớ. Tôi viết cứ vứt lung tung. Ngay cả bài hát đầu tay giờ tôi còn không nhớ hết cả bài nữa. Tuổi già, nói thật tôi có một chút xót xa.

Già rồi nên niềm vui của tôi bây giờ là ra biển. Ở Vũng Tàu đấy. Suốt ngày tôi ở ngoài biển. Phi xe bằng bằng ở đó, thích chưa?.. Tôi có một hòn đá biển rất đẹp, ngồi đó đã viết hai bài hay nhất. Đó là cõi riêng của tôi đấy. Nguyễn Cường, Dương Thụ, các lão ấy cũng thi thoảng ra đó.

Cõi riêng là sao? Vợ ông đâu?

- Thì vợ tôi cũng ở đó chứ sao, nhưng rất muốn cho tôi được yên tĩnh. Cô ấy tôn trọng công việc của tôi bởi thứ nhất tôi hạnh phúc, thứ hai tôi viết được các bài cô ấy thích và thứ 3 nữa là có tiền.

Một nhạc sĩ có tiếng trong giới showbiz nói vui với tôi rằng: Trần Tiến rất đào hoa. Đến giờ vẫn có thể khiến một cô gái trẻ măng mê mẩn nhưng Trần Tiến là một người cực kỳ chung thủy. Có thể "mây mưa" nhưng không bao giờ bỏ vợ. Ông nghĩ gì về những nhận xét này?

- Không, tôi không phải là một người "mây mưa". Hiểu lầm tôi rồi. Thực ra tôi không phải là người chung thủy cũng không phải là người mây mưa, tóm lại tôi không quan tâm lắm đến việc đó. Tôi chỉ quan tâm một điều duy nhất là trong âm nhạc, phải là chính mình, "phá" với chính mình thôi. Bạn thấy mỗi bài hát của tôi phải có những cái mới và khác nhau. Mỗi lần khác đó mệt mỏi lắm bạn ơi. Còn chuyện đàn ông, đàn bà thì phù du lắm!

Ít thấy ông nhắc đến các con và vợ trên báo. Vì sao vậy?

- Các con tôi, bọn chúng muốn làm nghề khác, muốn chứng tỏ con bố Tiến là giỏi và bây giờ chúng nó giỏi thật. Một đứa ở Pháp, một đứa ở Anh. Bọn chúng thi thoảng có gửi tiền về cho bố nhưng ít thôi. Tôi là người tự sống được bằng tiền của mình vì tôi còn khỏe mà. Cuộc sống với vợ và các con tôi cảm thấy thế là đủ rồi.

Từng bị đuổi khỏi cơ quan vì mặc quần loe


Ông vẫn thường xuyên hội ngộ bạn thân là nhạc sĩ Nguyễn Cường và "con trai Lê Minh Sơn" đấy chứ? Tôi cứ hình dung, ông cùng hai nghệ sĩ kia mà ngồi cùng nhau thì có lẽ những câu chuyện xoay quanh sẽ chỉ liên quan đến... đàn bà. Có phải vậy không nhỉ?

- Không, có cái thằng Lê Minh Sơn thôi. Còn Nguyễn Cường cũng như tôi, nói đùa nói nghịch thôi. Nói về phụ nữ bao giờ cũng vui. Lắm lúc tôi bảo Lê Minh Sơn: "Mày có để im cái miệng mày không hả suốt ngày nói bậy". Nhưng nó còn trẻ, thôi kệ nó.

Khi trẻ ông có tật xấu gì và khi đã xế chiều "tật xấu" gì bỗng dưng phát sinh?

- Nhiều lắm bạn ạ. Tôi còn chẳng đếm nổi tật xấu của tôi. Tôi uống bia nhé...

(Nhạc sĩ Trần Tiến nâng cốc bia lên uống một hơi hết nửa ly rồi đặt xuống bàn, giơ tay chỉ vào nó cười khà khà rồi nói: Đấy, tật xấu nhất của tôi đấy!)

Tại sao ông lại chọn sống ở Saì Gòn - một nơi ngược với tính cách của ông? Những ca khúc ông sáng tác chủ yếu viết cho Hà Nội như: "Ngẫu hứng phố", "Ngẫu hứng sông Hồng", "Dòng sông mùa thu'', Phố nghèo. Cứ phải khi xa thì ông mới viết về Hà Nội hay?

- Tất cả mọi việc do cuộc đời đưa đẩy bạn ạ. Một thời tôi bị đuổi khỏi cơ quan, bị đuổi khỏi thành phố này bởi tôi mặc quần loe, để râu rồi viết những bài Vết chân tròn trên cát, Những đôi mắt hình viên đạn... Họ bảo tôi phản động. Cơ quan truyền hình gần như buộc tôi phải thôi việc.

Nếu không nhờ ông Võ Văn Kiệt thì tôi vẫn quanh quẩn ở Hà Nội. Ông Kiệt mê mấy bài hát Giai điệu tổ quốc, Những đôi mắt hình viên đạn có viết trên một tờ báo nói thích mấy bài đó nên Trịnh Công Sơn mới bảo thế thì mời Trần Tiến vào Sài Gòn đi. Ông Kiệt viết một lá thư gửi ra Hà Nội và tôi vào đó. Vào một thời gian rồi tôi lại bị đuổi ra. Tôi hay bị đuổi lắm (cười).

Một người trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời. Vậy đối với ông điều gì là quan trọng nhất trong kiếp người?

- Đó là hãy yêu con người, yêu thiên nhiên. Đừng bao giờ bạn giết con gián hay đuổi con kiến. Tôi có một thời sống độc thân, lúc vợ về lo cho cháu ngoại. Kiến, gián, chuột hay ăn đồ của tôi. Ban đầu tôi hay đánh đuổi chúng. Sau đó tôi bảo: Tao có mỗi bát cơm ăn, chúng mày ăn lần này thôi nhé, lần sau đừng ăn nữa.

Nhưng rồi lần sau nó vẫn đến ăn nhưng ít hơn. Lần thứ 3, tôi lại nói: Chúng mày ăn xong chưa? Ăn nốt lần này thôi nhé! Và lần sau nữa nó không đến nữa. Các con vật nghe được lời của tôi bởi vì tôi yêu nó. Chuyện này là có thật tôi đã viết một đoạn văn như thế. Tôi thích lắm.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Sơn Hà
Ảnh: Đức Việt