-  Dục vọng là nguồn cơn làm đổ vỡ những mối quan hệ gia đình thiêng liêng và thuần khiết. Đây cũng  điều vở bi kịch “Tục lụy” của sân khấu Hoàng Thái Thanh muốn chạm tới.


Trong vở diễn của đạo diễn Ái Như (tái dựng từ kịch bản Cơn mê cuối cùng năm 2003), chủ đề dục vọng được khảo sát ở khía cạnh mà sự mất kiểm soát hay bất lực của nó dẫn tới những hệ lụy đáng hổ thẹn, đặt con người đứng trước những lựa chọn ứng xử đầy day dứt, chông chênh và nguy hiểm.


“Tục lụy” do đạo diễn Ái Như tái dựng từ kịch bản Cơn mê cuối cùng, xuất hiện trên sân khấu Idecaf năm 2003 (ảnh Đình Vũ).

Nhưng xin hãy tạm quên câu chuyện ồn ào điếc tai của những cô gái chân dài thôn quê về thành phố tìm đại gia, hay những anh chàng đồng tính dứt áo về đô thị “thiên đường” mong cởi bỏ trói buộc định kiến. Vở kịch dẫn lối bạn về một cù lao hẻo lánh và vô danh ở đâu đó trên đồng bằng sông Cửu Long, bằng những hình ảnh quen thuộc của lưới cá, nhà tranh, giường tre, bàn gỗ, góc vườn…nối tiếp qua các lớp cảnh.

Những cơn bão dữ thỉnh thoảng nổi lên cô lập cả cù lao giữa muôn trùng sóng. Hoàn cảnh đưa con người xích lại gần trong yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, mà ông Hai (NSƯT Thành Hội) năng nổ giúp đỡ xóm giềng là hình ảnh đại diện. Trớ trêu thay, duyên cớ dẫn tới bi kịch lại bắt đầu từ một trường hợp nhân hậu và thấm đẫm tình người như thế.

Chuyện xảy ra trong một đêm mưa gió có nhiều sự kiện làm rối trí gia đình ông bà Hai, cùng người cậu Út Hơn (Quang Thảo) nửa điên nửa tỉnh sau khi từ chiến trường Tây Nam trở về và Dũng (Ngọc Tưởng), cậu con trai đang phục vụ trong quân ngũ. Chiếc ghe lật nhào xô ngã hai mẹ con sống lênh đênh cầu thực từ tận vùng Biển Hồ về tới miền hạ nguồn. Cùng lúc anh hàng xóm Sáu Thôi mang người vợ sắp đẻ qua cầu cứu. Ông Hai một tay cứu sống cô gái may mắn tên Mận (Hoàng Vân Anh và Như Yến đổi vai), cũng vừa kịp về tới nhà đỡ đẻ cho vợ Sáu Thôi.


Quang Thảo vai Út Hơn và Hoàng Vân Anh vai Mận trong “Tục lụy” (ảnh Đình Vũ).

Đêm bão khép lại, mở ra lớp cảnh êm đềm trong nếp nhà của ông Hai vào hai năm sau đó. Trong vòng tay cưu mang của cả gia đình, Mận nay đã như người nhà. Cô hiền lành, biết ơn và có phần cam chịu. Hạnh phúc cho tất cả tưởng chừng đã viên mãn trong yêu thương và ước hẹn của đôi trẻ Dũng và Mận.

Nhưng đây là lúc cố soạn giả Ngọc Linh khéo léo cài cắm vào kịch bản những trạng thái chông chênh và nguy hiểm trong mối quan hệ giữa cô gái không cùng huyết thống ngày càng xinh tươi và những người đàn ông cùng trong một nhà.

Trong lúc Dũng vắng nhà đi bộ đội với hành trang mang theo là lời ước hẹn sẽ trở về cưới Mận, những cơn say thường làm ông Hai tưởng nhầm cô là Liễu, người đàn bà ngày xưa với làn da trắng và mái tóc hương bưởi từng khiến ông mê mẩn đến mức vượt chiếc rào đạo đức. Những quấn quýt lại thôi thúc cậu Út Hơn nửa điên nửa tỉnh tò mò những câu chuyện về giới tính.

Việc xảy đến qua tiếng thét vọng đến đau đớn của Mận, chống lại hung thủ cưỡng dâm giấu mặt, là điều dễ đoán trước. Nhưng vở diễn cho thấy sự thông minh khi dẫn dắt người xem đi tới những bất ngờ ngay trong chuyện đã được tiên liệu.


Ái Như vai bà Hai và Hoàng Vân Anh vai Mận trong “Tục lụy”).

Nỗi hổ thẹn của người lớn nay đã hiện diện trong hình hài ngây thơ, bé bỏng của đứa bé ra đời một năm sau đó. Giống như lần qua sông đánh ghen, giành lại hạnh phúc cho mình và cho con, bà Hai – qua diễn xuất tinh tế của cả Ái Như lẫn NSƯT Kim Xuân (đổi vai) – chọn cách bao dung và nhẫn nại, giúp Mận chăm sóc đứa trẻ. Nhưng có một không khí chực chờ bùng nổ trong nhịp sống diễn ra bình thường. Ít nhất là vào ngày Dũng từ đơn vị về và phát hiện câu chuyện bị che giấu.

Những diễn biến dữ dội cho đến khi câu chuyện khép lại trong nhân hậu và độ lượng, cho thấy sự lựa chọn đứng về phía luân lý hay thỏa hiệp với điều trái đạo đức của các nhân vật là dứt khoát. Cho dù để lại những thương tổn không dễ lành.

Bi kịch trong “Tục lụy” khá cổ điển, khiến bạn có cảm giác đã nhìn thấy dáng dấp đâu đó của nó trong nhiều bi kịch kinh điển khác của sân khấu hay văn học. Điều làm tác phẩm này trở thành viên ngọc quý có lẽ nằm ở cách nó hoàn toàn thuộc về bối cảnh mà nó đặt vào, mà không thể nhầm lẫn với một không gian khác. Đâu đó trong câu chuyện, người ta còn nhìn thấy những vấn đề xã hội được đặt ra đối với đồng bằng sông Cửu Long như hạ tầng cơ sở, y tế, giáo dục…

Và như thế, sân khấu còn là nơi khiến người ta thức tỉnh về những ranh giới chênh vênh nguy hiểm của đời sống, nơi một người tốt bất ngờ trở thành một người xấu.

Minh Chánh