- Nói về chất lượng nghệ thuật trong chương trình hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi thì có lẽ bằng thừa. Song tôi vẫn nghĩ, Điều còn mãi tựa như sứ giả mang tới cho công chúng Thủ đô cũng như cả nước những tác phẩm âm nhạc đẹp.


Phải gọi là đẹp, bởi đó là vẻ đẹp của những giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao được chắt lọc từ những học hỏi của âm nhạc thế giới và gắn với thực tiễn sự hình thành phát triển của nền âm nhạc Việt Nam trong sự đan xen khéo léo giữa dòng âm nhạc giao hưởng thính phòng uyên bác với dòng ca khúc đại chúng. 

Những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao của các tác giả Việt Nam, những nghệ sĩ hàng đầu của dòng âm nhạc hàn lâm cũng như những giọng ca xuất sắc của nền thanh nhạc đương đại… Tất cả được hội tụ, tỏa sáng trong đúng ngày trọng đại hằng năm của đất nước: Quốc Khánh 2/9. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy vị thế vững vàng, không giống bất cứ chương trình nào của Điều Còn Mãi. Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do khiến chương trình luôn thu hút sự quan tâm của những công chúng yêu nghệ thuật âm nhạc chất lượng cao của đất nước.

{keywords}
NSND Quang Thọ trong Hoà nhạc quốc gia Điều còn mãi 2017.

Với nhiều công chúng, tới tham dự chương trình cũng là một cơ hội để sống lại những giây phút đáng nhớ của dân tộc. Những giây phút ấy có nhiều khán giả lớn tuổi đã may mắn cùng được chứng kiến trực tiếp, cũng có không ít khán giả chỉ là sống lại những giây phút, hoặc một thói quen nghe đã thành nếp trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. 

Giống như tôi cũng những người bạn văn văn nghệ đồng trang lứa, rất thích có mặt trực tiếp tại Nhà hát lớn Hà Nội hằng năm, để tranh thủ nghe những giai điệu quen thuộc ngập tràn niềm tự hào, những giai điệu mà khi còn thơ bé, chúng tôi quen nghe trên làn sóng đài tiếng nói Việt Nam. Nghe để yêu hơn những tác phẩm, nghe để yêu thương hơn quê hương, đất nước. 

Tất nhiên, nghe chỉ là để cảm nhận tinh thần xưa mang giá trị lịch sử. Còn về phương diện kỹ thuật cũng như âm nhạc và chất lượng âm thanh thì trong giai đoạn hiện nay đã hiện đại hơn rất nhiều. Cho nên, không chỉ là sự hoài niệm, Điều còn mãi còn là một đẳng cấp của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Sự góp mặt thường xuyên của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch và những nghệ sĩ solo hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như thanh nhạc, nhạc cụ phương tây, nhạc cụ truyền thống dân tộc cũng là một yếu tố tạo nên “thương hiệu” của Điều còn mãi.

Trong tôi ngập tràn xúc động khi thưởng thức những giai điệu đậm chất Việt chan chứa tình yêu quê hương trong tác phẩm khí nhạc “Trở về đất mẹ”, một tuyệt phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Bức tranh về một Việt Nam anh dũng, hào hùng và cũng tưng bừng những sắc hoa rực rỡ của núi rừng Tây Bắc đã mở ra khi chương II bản giao hưởng “Trở về Điện Biên” của nhạc sĩ Trần Trọng Hùng được vang lên. 

Clip tác phẩm "Hướng về Hà Nội.

Bức tranh đa dạng về truyền thống dân tộc của một Việt Nam đa sắc tộc thêm phần sinh động khi hai tiểu phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng mang tên “Jut in Rin” (dân ca Ê Đê), “Trống cơm” (dân ca Đồng bằng Bắc bộ) của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân vang lên. 

Như một món quà đặc biệt, ca khúc “Hướng về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Dương trước nay vốn vẫn được nhìn nhận như một tác phẩm khí nhạc mang âm hưởng của cây đàn cello viết cho giọng hát để thể hiện đã bất ngờ được chính hai cây cello song tấu qua phần chuyển soạn của con trai tác giả, NSND Ngô Hoàng Quân. Chính NSND Ngô Hoàng Quân thể hiện tác phẩm này cùng NSND Trần Thị Mơ. 

Sự góp mặt của những nghệ sĩ thanh nhạc hàng đầu trong chương trình hòa nhạc lần này thêm lần nữa chinh phục khán giả. Giọng soprano Lan Anh với kỹ thuật điêu luyện đã hòa thế giới tình cảm của mình vào trong tác phẩm “Mẹ yêu con” (Nguyễn Văn Tý) khiến cho khán phòng thêm những phút dạt dào cảm xúc. Đào Tố Loan với chất giọng soprano kịch tính cũng bất ngờ chinh phục khán giả khi thể hiện “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi). 

{keywords}
Ca sĩ Đào Tố Loan với "Người Hà Nội".

Giọng tenor Đăng Dương, Trọng Tấn góp thêm phần thành công khi thể hiện: “Tình ca” (Hoàng Việt), “Tình em” (Huy Du)… NSND Quang Thọ thể hiện tác phẩm “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch” (Văn Cao) gắn liền tên tuổi ông nhiều chục năm qua. Trong khi một giọng baritone khác là nghệ sĩ Mạnh Dũng cũng đã thể hiện thành công tác phẩm “Bài ca xây dựng” (Hoàng Vân).

Những giai điệu quen thuộc với nhiều người Việt kể từ thế kỷ 20 trở lại đây trong bản hợp xướng “Hồi tưởng” của nhạc sĩ Hoàng Vân được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng dàn hợp xướng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Cung thiếu nhi Hà Nội thể hiện với phần lĩnh xướng của Trọng Tấn đã dẫn người nghe vào một không gian ngập tràn niềm tự hào về một thời oanh liệt của dân tộc.

Clip: Bản hợp xướng "Hồi tưởng".

Phần trình diễn này càng thêm ấn tượng và ấm áp tình cảm khi chỉ huy dàn nhạc là nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai nhạc sĩ Hoàng Vân. Trong khi chính tác giả sau một thời gian có những biến động về sức khỏe, đã xuất hiện với tư cách một khán giả ngồi thưởng thức ở ngay hàng ghế đầu tiên của Nhà hát. 

Một chương trình hòa nhạc với những tác phẩm kinh điển, những nghệ sĩ tài năng, sự góp mặt cùng lúc của nhiều thế hệ âm nhạc đã đang và tiếp tục cống hiến không mệt mỏi cho nền nghệ thuật chính thống của nước nhà, Điều còn mãi không chỉ đơn thuần là một chương trình hòa nhạc mà còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, cống hiến những tác phẩm âm nhạc đẹp, những giá trị nghệ thuật đẹp cho cuộc đời. 

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long

{keywords}