- Quan điểm của Thanh Lam trở thành đề tài bàn cãi trong những ngày vừa qua. Đúng hay sai khi phát ngôn như thế? Công chúng có quá vội vàng khi cho rằng cô kì thị vùng miền và quá cao ngạo với tài năng của mình?


Nữ ca sỹ Thanh Lam mới đây khiến dư luận dậy sóng khi phát ngôn về một số ca sỹ miền Nam "ít học hành nhưng vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông". Vụ việc càng trở nên ồn ào khi có sự tham gia của các nghệ sỹ tên tuổi trong làng nhạc Việt. 

Người tỏ ra bênh vực cho sự thẳng thắn bất chấp dư luận của cô, số khác không đồng thuận vì cho rằng Thanh Lam đang cố tình tạo ra chiêu trò từ dư luận,... Vậy sự thật đằng sau phát ngôn tranh cãi của Thanh lam là gì?

Tranh cãi giữa nghệ thuật hai miền

{keywords}
Diva Thanh Lam.

Theo quan điểm của riêng Thanh Lam, muốn là nghệ sỹ giỏi thì trước hết phải học, phải trải qua quá trình rèn giũa. Đặc biệt, nghệ thuật theo cô là một chặng đường dài, mà ở đó sẽ không có chuyện 'ăn xổi ở thì' như cách nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn áp dụng như hiện nay. 

Trong khi đó, một số nghệ sĩ khác lại cho rằng âm nhạc là loại hình nghệ thuật đáp ứng số đông khán giả, họ không quên nhấn mạnh yếu tố may mắn và "tổ đãi" được đặt lên hàng đầu.

Những khác biệt về thị hiếu, thẩm mỹ và cách thức hoạt động của nghệ sỹ hai miền Nam - Bắc vẫn luôn là câu chuyện tranh cãi không có hồi kết từ nhiều năm nay. 

Liên quan đến vấn đề này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Theo ông Nguyễn Quang Long, sự khác biệt ở đây không chỉ đến từ gu thẩm mỹ thưởng thức của mỗi người dân mà còn bởi sự du nhập văn hóa Đông - Tây cùng với nhịp sống của từng vùng miền, dân tộc Việt Nam.

"Với những đặc tính riêng về địa lý, văn hóa và nếp sống, thói quen nghe nhạc, người dân miền Bắc từ xưa đã có xu hướng thiên về kỹ thuật khi thưởng thức. Trong khi đó, ở miền Nam, dù yếu tố chuyên môn không bị phủ nhận, song chính sự ràng buộc về tính đại chúng và thương mại lại là yếu tố làm nên sự khác biệt cho nền nghệ thuật hai miền.", anh chia sẻ.

Trước thắc mắc về phát ngôn gần đây của Diva Thanh Lam, ông cũng cho biết: "Với một người nghệ sỹ khi làm nghề, điều quan trọng nhất vẫn cần yếu tố trường lớp, rèn giũa, để bổ trợ các kỹ năng cơ bản về hơi thở, vị trí âm thanh, cách phát âm... cảm nhận và xử lý tác phẩm, cao hơn nữa là tính thẩm mỹ âm nhạc. 

Khoan nói đến vệc ý kiến của chị Thanh Lam có chủ quan hay không, chúng ta cũng cần làm rõ rằng, với một người nghệ sĩ đã qua trường lớp họ sẽ mang đến những cảm xúc chắc chắn hơn, bởi trong quá trình học tập, họ đã được mài giũa, cọ xát với nhiều yếu tố như kỹ thuật, thẩm mỹ... Còn với trường hợp một người hát theo cảm xúc tự thân theo tôi đó là một thứ rất bản năng”.

Thanh Lam đúng hay sai với phát ngôn của mình?

{keywords}
Cụm từ "Nhiều ca sĩ chẳng học hành gì mà vẫn nổi tiếng" khiến không ít người hiểu lầm Thanh lam đang có ý ám chỉ ca sỹ miền Nam. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, Thanh Lam rõ ràng chỉ đang nói đến những ca sỹ là "con sâu làm rầu nồi canh", làm vẩn đục môi trường nghệ thuật.

Trong 4 Diva nhạc Việt hiện nay, Thanh Lam luôn là người gây tranh cãi nhiều nhất với những phát ngôn về đồng nghiệp. Sự thẳng thắn và cá tính đến mức cực đoan của nữ Diva đôi khi khiến cô không được lòng số đông.

Xét về mặt ngữ cảnh trong buổi phỏng vấn, khi được đặt câu hỏi về sự phân biệt khoảng cách vùng miền trong âm nhạc, Thanh Lam đã nhìn nhận bằng góc độ cá nhân để từ đó chia sẻ về quan điểm của mình. Nữ diva cũng không đánh đồng tất cả các ca sỹ miền Nam đều không học hành. Cái cô muốn nhấn mạnh là sự lệ thuộc vào truyền thông, scandal của một bộ phận nghệ sỹ trẻ mà vô tình làm biến tướng nền nghệ thuật.

Việc tập trung vào câu chữ trên tiêu đề bài báo, thiếu di sự lưu tâm về quan điểm giải thích của Thanh Lam trong bài đã khiến sự việc bị đẩy đi quá xa.

Nhưng cũng chính cũng từ câu nói của Thanh Lam, dù thích hay không thích, người ta hoàn toàn không thể phủ nhận trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp ca sĩ trẻ 'một bước thành sao' bởi sự phụ họa từ truyền thông cùng các yếu tố scandal bên lề.

Hơn thế nữa, đây cũng không phải là lần đầu tiên Thanh Lam lên tiếng thể hiện quan điểm của mình. Nữ ca sỹ cũng từng bày tỏ ý không muốn tham gia vào các show thực tế vì không thể chấp nhận âm nhạc kiểu hàng hóa Quảng Châu trà trộn và thao túng mặt bằng văn hóa dù hơn ai hết cô biết rõ bản thân mình không phù hợp với môi trường này.

Mặc dù vậy, cách mà nhiều người phản ứng trước phát ngôn của Thanh Lam cũng là điều dễ hiểu. Nghệ thuật thuộc về đại đa số quần chúng. Sự cảm nhận, đánh giá và yêu thích một người nghệ sĩ cũng không nằm ngoài số đông. Đây cũng chính là yếu tố quyết định sự thành công của một người ca sỹ khi làm nghề. 

Việc Thanh Lam phát ngôn dưới tư cách cá nhân, một người nghệ sỹ đi trước để nhìn nhận, góp ý về thế hệ sau là không sai. Nhưng nếu mang đi đặt ở góc độ soi xét câu chữ thì vốn dĩ lại trở thành câu chuyện hoàn toàn khác.

Thanh Lam có dại khi phát ngôn?

{keywords}
Nhiều nhân vật của làng giải trí sẵn sàng lao vào "ném đá" phát ngôn của ca sỹ Thanh Lam. Có người bức xúc, nhưng cũng có không ít người "té nước theo mưa".

Thanh Lam sinh ra và lớn lên trong cái nôi của nghệ thuật với bố là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ là nghệ sĩ Thanh Hương, cùng chồng cũ là nhạc sĩ Quốc Trung. Có thể nói, với một nền tảng không thể thuận lợi hơn, điều này đã góp phần kiến tạo, giúp nữ ca sỹ có được khởi đầu tốt đẹp để từ đó đào sâu bản ngã nghệ thuật của mình.

Sự bền bỉ với hơn 30 năm trong nghề và được ví như người mở đường cho nhạc nhẹ đã giúp Thanh Lam có được chỗ đứng vững chãi trong âm nhạc, nhận được sự kính nể của nhiều lớp thế hệ nghệ sỹ. Cả 3 diva còn lại đều dành cho cô sự tôn trọng. Mỹ Linh trong một đêm nhạc đã hướng tay về phía Thanh Lam và trìu mến giới thiệu cô với danh xưng "chị cả của chúng tôi" bằng niềm ngưỡng mộ của đàn em.

Thanh Lam luôn đổi mới và thử nghiệm nhiều phong cách hát khác nhau trong suốt sự nghiệp của mình. Đương nhiên, đổi mới không phải lúc nào cũng thành công, cũng thuận lòng số đông, nhưng bao giờ cũng tốt hơn là trì trệ, dậm chân tại chỗ. 

Vậy với một người luôn trăn trở với nghề như Thanh Lam, luôn cầu thị mang đến những giá trị mới cho công chúng thì rõ ràng những phát biểu của chị về thị trường âm nhạc hiện nay hẳn không phải là điều vô lý.

Kết

Trả lời VietNamNet, Thanh Lam đã bày tỏ ý kiến của mình: "Tạm gác lại nhưng câu chữ và đẩy đưa, tôi luôn nhiệt thành lắng nghe, vì điều đó tốt cho mình. Những nghệ sĩ lên tiếng và những nghệ sĩ không lên tiếng đều có mục đích riêng của họ nhưng đối với nghệ sĩ nào tôi đều muốn được chia sẻ mong chờ của khán giả ở chúng ta là chất lượng tác phẩm, muốn vậy thì dù hình thức hay phương pháp nào cũng phải nâng cao trình độ bản thân. Lúc đó chúng ta sẽ tạo ra sự cạnh tranh cũng như động lực lành mạnh cho sự phát triển của một nền âm nhạc."

Suy cho cùng, những tranh cãi về quan điểm của Thanh Lam cũng chỉ là những mâu thuẫn trong suy nghĩ, sự đánh giá về khái niệm làm nghề ở mỗi người nghệ sỹ. Quan trọng là sau khi ngã ngũ, ai sẽ biết cách tìm hướng đi mới cho bản thân và sống mãi trong lòng khán giả yêu nhạc, mới là điều cần thiết.

Tuấn Chiêu