- Tác phẩm của Nguyễn Quang Dũng truyền tải trọn vẹn câu chuyện gốc, đồng thời mang nhiều dấu ấn sáng tạo rất Việt Nam 

Đúng như tựa phim ‘Tháng năm rực rỡ’, bộ phim là hành trình hội ngộ của nhóm bạn nữ sau hơn 20 năm thất lạc, tìm lại những mơ ước ngây ngô, những xúc cảm vụng dại của thời học trò – những tháng ngày trong lành và đẹp đẽ. Phim đặt trong bối cảnh Đà Lạt trước năm 1975 và Sài Gòn năm 2000, được làm lại từ cuốn phim ‘Sunny’ cực kỳ ăn khách năm 2011 của Hàn Quốc. 

Trailer phim 'Tháng năm rực rỡ'

Kịch bản Hàn mang hơi thở Việt

Nối tiếp thành công của ‘Em là bà nội của anh’, ‘Tháng năm rực rỡ’ tiếp tục là một tác phẩm remake chất lượng của điện ảnh Việt. Bộ phim tôn trọng nền tảng câu chuyện gốc, song có nhiều sự chắt lọc và biến tấu để phù hợp với xã hội và văn hoá nước nhà.

Do thời lượng của phim gốc ‘Sunny’ quá dài, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chủ động cắt bớt một tuyến nhân vật trong nhóm nữ quái Ngựa Hoang, cùng với tuyến truyện phụ về người anh tham gia đảo chính của Hiểu Phương (Hoàng Yến Chibi).

Trong bản phim gốc, chi tiết hai thế hệ Hiểu Phương thời nữ sinh và khi trưởng thành mang quà đến tặng mối tình đầu được dàn dựng khá dài, lãng mạn và u sầu. Đây là một trong những trường đoạn đáng nhớ nhất của phim, nhưng được giản lược ngắn gọn hơn trong bản remake (làm lại).

Đó có thể là một sự đáng tiếc đối với fan ruột của ‘Sunny’, song là cách làm hợp lý với ‘Tháng năm rực rỡ’. Mạch truyện hoàn toàn tập trung vào các cô gái, vẽ nên một thế giới của riêng Ngựa Hoang. Đất diễn gần như san sẻ tương đồng giữa các nhân vật, tránh việc chỉ khai thác quá sâu một mình Hiểu Phương.

{keywords}
Nhóm Ngựa Hoang thời trung học

Câu chuyện phim được kể song song giữa hai thời đại, gắn liền với những biến động lịch sử, xã hội. Nguyễn Quang Dũng đã chuyển hoá bối cảnh Hàn Quốc sang Việt Nam một cách hợp lý và dễ chịu, gợi nhắc cho người xem nhiều dấu ấn đã qua, chẳng hạn như chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc bạo động tại Đà Lạt trước thời khắc lịch sử 1975.

Khung cảnh đường phố, trường học, quán bar được dàn dựng công phu, tái hiện chân thực khung cảnh của Đà Lạt thập niên 1970. Tuy nhiên, những chất liệu này chỉ nhằm tô điểm cho phim trở nên đẹp đẽ và khả tín, chứ không hề sa đà vào vấn đề chính trị.

{keywords}
Đà Lạt năm 1975 được dàn dựng đầy dụng công

Tuyến truyện năm 1975 và năm 2000 được sắp đặt xen kẽ với các cú chuyển cảnh mềm mại có tính tương quan. Chẳng hạn như từ cảnh nhóm bạn tuổi ngoài 40 ăn chuối chuyển sang hình ảnh nhóm bạn thuở 17 rủ nhau ăn chuối nướng ngoài phố; hình ảnh Hiểu Phương lớn (Hồng Ánh) nấp sau gốc cây theo dõi con gái chuyển sang hình ảnh Hiểu Phương nhỏ (Hoàng Yến Chibi) lén lút theo chân mối tình đầu…

‘Tháng năm rực rỡ’ mở màn với loạt cảnh có phần rệu rã, không khí kém rộn ràng nơi lớp học. May mắn là càng về sau, tiết tấu phim càng thêm nhịp nhàng, giàu cảm xúc. Các cảnh quay “đinh” của ‘Sunny’ như hai nhóm nữ quái “đánh hội đồng” sau trường học, đánh nhau hoà lẫn với dòng người đảo chính trên phố… đều được giữ nguyên, truyền tải trọn vẹn chất quậy phá và tình cảm gắn kết giữa các cô gái.

Bộ phim nhiều lần làm khán giả bật cười bởi sự dí dỏm trong các bài chửi thề vần điệu, tinh thần siêu quậy của tuổi học trò, tạo hình nữ sinh của Hồng Ánh hay những đoạn hội thoại nhạy cảm của các bà cô đã ngoài 40. Song sự cường điệu được tiết chế vừa đủ, từ lời thoại cho tới diễn xuất hình thể của diễn viên, mang đến không khí hài hước mà không lố lăng.

{keywords}
Hồng Ánh bất ngờ nhí nhảnh với đồng phục học sinh

Bên cạnh đó, ‘Tháng năm rực rỡ’ cũng sẵn sàng làm người xem sụt sịt bởi những chi tiết chạm tới trái tim. Mỗi lần một thành viên Ngựa Hoang lộ diện với biến cố cuộc đời là một khoảnh khắc nhiều xúc cảm. Kết phim đi theo motif trong bi có hỉ, dù một thành viên không còn nữa thì Ngựa Hoang mãi là Ngựa Hoang, đứng chung trong một căn phòng và cùng nhảy bài nhạc kinh điển của thời tuổi trẻ.

Cảnh phim đẹp nhất của ‘Tháng năm rực rỡ’ là khi nhóm bạn cùng xem lại video lưu bút, nghe lời nhắn gửi của chính mình thời trung học gửi tới tương lai. Đó là khoảnh khắc duy nhất mà hai thế hệ Ngựa Hoang chạm mặt nhau trong phim. Trong khi Ngựa Hoang thời trẻ vui cười rôm rả, thì Ngựa Hoang tuổi trung niên chỉ lặng lẽ rớt nước mắt. Cảnh phim là sự gợi nhắc ký ức, niềm hối tiếc của các nhân vật, nhưng vô tình cũng đánh thức trong lòng người xem những đồng điệu về một thời tươi trẻ đã qua. 

{keywords}
 

Với sức lan toả mạnh mẽ của ‘Sunny’, nội dung phim của ‘Tháng năm rực rỡ’ không còn xa lạ với nhiều người. Bù lại, lối kể chuyện Việt hoá sinh động đưa người xem đi qua nhiều trải nghiệm bất ngờ. Đặc biệt, “người giấu mặt” Tuyết Anh (lúc nhỏ do Jun Vũ đóng) càng là một dấu hỏi khiến khán giả tò mò và chờ đợi.

Âm nhạc ấn tượng

Giống như trong ‘Sunny’, âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong ‘Tháng năm rực rỡ’. Âm nhạc là sở thích, thú vui, cũng là chất xúc tác gắn kết các nhân vật. Đôi khi, âm nhạc giống như lời tự sự, biểu trưng cho sự nổi loạn đáng yêu của nhóm Ngựa Hoang, hay thay lời tự sự cho trái tim lạc nhịp khi yêu của Hiểu Phương.

Dưới bàn tay dàn dựng của nhạc sĩ Đức Trí, ‘Tháng năm rực rỡ’ được thổi hồn bởi các ca khúc vàng son trước 1975 được biến tấu và cả những bản nhạc hoàn toàn mới, tạo nên dấu ấn về sự giao thoa hai thời đại. Nhạc phim có lẽ được chọn lọc kỹ lưỡng từ lúc viết kịch bản, nên ca từ, giai điệu vô cùng ăn nhập với lời thoại, tình tiết và hình tượng nhân vật.

Ca khúc 'Kim ơi' được làm mới lại qua phần thể hiện của nhóm nữ quái Ngựa Hoang

Hai thế hệ nữ quái tròn vai

Một yếu tố không nhỏ làm nên sức hút của ‘Tháng năm rực rỡ’ chính là dàn nữ quái hai thế hệ. Các diễn viên đều hoá thân vào vai diễn một cách trọn vẹn, lý tưởng, từ tạo hình tới diễn xuất. Hình thể và đài từ được kiểm soát tốt, bộc bạch nhiều cảm xúc mà cũng không ít lần gây cười đầy thú vị.

Bộ đôi Thanh Hằng và Hoàng Oanh tạo được sự đồng nhất cho hình ảnh chị đại trong hai giai đoạn cuộc đời, lột tả khí chất nghĩa hiệp rất ngầu của nhân vật. Khoảnh khắc gặp lại Hồng Ánh ở đầu phim, Thanh Hằng gây bất ngờ với đôi mắt rưng rưng, đôi môi run rẩy và giọng nói nghẹn đặc.

{keywords}
Thanh Hằng và Hoàng Oanh cực ngầu trong vai chị đại

Hai nàng mập Tuyền Béo và Minh Thảo là cây hài chủ đạo với lối diễn duyên dáng và đáng yêu. NSƯT Mỹ Duyên tái xuất màn ảnh với hình tượng hám trai, đồng bóng khác lạ. Hồng Ánh tiếp tục phô diễn tài năng diễn nội tâm, dùng ánh mắt và sự im lặng để khắc hoạ tâm hồn phong phú của nhân vật.

Sở hữu đất diễn khiêm tốn, NSƯT Mỹ Uyên đủ sức tạo dấu ấn với chân dung người đàn bà đẹp mà chịu nhiều cay đắng. Vẻ mặt đau khổ, cách cầm điếu thuốc, uống rượu được chị xử lý rất đời, rất tinh tế. 

{keywords}
Nhóm Ngựa Hoang khi trưởng thành

Còn với nữ chính Hoàng Yến Chibi, ở đầu phim cô có phần gượng gạo, nhất là trong cảnh Hiểu Phương sợ run người và giả vờ bị vong nhập. Song càng về sau, nữ ca sĩ càng khẳng định được bước tiến bộ rõ rệt so với thời ‘Cô gái đến từ hôm qua’. Màn chửi liên hoàn vần điệu được cô xử lý rất ngọt, làm khán giả cười ra nước mắt.

{keywords}
Hoàng Yến Chibi trong veo và dễ thương

Tuy nhiên, ấn tượng lớn nhất trong phim lại thuộc về tuyến vai phụ Kiều Chinh do Thanh Tú đảm nhận. Mái tóc bết rối bù, vẻ mặt phê thuốc, ánh mắt trợn trừng và cử chỉ không bình thường cùng lúc được cô diễn viên trẻ đưa ra một cách mềm mại, khắc hoạ đúng bản chất cô nữ sinh nghiện ngập và tâm lý bất ổn.

Được bao phủ bởi những tiếng cười và nhiều cảm xúc lắng đọng, ‘Tháng năm rực rỡ’ đưa người xem ngược dòng thời gian về thời thanh xuân rực rỡ đã xa xôi. Bộ phim tôn trọng nguyên tác song chứa đựng nhiều màu sắc riêng, là một ấn phẩm remake tròn trịa của màn ảnh Việt.

Phim chính thức ra rạp từ 9/3.

Phong Kiều