Cái tâ cuốn sách mới “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” của tác giả Hoà Bình đã gợi lên nhiều liên tưởng, có vẻ không dễ hiểu, nhưng thực ra, khi độc giả đã bắt đầu mở cuốn sách thì sẽ khó bỏ xuống khi cả 12 câu chuyện đều kỳ ảo, hấp dẫn, thu hút.


“Bản nhạc” bốn mùa

Trong cuốn sách, 12 câu chuyện được chia thành bốn mùa Xuân - hạ - thu - đông rất rõ nét với “Bộ mặt bên trong bộ mặt”, “Rơi vào xoáy nước” và “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” thuộc bộ Mùa Xuân, ghi lại dấu ấn đầy lãng mạn, trẻ trung của tuổi thanh xuân với trái tim yêu đương cuồng nhiệt.

{keywords}

Bộ Mùa Hạ đầy khắc khoải, hoài nghi, ám ảnh với từng khoảnh khắc sống – trăn trở được lột tả trong “Chuyện tình bên bờ vô cực”, “Người đi đâu” và “Đi về phía vô cùng”. Mùa Thu lãng mạn tới mức nghẹt thở hiện lên quyến rũ trong từng khoảnh khắc của “Đứt kết nối”, “Bệnh nhục” và “Bức tử hiện tại”. Truyện kể về tình yêu đặc biệt của cô gái trẻ bị ám ảnh bởi những nụ hôn thơm mùi nhựa thông cùng những nốt nhạc chảy ra từ cây vĩ cầm bí ẩn của thượng đế, chàng trai thanh xuân không thể chối từ giai điệu của con tim, như những nốt nhạc phải ở trong tổng phổ của một nhạc trưởng tài ba.

Mùa đông đẹp một cách khắc nghiệt với cái giá lạnh không chỉ của mùa mà còn là những tê tái trong sâu thẳm cõi lòng cô gái trẻ “Một nơi nào đó trong trái tim”, sự xót xa với “Vòng ôm hoàn hảo của người mua nỗi buồn” và sự tuyệt vọng đến cùng tận không lối thoát trong “Tuyết Liên Hoa”. Nhưng ngay cả khi ở giữa nỗi buồn quá lớn đó, nếu bản chất cốt lõi là tình yêu, nếu Con – Người được bao bọc bởi yêu thương, phát ra yêu thương, cho đi yêu thương, thì vô vọng sẽ bung nở thành một đoá hoa vô thường cứu rỗi sự sống.

“Tập truyện có nhiều yếu tố sinh tử, nhiều lằn ranh mà mỗi một cuộc đời chúng ta ai cũng có lần đối mặt, có người sẽ bước hẳn qua bên kia cánh cổng, về phía thần tiên, nhưng cũng không ít người quay trở lại để tiếp tục bước trên những trang sách cuộc đời. Hành trang mà mỗi cá thể muốn mang theo trên chuyến hành trình, kể cả qua bên kia cánh cổng hay bước trở lại đời thực, dám chắc chắn không phải bạc tiền, địa vị hay danh vọng, mà là tình yêu” – Tác giả Hoà Bình nói.

{keywords}

Như cách chúng ta nhảy dù

Truyện ngắn Đi về phía vô cùng, như nhà văn đồng nghiệp Trần Nhã Thụy nhận xét, thì: “Nhân vật hiện lên thật cô đơn, nhưng cũng thật đẹp”, bởi: “Bất hạnh và hạnh phúc đều nằm trong những bước sải chân. Đó là những bước chân Đi về phía vô cùng… Đó là một truyện mà tôi rất thích của Hòa Bình. Tôi thích, không phải vì cũng là đàn ông và chia sẻ “căn bệnh thời đại” này. Tôi thích bởi cách chọn điểm rơi của nhà văn. Và, khi đọc hết tập bản thảo này, tôi thấy đây là tập truyện của những điểm rơi. Những tình tiết, sự kiện, nhân vật… dường như được giản lược đến hết cỡ, chỉ chọn và chờ những điểm rơi để bung ra, thả xuống”.

Mở rộng cái nhìn tới toàn bộ tập truyện, nhà văn Trần Nhã Thụy cho rằng, tập truyện đã khiến độc giả phiêu linh: “Như cách người ta chơi nhảy dù. Như cách mà người ta dự phần vào những trò mạo hiểm… Tác giả đã túm được chúng ta rồi ném bay đi cùng nhân vật. Khi rơi, chúng ta sống với những cảm giác thật nhất của mình. Khi rơi, chúng ta biết chọn những mẫu sống đúng nhất với mình. Khi rơi, chúng ta có thể câm lặng hoặc la hét nhưng không phán xét…”

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan cho rằng: “Thiên nhiên, với tính cách là bối cảnh tự nhiên đồng thời là cái phần bản năng sống, sức sống bên trong thôi thúc con người – cái thiên nhiên như thế luôn luôn ở vào chỗ của các bè đối âm (counterpoint) đối với những quan hệ “nhân tạo” mang tính cơ cấu của cõi người kiểu như quan hệ lợi ích, quan hệ “sếp” với “nhân viên”, “giàu” với “nghèo”, “cổ cồn” với “chân dài” … Nhưng, tinh tế như chính cuộc đời, các đối vị đó xoắn xuýt bện vào nhau đan vào nhau hành tiến; và nhà văn nghe thấy ở đó rất nhiều những hòa âm gắt gỏng, cho dù người viết hướng cho chúng một khuynh hướng khác, pha vào màu sắc triết luận Phật đạo êm thấm và hướng thiện”.

{keywords}

“Cuộc chơi” nghệ thuật và cảm xúc

Nhà văn Lê Anh Hoài nhận xét: “Truyện ngắn “Tuyết Liên Hoa” của Hoà Bình có thể đọc theo nhịp điệu của âm nhạc? Và biểu cảm theo cách mà một chương trong một bản concerto cần có? Có lẽ không nên hiểu máy móc theo nghĩa đen. Ở đây, thực ra Hoà Bình chỉ đưa ra một chỉ dẫn có tính gợi ý, nhưng đây là một gợi ý quan trọng bởi nó biến quá trình đọc thành một trò chơi nghệ thuật thú vị. Ở trong tác phẩm này, yếu tố trữ tình hoà trộn làm một với sự phi lý của đời sống, mất mát, nỗi đau, tình yêu và sự tiếc nuối…”

Bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc NXB Phụ Nữ cho biết: “Tôi rất thích các truyện ngắn của Hoà Bình nói chung và “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” nói riêng. Truyện của chị có chiều sâu chiêm nghiệm, với bút pháp vững vàng, rõ nét, chuyển từ những chất liệu đời sống vào tác phẩm một cách nhuần nhuyễn. Các tập truyện trước đây của Hoà Bình nhiều hiện thực hơn còn “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” nhiều huyền ảo hơn. Tôi gọi vui rằng đây là một “cuộc chơi” của tác giả, đã mang lại dấu ấn rất riêng của Hoà Bình. Tôi rất cảm ơn sự sáng tạo không ngừng nghỉ, sự trăn trở, tìm tòi cách viết của tác giả. Đọc truyện của chị, tôi nhìn thấy luật nhân quả, thấy cõi vô thường và rất nhiều yêu thương”.

“Tôi nghĩ, đối với bạn đọc, cuốn sách này cũng là một “cuộc chơi” thú vị. Giữa bộn bề những âm mưu, quyền lực, bon chen, toan tính, tham vọng, bạc tiền, lo lắng, đau đớn… thì đến với “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” bạn đọc sẽ có được những khoảnh khắc dừng lại sâu lắng, chiêm nghiệm, để nhìn lại đời sống tâm hồn của chính mình. Truyện của Hoà Bình đánh thức những trăn trở nơi mỗi người, về việc chúng ta đã thực sự chăm sóc đến đời sống tinh thần của mình hay chưa hay là chỉ mải miết đuổi theo những mục đích, và nhiều khi, là ảo tưởng?” - Bà Khúc Thị Hoa Phượng nói.

Mai Lan