Huyền Chip chia sẻ, 3 năm trước khi đối mặt với dư luận về cuốn sách "Xách balô lên và đi", cô đã tỏ ra bướng bỉnh và hiếu thắng. Nếu được quay trở lại thời gian đó, cô sẽ nghĩ khác.

"Xách balô lên và đi" - cuốn sách ra mắt cách đây 3 năm là những dòng nhật ký của cô gái trẻ, người đã đặt chân đến 25 nước trên thế giới với số tiền ban đầu chỉ có 700 USD. Trên đường đi, Huyền Chip tự kiếm việc làm thêm để có tiền sinh hoạt và mua vé máy bay đi tiếp đã khiến cộng đồng mạng nghi ngờ. Nhiều 'gạch đá' dành cho Huyền Chip nhưng bẵng đi 3 năm, Huyền Chip trở lại chia sẻ về "Giấc mơ Mỹ" khiến nhiều người khá bất ngờ. Chip đã có những chia sẻ rất thật về cuộc sống ở trời Tây với áp lực học hành và những trải nghiệm đáng quý.

Chào Huyền Chip, sau 3 năm vắng bóng, cuộc sống của Chip ở trời Tây có gì đáng kể?

- Hiện tại mình đang sống ở Mỹ, mình học ở trường Đại học Stanford. Thời tiết ở đây rất tuyệt vời, nó được coi là một trong những thành phố có thời tiết đẹp nhất thế giới với một năm có 300 ngày nắng.

Mình đang học chương trình đại học và thạc sĩ cùng một lúc, tức là mình có thể tốt nghiệp đại học và thạc sĩ trong vòng 4 năm. Mình đang học ngành trí tuệ nhân tạo, một ngành học khá thú vị. 3 năm, tất cả với mình chỉ có vậy.

{keywords}
Huyền Chip trong buổi ra mắt sách

3 năm trước, cái tên Huyền Chip là hiện tượng tranh cãi toàn mạng xã hội. Được xuất hiện nhiều trên mạng và truyền thông đến vậy, nói về thời gian đó, vượt qua dư luận với bạn, dùng từ 'khó khăn' có đủ? Bạn vượt qua nó như thế nào?

- Thật ra thì đó là một khoảng thời gian rất rất khó khăn với mình, nhưng khó khăn hơn cả là cho gia đình mình, cho những người thân xung quanh mình. Bạn tưởng tượng một ngày con mình "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" bỗng nhiên bị lên mạng xã hội, nhận những ngôn từ thậm tệ từ những người hoàn toàn xa lạ... Mẹ mình đi chợ thì bị xì xào bàn tán, em trai học cấp 2 của mình cũng bị bạn bè trêu chọc. Khi mình thấy mọi người bị như thế mình thấy rất buồn. Mình nghĩ là nhiều người sẽ nghĩ là mình đáng bị như thế, nhưng mà những người như bố mẹ mình, em trai mình, ông bà mình có đáng bị như thế không?

Mọi người hỏi mình đã vượt qua giai đoạn đấy như thế nào, thì theo mình đó không phải là một cái gì đấy để vượt qua, mà chỉ là cuộc sống cần tiếp diễn mà thôi. Khi mình tập trung làm việc của mình thì chuyện đó một ngày nào đấy sẽ trở thành quá khứ.

Thời gian đó, Huyền Chip tỏ ra là cô gái khá bướng bỉnh và bất cần. Với suy nghĩ của một cô gái đã có thêm 3 năm trải nghiệm nữa, bạn sẽ xử lý tình huống như 3 năm về trước như thế nào?

- Mình rất sợ những câu hỏi "Nếu như quay ngược trở lại mình sẽ làm gì?" Bởi vì đó là những điều sẽ không thể xảy ra. Mình nhận thấy rằng những chuyện như thế chỉ ra rất nhiều điểm sai cho mình, mình rất trẻ con, hiếu thắng và ngang bướng.

Ví dụ như là hồi đấy mọi người có hỏi nếu đi nhiều nước trên thế giới như vậy, thì mình nên cho xem visa hộ chiếu. Thật ra mình không có ngại cho mọi người xem, nhưng mà hồi đấy mình rất trẻ con, mình nghĩ là "Tại sao mọi người lại có quyền nghi ngờ mình?" Nhưng mà gần đây mình thấy mình đã trưởng thành hơn 1 chút xíu. Cách đây vài ngày, mình có trả lời phỏng vấn việc mình đi học Stanford, mình đi làm trợ giảng... 

Khi phỏng vấn xong rồi chị phóng viên có hỏi là em có văn bằng xác thực chính xác việc này không cho chị xem. Mình giật mình nghĩ: "Ồ, không tin em sao mà chị cần xem những bằng chứng?". Nếu như là 3 năm trước, mình sẽ huỷ luôn phần trả lời, không đăng báo gì hết. Nhưng thời điểm này, mình lại nghĩ rằng, đó là trách nhiệm của báo chí. Nếu mà báo chí nào cũng làm đúng trách nhiệm của họ thì Việt Nam cũng bớt thị phi hơn rất nhiều. Mình rất trân trọng ý kiến của chị ấy và rất sẵn lòng đưa cho xem những bằng chứng như thế.

Kể ra, 3 năm trước mình cũng hợp tác như vậy thì đâu có nên chuyện (cười).

{keywords}

Học ở Stanford là một cuộc chạy trốn của Chip với dư luận hay một sự 'trả thù' dư luận và chứng tỏ bản thân? 3 năm quay về nước để ra mắt sách "Giấc mơ Mỹ - đường đến Stanford" nó có giống như sự 'trả thù ngọt ngào' dành cho dư luận?

- Những ai nghĩ rằng mình đến Stanford chỉ là chạy trốn dư luận, thể hiện mình... thì đúng là chưa hiểu về mình rồi. Đơn giản chỉ là mình muốn đi học. Phải đến lần thứ 2 mình nộp đơn thì trường mới nhận mình. Đây là ước mơ từ trước của mình.

Còn việc ra mắt sách thì đó là thói quen hay ghi chép của mình. Bất cứ điều gì mình thấy hay mình đều ghi vào nhật ký. Ở trong nước, mình bị 'nổi tiếng' vì đi nhiều nước mà chả tốn mấy đồng như vậy chứ sang Stanford thấy mình chẳng là gì so với các bạn của mình. Ra mắt sách là niềm vui của mình, vui vì được ngồi đây, được nghe các bạn hỏi những điều mới mẻ mình thu lượm được khi ra khỏi biên giới Việt Nam và vui vì các bạn lắng nghe mình. Chỉ có thế thôi mà.

Trong cuốn sách, bạn có chia sẻ về việc sinh viên ở Stanford bị khủng hoảng về thời gian, chỉ có học học và học. Thế mà tôi vẫn thấy bạn dành khá nhiều trang để nói về chuyện yêu?

- Kỹ năng quản lý thời gian của sinh viên Stanford vô cùng quan trọng và họ luôn tôn trọng khoảng thời gian của ai đó. Không tự nhiên một người nào đó cầm máy điện thoại bấm trực tiếp cho người kia để hỏi, để tán ngẫu. Bao giờ họ cũng phải làm động tác là nhắn tin hỏi xem, thời điểm này bạn có thời gian nói chuyện với tôi về vấn đề này không? nếu đồng ý thì gọi lại cho tôi.

Chứ không như ở Việt Nam, cứ cần là gọi bất chấp việc phía đầu bên kia có đang làm gì. Trung bình mức độ học của các bạn 60 -80 tiếng/tuần. Giao lưu bạn bè, cà phê, tán ngẫu ở Stanford rất là xa xỉ. Chính vì thế đôi lúc mình cảm thấy khủng khoảng kinh khủng. Ai ở Stanford cũng phải tự trải qua khủng hoảng của mình một mình. Sinh viên Standford được ví như những con vịt bơi trên mặt hồ. Phía trên mình có thể nhìn thấy những con vịt bơi thư thái như vậy nhưng phía dưới là những cái chân đang điên cuồng quẫy đạp.

Chính vì thế mà phòng tâm lý ở trường luôn luôn kín lịch. Mình muốn hẹn bác sĩ tâm lý thì cũng phải chờ ít nhất 2 tuần mới đến lượt. Và 2 tuần đó, mình phải tự tìm hướng để vượt qua khủng hoảng. Có rất nhiều sinh viên đã tự tử vì áp lực học tập.

Yêu thích một ai đó cũng làm cho cuộc sống bớt căng thẳng. Ở Stanford không yêu cũng khó bởi gặp ai, mình cũng vô cùng ngưỡng mộ họ. Toàn những người tài năng như thế, có yêu mến cũng dễ hiểu thôi mà. Và mình có bị anh chàng hơn mình nhiều thứ "đá" cũng bình thường thôi (cười). Mà thôi, mình chẳng chia sẻ nhiều chuyện tình cảm, các bạn đọc sách của mình đi.

Vậy "Sau giấc mơ Mỹ - đường đến Stanford", Huyền Chip có ý định viết thêm sách gì nữa không?

- Mình muốn viết sách về văn hoá. Mình đã có 2 năm phỏng vấn những khách du lịch ở Việt Nam và mình nghĩ mình cần phải viết một cuốn sách về văn hoá người Việt. Chỉ riêng việc chấm chung một món mắm ở Việt Nam thôi cũng là điều kinh khủng với nước ngoài, rồi những món ăn bị cho là đáng sợ đối với khách Tây thì với Việt Nam, nó thật tuyệt chẳng hạn... Mình muốn viết một cuốn sách giải thích tất cả những điều như thế về văn hoá Việt Nam.

Cảm ơn Huyền Chip về những chia sẻ!

T.Lê (ghi)