Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.


Sau 2 ngày họp và thống nhất, ngày 9/8, tại Hà Nội, Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ XII (2015 – 2020) đã chính thức bế mạc với việc ra mắt Ban chấp hành (BCH) nhiệm kỳ mới. Theo đó, với số 100% số phiếu đồng ý, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.

{keywords}
Nhà văn Thu Huệ

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến được bầu làm Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Các nhà văn, nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Y Ban, Nguyễn Việt Chiến, Hữu Việt, Trần Quang Quý, Trần Gia Thái là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên, nhà văn Thu Huệ cho hay: "Tôi là người ngoài viết văn, còn là dân làm phim. Trong khi môi trường làm phim rất sinh động là vừa ăn vừa đi, vừa làm… không có giờ giấc, thâu đêm suốt sáng thì viết văn lại cần sự tĩnh lặng. Khi tôi được các Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội bầu, tôi rất cảm ơn mọi người đã tin tưởng mình. Nhưng càng nhiều người đặt niềm tin thì bản thân tôi thấy trách nhiệm của mình càng lớn. Chính vì vậy, ngay trong lúc này bản thân tôi sẽ phải bắt đầu nghĩ tới các đầu việc để cùng BCH triển khai.

BCH có 8 người nữ có, nam có, nhưng rất tiếc thiếu lý luận phê bình. Nếu sau được bổ sung sẽ bổ sung lý luận phê bình. Từ đó, BCH sẽ phát huy dân chủ là cao nhất đặc biệt phải tôn trọng sự khác biệt. Bởi với nhà văn nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung thì sự khác biệt là làm nên tác phẩm lớn. Khi tôn trọng sự khác biệt, việc phân công trong BCH sẽ phân quyền, từng ủy viên hay phó chủ tịch sẽ đảm trách phần việc của mọi người", nhà văn Thu Huệ chia sẻ.

Nhà văn Thu Huệ cũng cho rằng, lâu nay Hội nhà văn thiếu vắng cây bút trẻ, việc đầu tiên nhậm chức của bà sẽ chú trọng việc này. Theo bà, điều đầu tiên, BCH khóa mới phải có trách nhiệm tìm đến các nhà văn trẻ và mời họ tham gia vào Hội. Bởi chính các nhà văn trẻ đang có lợi thế khi họ có được các sáng tác mới mẻ, có cách nhìn nhận, đi tiếp những hướng đi mới. Họ không đơn thuần chỉ sáng tác theo cách truyền thống truyền thống mà hiện nay nhiều khi là ảnh, là facebook hoặc tản văn… của họ đang đến gần với xã hội và công chúng. Chúng ta phải có trách nhiệm mời họ đến chứ không thể đợi họ xin vào Hội. Thậm chí, không thể yêu cầu nhà văn viết đơn xin giới thiệu để xin vào Hội. Muốn trẻ hóa chính BCH phải chủ động mời họ vào. 

T.Lê