Hai họa sĩ Hà Nội cùng thực hiện cuốn sách tranh “Thương nhớ thời bao cấp”, tái hiện lại một cách sống động về một thời đã qua.

Họa sĩ Thành Phong nổi tiếng với cuốn sách tranh thành ngữ mới Phê như con tê tê. 5 năm sau cuốn sách gây chấn động làng xuất bản, Thành Phong cùng họa sĩ Còm cùng thực hiện cuốn sách tranh - thành ngữ về một chủ đề được nhiều người quan tâm: thời bao cấp.

{keywords}
 Hình ảnh về bà Ba béo được Thành Phong vẽ từ nội dung bài đồng dao quen thuộc.


Cuốn Thương nhớ thời bao cấp là tập hợp những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè tới những biển hiệu bán hàng, khúc đồng dao… quen thuộc trong thời kỳ bao cấp. Từ những thành ngữ, tục ngữ đó, họa sĩ Thành Phong và họa sĩ Còm (Hữu Khoa) vẽ lại những minh họa sống động, hóm hỉnh.

Cuốn sách như một chuyến viễn du đưa độc giả trở lại thời bao cấp cuối thế kỷ 20. Ở thời kỳ ấy, tư duy phân phối bao cấp ăn sâu vào từng ngõ ngách nhỏ của đời sống người dân miền Bắc.

Hiển hiện trong những câu thành ngữ, tục ngữ tranh vẽ là một thời kỳ đầy khó khăn, với những nỗi lo lắng nhọc nhằn, sự thiếu thốn nhu yếu phẩm căn bản như cái khăn mặt, túi cá khô, một cuốn sổ gạo hay cục gạch xếp hàng. Nhưng xem tranh hai họa sĩ, vẫn thấy vượt hẳn lên cái nhìn lạc quan, điềm tĩnh, cùng thái độ phản biện hài hước, vui tươi.

{keywords}
 Một hình ảnh trong sách.


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nói ông tin cả những người đã trải qua thời bao cấp lẫn thế hệ sinh sau Đổi mới khi đọc những sáng tác này sẽ không tìm đến cuốn sách chỉ để giải trí.

Theo ông, bạn đọc có thể “ôn cố tri tân, ôn cũ hiểu mới”. Bởi thời bao cấp tuy đã lùi xa từ hơn 30 năm trước, nhưng nhiều hiện tượng, mà các sáng tác dân gian trong tập sách này ghi lại vẫn còn “thò bộ rễ thâm căn cố đế của nó sang làm phiền chúng ta trong cuộc sống hiện tại”.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận xét: “Cuốn sách một lần nữa cho tôi sống lại, đến mức nôn nao, cái thời bao cấp lạ lùng ấy. Tôi nói lạ lùng bởi đến giờ phút này, thật khó phân định hay phán quyết rằng nó dở tệ, nó tai hại, hay nó cho tôi được một quãng êm đềm, thanh thản. Cái gì qua thì đã qua, và thời gian luôn làm người ta bao dung hơn. Tôi nghĩ, dù sao thì những tình thế như thời bao cấp đã làm phát lộ phẩm chất hóm hỉnh, láu cá của dân ta. Thời bao cấp, trong ký ức riêng tôi, đại đa số mọi người còn sạch về phẩm giá. Thương nhớ nó để thấy rằng, về căn bản, mọi sự bây giờ đã khác, rất khác".

Theo Zing