- Gần đây, chuyện chuyển các trường đại học ra ngoài  trung tâm thành phố Hà Nội rất được quan tâm. Có dư luận cho rằng, các trường sẽ phải đi nhưng đi đâu thì chưa rõ.

TIN BÀI KHÁC
Đại học dời đô, lơ mơ điểm đến
Sẽ xây dựng khu ĐH tập trung theo 'ba chung'?

Giảng viên mất 100 năm mới mua được ô tô

Trường phải di dời, sinh viên buồn vui lẫn lộn

Chưa chốt danh sách trường ĐH rời nội thành

Trường ra ngoại thành, đất vàng dành ai?


Hiện trạng và sơ đồ định hướng các TT đại học – báo cáo QH 2030 (lần 4).
Theo tài liệu của Bộ Xây dựng (trong thuyết minh quy hoạch chung  Hà Nội 2030 - 2050, bản báo cáo lần 3) , Hà Nội sẽ có 8 khu đại học tập trung cho các trường ĐH khu vực nội thành dời đến.

Tổng diện tích 4.600 ha đáp ứng quy mô 0,75 triệu sinh viên , bình quân 50-60m2/sinh viên. So với hiện tại là gấp 10 lần (ĐH Bách khoa Hà Nội: 4,9m2 /sv) , thậm chí gấp 100 lần ( ĐH Lao động - Xã hội 0,65m2/ sv).
    
Về phía Hà Nội , Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho biết vùng di chuyển 12 trường ĐH, CĐ và 11 trường dự kiến cải tạo.

Sở cũng thông báo về tiêu chí xét di dời như ở vị trí có tuyến giao thông quan trọng chạy qua, khu vực sản xuất ô nhiễm, nằm ở các vị trí phát triển chiến lược của đô thị, cần chuyển đổi.

Sở còn cho biết quy mô đất đai, quan tâm đến lịch sử phát triển, ngành nghề lĩnh vực đào tạo...

Sở dự tính, với việc di dời các trường, sẽ giảm số lượng sinh viên ở nội thành xuống còn 200 nghìn người.

Nếu đúng như vậy thì  kế hoạch  đã khá cụ thể  từ cơ quan lập quy hoạch chung đến cơ quan triển khai chi tiết,  viễn cảnh không gian mới của  các trường ĐH CĐ  ra ngoài thành phố đẹp như bức tranh quy hoạch.

Băn khoăn từ sự kiện lớn

Về phía các trường, băn khoăn lớn nhất là thủ tục làm sao để sớm có được ngôi trường mơ ước.

Xây dựng trường mới  quy mô từ vài chục đến hàng trăm ha đất, hàng chục vạn mét vuông sàn xây dựng, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng là con số quá lớn đối với các nhà quản lý trường đại học vốn chỉ quen với giáo án giảng đường.

Thủ tục giới thiệu địa điểm, thỏa thuận quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, thiết kế thi công….ngay cả giới chuyên đầu tư xây dựng cũng rất e ngại.

Đã từng biết có cả bộ máy chuẩn bị xây trường đại học trên Hòa Lạc phải giải thể sau cả chục năm loay hoay tiến thoái lưỡng nan.

Nay đồng loạt 12 trường ra quân, có lẽ sự kiện này còn nhộn nhịp hơn cơn bão  2007, khi  hàng trăm nhà đầu tư  bất động sản đua nhau về phía Tây làm dự án.

Câu hỏi nhỏ hơn là các trường ra ngoài thì đất trường cũ trong nội thành dùng để làm gì, vì dẫn lời ông Lê Văn Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội: "đại học ra, chung cư vào Hà Nội sẽ thành đống rác?".

Vậy nếu không làm chung cư kinh doanh bất động sản thì kinh phí đâu để xây trường mới và có giải pháp chuyển đổi nào tối ưu cho các trường di dời đều là đại học công lập?

Và nếu thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài, các tổ chức tài chính quay lưng với các đại gia BĐS đang thời kẹt vốn , các nhà đầu tư cò con thận trọng thì thì nguồn lực đâu để xây 12 trường đại học?

Gợi ý lời giải qua một mô hình


Theo dự kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì ĐH Luật Hà Nội, Ngoại thương, Xây dựng, Y Hà Nội (cùng tới khu Hòa Lạc), còn  ĐH Răng Hàm Mặt, Y tế công cộng, Cao đẳng Y tế Hà Nội (cùng tới huyện Phú Xuyên).

Thực tế cho thấy : với 1.200 -1.500 ha, đô thị vệ tinh Hòa Lạc có tiềm năng đáp ứng 120.000 sinh viên (đủ cho SV cả chục trường ĐH).

Hoà Lạc là một địa điểm đã được chuẩn bị đầu tư từ hàng chục năm nay với chi phí hạ tầng lên tới hàng ngàn tỷ đồng, hiện do Bộ Xây dựng trực tiếp chỉ đạo các công tác đầu tư xây dựng.

Hoà Lạc và  IDEON : Trường đại học + trung tâm nghiên cứu + khu sản xuất thực nghiệm và KĐT.
Là đô thị vệ tinh duy nhất có đường cao tốc nối với trung tâm Hà Nội (khánh thành 2010), đang nối tiếp với Hoà Bình để thuận đường Đông/Tây.

Quốc lộ 21 tiện cả  hướng Bắc / Nam. Nơi đây hội đủ điều kiện trở thành đô thị công nghệ cao với dân số 0,75 triệu ( bằng tổng số sinh viên toàn thành phố dự kiến đến 2030).

Nếu là cụm trường kỹ thuật thì học tập  mô hình  Công viên khoa học IDEON –Lund , Thụy Điển (ảnh 4) Trường đại học + trung tâm nghiên cứu + khu sản xuất thực nghiệm và khu đô thị dịch vụ. Nếu là trường thuộc khối Y Dựoc hay công nghệ sinh học thì theo mô hình Biopol-L’H ospitalet – Barcelona , Tây Ban Nha.

Đại học Y -Dược + TT nghiên cứu + Khu điều trị nội trú  + khu s/x dược phẩm và dụng cụ y tế + khu đô thị dịch vụ cho GS, SV và cả ngưòi nhà bệnh nhân.
Tập trung xây dựng nơi sẵn có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi, lại có sự tập trung đầu tư quản lý / tiền bạc/ hạ tầng ... Hoà Lạc là điểm đến khả thi nhất của cả chục trường ĐH, CĐ thay vì rải mành mành manh mún, tốn kém.

Cụm đô thị ĐH nên được xây dựng đồng bộ bằng ngân sách nhà nước, tài sản mới hình thành vẫn thuộc công sản, bàn giao lại cho các trường quản lý sử dụng và thu hồi các diện tích hiện trạng vào quỹ công.

Việc chuyển nhượng đấu giá theo quy trình quản lý công sản, dưới  sự giám sát của toàn xã hội  sẽ tránh được thất thoát.

Diện tích đô thị cũ sẽ được sử dụng vào các mục đích công cộng hay đấu giá căn cứ vào phương án tái cấu trúc không gian đô thị trung tâm …
Cả hai đầu đến và đi gộp lại là cuộc đầu tư trị giá hàng tỷ USD, quy mô hàng trăm hecta đất giá trị trung tâm thành phố, hàng ngàn hecta ngoài thành phố, nếu được thực hiện theo quy trình minh bạch sẽ thu hút nguồn lực đầu tư trong nước lẫn ngoài nước.

Ngược lại, nếu chỉ để vài cá nhân, đơn vị thực hiện theo cơ chế xin cho thì khả năng huy động đầu tư hạn chế, nguy cơ chậm trễ,  lãng phí vô cùng lớn.

Việc lớn vượt quá khả năng của vài đơn vị như sở, ngành nên cần cơ hội sáng tạo và giám sát của toàn  xã hội.

Việc làm đầu tiên và tối thiểu là thông tin cần được minh bạch hoá và cập nhật tiến độ hàng ngày.

KTS Trần Huy Ánh

Ghi chú :
Ảnh minh hoạ tại triển lãm QH , sau báo cáo lần 4 . Ví dụ các trung tâm đô thị công nghệ -trích nghiên cứu của TS-KTS Sascha Haselmayer (AA Graduate School- Anh )- Hanodata ST&BT.