- Trao đổi với VietNamNet ngày 15/2 hầu hết các trường ĐH ở Hà Nội trong danh sách phải di dời ra ngoại thành đều xác định "nhà nước bảo đi thì đi", nhưng đi tới đâu thì chưa trường nào có câu trả lời.

Hà Nội dời 12 trường ĐH, CĐ ra ngoại thành
Hà Nội: 7.000 USD cho một chỗ ngồi học

Mỗi sinh viên sẽ có 75m2 trong đô thị đại học


Thí sinh thi vào Trường ĐH Ngoại thương. Đây là một trong 12 trường trong diện sẽ phải di dời.
Chưa biết về đâu

Quyết định di dời một số trường ĐH trong nội thành Hà Nội ra ngoại thành đã có chỉ đạo của Chính phủ.

8 khu "đại học tập trung" mới được các nhà hoạch định chính sách phác thảo trên giấy vì các trường ĐH, CĐ có tên trong danh sách phải di dời chưa biết mình đi...về đâu.

Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội Lê Văn Thanh chia sẻ, khi biết có tên trong danh sách 12 trường ĐH, CĐ phải di dời ra ngoại thành, tập thể cán bộ giáo viên cũng như sinh viên của trường "đều rất phấn khởi. Bởi, mong ước có môi trường dạy và học tập trung với các điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, không phải đi thuê mướn là mong ước của nhà trường 18 năm nay".

Tuy nhiên, ông Thanh nói, đến nay, vẫn chưa biết điểm đến của trường ở đâu và được cấp bao nhiêu đất. Do đó, nhà trường muốn sớm kết nối được với các bộ ngành chức năng để biết điểm trường dời đến nhằm chuẩn bị cho thiết kế quy hoạch.

"Và Viện chỉ có thể đăng ký thời điểm di dời với Bộ GD-ĐT khi bắt chắc chắn được phân đất ở địa điểm nào. Việc di dời chỉ có thể thực hiện được khi đã xây dựng được cơ sở hạ tầng ở vùng đất mới. Nếu được chọn điểm đến, chúng tôi hy vọng được về khu ĐH ở Sóc Sơn" - ông Thanh cho biết.

Cùng có tên trong danh sách, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Răng - Hàm - Mặt Trương Mạnh Dũng đồng thuận với chủ trương "di dời" của Chính phủ. Nhưng việc đăng ký thời điểm di dời thì nhà trường còn đang bàn. Vì điểm trường lựa chọn thì không nằm trong quy hoạch, còn những điểm Bộ GD-ĐT chỉ định phải đến thì rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Do vậy, việc "đi về đâu", đến nay, nhà trường chưa xác định được - ông Dũng nói.

Đây cũng là câu trả lời của các trường: ĐH Văn hóa, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ĐH Xây dựng, CĐ Y tế Hà Nội...

Lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp cho hay, hiện Ban Giám hiệu đang họp bàn để có tờ trình các cơ quan chức năng, trong đó xác định: điểm đến của trường ở đâu và thời gian nào sẽ chuyển sinh viên tới?

Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Cần cho biết, sau khi Bộ Xây dựng trình Chính phủ dự thảo quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ vùng Thủ đô Hà Nội và TP.HCM; Bộ GD-ĐT làm rõ về nguyên tắc, các tiêu chí và lộ trình thực hiện việc di dời các trường thì khoảng tháng 3, Bộ sẽ xuống các trường lấy ý kiến cho các phương án để chọn phương án tối ưu nhất để việc di dời được hiệu quả.

Trường mong đất sạch

Vẫn theo ông Trương Mạnh Dũng, các trường trong danh sách phải di dời ra ngoại thành đều là trường công của nhà nước.

Do đó, để di dời một trường từ điểm A đến điểm B, Nhà nước phải lo xây dựng cơ sở vật chất rồi bàn giao cho trường. Bởi nhiệm vụ của nhà giáo là đào tạo và giảng dạy, không có chuyên môn "giải phóng mặt bằng" nên giao việc này cho trường là không thực tế.

Ông Dũng đề xuất, thay vì giao nhiệm vụ "giải phóng mặt bằng" cho trường, Nhà nước nên giao cho Bộ Xây dựng giải quyết vấn đề đất sạch, sau đó giao cho trường.

Còn nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho rằng, chủ trương di dời các trường ĐH ra ngoại thành là đúng.

"Tuy nhiên, ngoài vấn đề phải có kinh phí để xây dựng, cần tính đến nhiều yếu tố khác như: điều kiện di dời là bao nhiêu km thì tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại; hoặc một khu đô thị ĐH tối đa là bao nhiêu trường, bao nhiêu sinh viên... Mặt khác, giảng viên giỏi chưa chắc đã theo trường di dời đến địa điểm mới nếu không có điều kiện thu hút", ông Hùng phân tích.

Trong khi nhiều trường lo lắng phải di dời đến địa điểm quá xa sẽ không kéo được đội ngũ giáo viên giỏi thì Viện trưởng Viện ĐH mở Hà Nội Lê Văn Thanh cho rằng, "đây không phải là vấn đề". Điều mong nhất là được giao đất sạch. Còn chuyện di chuyển hàng ngày của giáo viên, nhà trường sẽ bố trí một đội ngũ xe đưa đón cán bộ công nhân viên đi về trong ngày.

Vì đã 3 lần nhận đất rồi lại ngậm ngùi trả lại nên ông Thanh tin tưởng, lần di dời này sẽ thành hiện thực.

Ngoài việc chuẩn bị tư tưởng, trường đã có sẵn một số kênh sẵn sàng đầu tư để trường quy hoạch và xây dựng trên "vùng đất mới".

"Đây là lần thứ 4 sau 18 năm thành lập, Viện được giao đất nên tin tưởng việc di dời đến địa điểm mới sẽ là tương lai không xa" - ông Thanh hy vọng.

Đồng thời, địa điểm cũ với diện tích 1.620m2, trường muốn được giữ lại để duy trì loại hình đào tạo từ xa (chiếm gần 2/3 chỉ tiêu). Nếu di chuyển sẽ mất khoảng 100 tỷ đồng tiền đầu tư công nghệ cho các studio ghi hình, sản xuất các băng hình, băng tiếng...phục vụ đào tạo từ xa.

Vấn đề các trường ĐH di dời ra ngoại thành thì cơ sở cũ được dùng vào mục đích gì đang là băn khoăn của số đông các nhà quản lý các trường ĐH.

Viện ĐH Mở từng 3 lần nhận đất hụt
Lần thứ nhất, vào năm 1995, trường được giao đất ở Cổ Nhuế. Nhưng không có tiền trả cho xây dựng hạ tầng địa phương nên khi quá hạn, đất được chuyển đổi mục đích.
Năm 2000, Viện được giao 7ha ở Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình. Lần 2 này thì Hà Nội thay đổi lại quy hoạch, không cho xây  ở đó (mà xây dựng Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình hiện nay) nên trường lại phải chờ.
Sau đó, trường được tham gia dự án cùng 7 trường ĐH khác có tên trong khu đô thị ĐH Tây Nam (300 ha) ở Hà Tây.
Dự án cũng phá sản khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội
.

  • Kiều Oanh