Một trường ĐH vừa mới được thành lập tại thành phố San Francisco, Mỹ. Tại sao sự kiện này lại thu hút được nhiều sự chú ý đến vậy? Bởi đây là ngôi trường khá “độc”: Không chương trình giảng dạy chính thức, không có những khóa học chuẩn, không điểm số, và không phải trả lương cho cán bộ giảng viên.

TIN BÀI KHÁC



John Smalley đang đứng lớp trong một buổi học miễn phí.

Tuy “thiếu” đủ đường như vậy, nhưng trong bối cảnh giá cả leo thang hiện nay, trường ĐH miễn phí của San Francisco (nằm ở tầng hầm tòa nhà Viracocha- một cửa hàng lớn ở quận Mission) lại có một sức hấp hẫn khó mà cưỡng nổi: Không phải đóng học phí.

Ý tưởng về mô hình trường ĐH này là của Alan Kaufman- nhà thơ và cũng là trợ giáo cũ tại trường Học viện Nghệ thuật San Francisco.

Theo ông, ngôi trường mang phong cách “rất San Francisco” này sẽ như một lời thách thức với nền giáo dục thương mại hiện tại.

Ông nói: “Chúng tôi không cần bốn bức tường lớp học, cũng không cần bảng để truyền giảng kiến thức. Trường ĐH này, đúng như cái tên và lý tưởng thành lập của nó, sẽ hoàn toàn miễn phí không chỉ học phí mà còn miễn phí bất kỳ hoạt động quản lý nào, thoát ra khỏi những ràng buộc thường thấy”.

Trường khai giảng vào 5/2 vừa qua, và đã có một vài bài giảng vào cuối tuần.

Nó được quảng bá như “một cuộc hội thảo”- nơi những cá nhân uy tín của địa phương như Diane di Prima (nhà thơ nổi tiếng của trào lưu Beat) và Matt Gonzalez (ứng cử viên chức thị trưởng thành phố San Francisco trước đây) đến truyền giảng về rất nhiều những chủ đề khác nhau.

Những lớp học mang tên “Xóa bỏ mâu thuẫn về quyền cá nhân trong tập thể nhằm mang lại nền dân chủ thực sự”, hay “Phục hồi những vùng đất hoang vùng đô thị San Francisco” đã thu hút được hàng trăm sinh viên tham dự.

Vào 6/3, trường sẽ bắt đầu 7 lớp học mới trong năm tuần. Sau đó, theo lời ông Kaufman, sinh viên sẽ có thể tham gia các khóa học năm tuần hoặc mười tuần. Dự kiến, “lớp học-hội thảo” tiếp theo sẽ diễn ra trong tháng sáu tới.

Trường gồm có 50 cá nhân có vai trò trong quá trình đưa ra các quyết định lớn.

Mô hình mới lạ

Ông Kaufman- người vốn đã bất mãn về nền giáo dục Mỹ đương đại từ lâu, đang nghiên cứu kế hoạch phát triển mô hình giáo dục mới lạ của mình.

Việc thành lập 9 trường cao đẳng con, trong đó có một trường luật và một trường nghệ thuật, sắp được đưa ra bàn luận tập thể.

Mỗi trường sẽ có hai chủ nhiệm khoa, một nam và một nữ, để tạo tính bình đẳng giới.

 “Người ta cho là điên khùng, nhưng chúng tôi sẽ vẫn tiến bước để hiện thực hóa lý tưởng. Chúng tôi tin rồi đây chúng tôi sẽ làm nên một cuộc cách mạng”.

Những lớp học tạm thời thế này có vẻ như không bình thường lắm, nhưng không phải là trường hợp duy nhất.

“Trước đây, cũng có một số trường ĐH miễn phí kiểu này ở cả Mỹ nói chung và khu vùng Vịnh nói riêng”, ông John Hurst- giáo sư danh dự của ĐH Berkeley,California cho hay.

Tuy nhiên, với mức chi phí cho giáo dục cao ngất ngưởng ở thời điểm hiện tại, mô hình này cũng khá phù hợp.

Theo thống kê nợ của sinh viên của môt tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, trung bình một sinh viên California “ôm” khoản nợ khoảng 17.000 đôla sau khi ra trường, và tổng nợ của sinh viên trong toàn quốc đã vào khoảng gần 1.000 tỷ đôla. Học phí ĐH đã tăng 400% kể từ những năm 1980- tốc độ còn nhanh hơn cả tốc độ leo thang của chi phí cho y tế.

 “Đây là một động thái phản ứng lại quá trình thương mại hóa tri thức. Đã không còn giáo dục đại học công lập miễn phí ở California”, ông nhận định.

Tất nhiên, theo ông Hurst, câu hỏi lớn đặt ra là: trường ĐH miễn phí này có thể giữ chân được những giảng viên tình nguyện trong bao lâu? Ông không hy vọng nhiều vào sự tồn tại lâu dài của nó nếu không có bất kỳ hoạt động trao đổi tài chính nào.

Theo ông, “mô hình này cần phải xây dựng dựa trên nguyên tắc bền vững. Chưa có trường ĐH nào thực sự “miễn phí” trong cả một quá trình dài. Dù sớm dù muộn thì người ta cũng vẫn phải sống thôi”.

Tuy nhiên, cả sinh viên và giảng viên của trường (thường có thể hoán đổi vai trò cho nhau) lại tràn trề hy vọng.

Evan Karp- nhà văn và nhà sáng lập trang web, cùng với Andrew Paul Nelson giảng dạy về Friedrich Nietzsche.

Ông tâm sự với sinh viên rằng: “Tôi không biết mình đang hy vọng gì nữa. Mọi người đều rất nhiệt tình. Và tất nhiên, đó chính là những trải nghiệm tôi thực sự muốn có hồi còn ngồi trên ghế giảng đường”.

Dù trường ĐH miễn phí có thể không tồn tại được lâu, nhưng ý nghĩa của nó có thể phổ biến rộng rãi.

Theo ông Cohen, “Một khi người ta đã nắm bắt được nhu cầu lớn về những khóa học kiểu đó, có thể sẽ có những tổ chức khác tiếp tục ý tưởng của bạn. Luật sư còn có thể “cãi” miễn phí, vậy tại sao đại học lại không nhỉ?”

Lơ Nguyễn (Theo New York Times)