UBND TP Hà Nội vừa có quyết định đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại
xã phường, thị trấn với đầu vào là sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy các trường công
lập.
Đây là một phần trong Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn giai đoạn 2012-2015 của TP Hà Nội, để thay thế những công chức về hưu.
>> Tại sao Nam Định 'nổ súng' vào dân lập, tại chức?
>> Nam Định đã thức tỉnh rất lớn...
>> Đà Nẵng không tiếp nhận sinh viên tại chức
>> "Nói không" với tại chức, Đà Nẵng không phạm luật
>> Đà Nẵng "nói không", Bộ Giáo dục nói gì?
Đối tượng được đào tạo là sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, học viện công lập, hệ chính quy loại khá trở lên, có nguyên vọng trở thành công chức nhà nước của thành phố. Chỉ tiêu đào tạo cụ thể theo 5 chức danh, gồm: 98 chỉ tiêu văn phòng - thống kê; 146 chỉ tiêu tư pháp - hộ tịch; 85 chỉ tiêu địa chính - xây dựng; 137 chỉ tiêu văn hóa - xã hội; 34 chỉ tiêu tài chính - kế toán.
Các học viên phải có hộ khẩu Hà Nội, nếu không có thì phải tốt nghiệp ĐH công lập hệ chính quy loại giỏi, đúng ngành đào tạo công chức nguồn; bằng tốt nghiệp tiến sĩ hoặc thạc sĩ đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc ĐH công lập hệ chính quy, phù hợp chỉ tiêu đào tạo công chức nguồn. Nếu là người dân tộc ở các xã miền núi của thành phố phải tốt nghiệp ĐH công lập chính quy loại trung bình khá trở lên, đúng ngành, chuyên ngành đào tạo công chức nguồn.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng “tiết lộ” trên báo Gia đình và Xã hội, Hà Nội đang đào tạo nguồn công chức tương lai, trong đó thí sinh đầu vào phải tốt nghiệp ĐH chính quy.
“Chạy” để được thi và đỗ công chức
Tại phiên làm việc sáng 7/12 của HĐND TP Hà Nội với nội dung xem xét, thông qua
Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của TP Hà Nội năm 2013, ông Trần
Trọng Dực -Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã khiến hội trường lặng đi với
những phát biểu thắng thắn về tiêu cực trong việc thi công chức Hà Nội.
Ông Dực thông tin: “Có thí sinh làm bài không sai một dấu chấm, dấu phẩy trong đáp
án, điểm tối đa 100%; Ở một số đơn vị phải chạy để được thi, chạy để được đỗ, người
ta nói rằng dưới 100 triệu không có chuyện thi đỗ công chức đâu. Tôi xin mách với các
đồng chí là Trưởng phòng Nội vụ của các quận, huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ
và nhận tiền chạy của những người thi…”.
Đánh giá về năng lực công chức của đơn vị mình, ông Dực cho biết, có khoảng 30% công chức làm việc tốt, 35% công chức viên chức khá và trung bình; số còn lại chưa yên tâm khi giao công việc. Ông Dực cho rằng, đây là “tồn tại lịch sử” khi có đến 20 - 30% công chức đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được công việc nhà nước giao.
Trước đó, một số báo đã có loạt bài phản ánh những tiêu cực trong kỳ thi tuyển
công chức Hà Nội năm 2011 (được tổ chức trong tháng 2/2012). Tuy nhiên, trong công
văn phản hồi Sở Nội vụ Hà Nội lại nêu: “Trong những năm qua, thành phố Hà Nội là đơn
vị luôn hoàn thành tốt công tác tuyển dụng… được các tỉnh thành phố trong nước đến
học tập kinh nghiệm”.
Công chức Thủ đô phải có bằng chính quy
Trước ý kiến của đại biểu HĐND thành phố về chất lượng, hiệu quả trong công việc của
một bộ phận công chức Thủ đô hiện nay, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho rằng có
nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ “tồn tại của lịch sử”.
Theo ông Sáng, trong những năm qua số công chức được tuyển mới là rất ít so với tổng
số công chức đang làm việc tại các cơ quan ban ngành của Thủ đô. Ông Sáng thừa nhận,
qua đánh giá cho thấy một bộ phận công chức chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Tuy
nhiên, hàng năm thành phố đều có lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và chính trị để
nâng cao chất lượng cán bộ công chức.
“Bên cạnh đó, ngoài việc lắp đặt camera giám sát để theo dõi toàn bộ việc thực thi
nhiệm vụ của công chức tại bộ phận một cửa. Ban Tuyên giáo và Sở Nội vụ sẽ triển khai
việc lấy phiếu đánh giá của nhân dân và doanh nghiệp với các sở ngành, xã phường để
có thể chỉ rõ nơi nào, cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Sáng cho biết.
Giám đốc Sở Nội vụ “tiết lộ”, UBND thành phố đã có dự định sẽ tổ chức đào tạo cán bộ
nguồn, trong năm 2013 sẽ mở 1 lớp với 500 học viên và năm 2014 tiếp tục đào tạo 1 lớp
với số học viên tương tự. Đầu vào của các lớp đào tạo trên là các thí sinh đã tốt
nghiệp ĐH chính quy, tập trung, có bằng khá trở lên. Sau khi được tuyển, các học viên
sẽ được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng xử lý tình huống trong 18 – 24
tháng, rồi đưa về các xã phường, làm việc. “Sau 5 năm, họ sẽ là nguồn bổ sung có chất
lượng thay thế những công chức nghỉ hưu”, Giám đốc Sở Nội vụ nói.
(Theo Gia đình & Xã hội, Giáo dục thời đại)