- Năm học 2012-2013 TP.HCM cần tuyển 3.049 nhưng chỉ tuyển được hơn 2.000 người. Sáng 24/1, Sở GD-ĐT TP.HCM đã cùng ngồi lại với hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ khối ngành sư phạm tìm nguyên nhân.

TP.HCM đang thiếu giáo viên ở mọi cấp học

Thiếu cả lượng và chất

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, nhiều ngành tuyển được ít giáo viên như mầm non chỉ tuyển được 580 /751 giáo viên, bậc tiểu học chỉ tuyển được 425 người/1080 giáo viên, THCS tuyển được 459 người /850 giáo viên, các bậc học còn lại như giáo viên THPT, giảng viên đều tuyển thiếu chỉ tiêu so với dự kiến.

Đã thiếu lại không tuyển đủ nguồn giáo viên, tuy nhiên chất lượng sinh viên các trường sư phạm trên địa bàn thành phố đang được đánh giá là thấp so với yêu cầu.

Bà Trương Thị Việt Liên, phó phòng GDMN (Sở GD-ĐT TP.HCM) nhiều giáo viên ra trường yếu, lúng túng trong tổ chức lớp học, thiếu trầm trọng kĩ năng giao tiếp, thiết kế, chưa yêu nghề, yêu trẻ nên không găn bó lâu dài, thậm chí có giáo viên mới thử việc được 2 tháng đã nghỉ việc. Hiện nay ngành mầm non thành phố còn thiếu 1258 người nhưng chưa tuyển được.

Trong khi đó, ông Thái Quốc Tuấn - phó Phòng GD Trung học cũng nêu ý kiến, đối với ngành GD trung học, nhiều SV ra trường chưa có kinh nghiệm trong soạn, giảng bài và không có kinh nghiệm trong quản lý lớp học nên không thể bố trí làm GV chủ nhiệm lớp…

Ông Lê Ngọc Điệp, Trường phòng GD Tiểu học bày tỏ, có khoảng 75% người dân hài lòng với giáo viên tiểu học, đó là một đóng góp rất lớn của các trường sư phạm .Tuy nhiên các trường sư phạm cần đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học theo chuẩn giáo viên. GV dạy giỏi hay kém cũng từ trường sư phạm mà ra, vì vậy các trường sư phạm và Sở cùng chịu trách nhiệm về năng lực của GV.

“TP.HCM phải có một trường thực nghiệm sư phạm, không thể nào hơn 500.000 HS tiểu học, 2 trường ĐH Sư phạm lớn mà không có một trường thực hành sư phạm được” - ông Điệp đề xuất.

Chương trình lạc hậu

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, sẽ không có gì ngạc nhiên khi nhiều người chê SV sư phạm ra trường làm nghề yếu. Bởi trong khi ở các nước trên thế giới đào tạo tốt nghiệp ĐH xong, SV được học thêm 1 năm, sau đó cử xuống các trường thực nghiệm để rèn luyện kĩ năng, kinh nghiệm thì ở Việt Nam các trường sư phạm mong muốn có một trường thực nghiệm để cử SV xuống thực tập nhưng hiện tại chưa hề có.

Bà Hồng khẳng định “Nếu chúng tôi có một trường thực nghiệp sư phạm, chúng tôi sẽ cho các sinh viên xuống thực tập thường xuyên ngay từ năm thứ nhất thay vì 6 tuần thực tập cuối khóa như hiện tại khi đó sẽ không phải lo ngại vấn đề chất lượng.”

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Đỗ Văn Dũng thì cho rằng, muốn có đội ngũ SV ra trường chất lượng cao thì phải thay đổi chương trình học xuất phát từ chuẩn đầu ra, từ điểm xuất phát này mới giải quyết được toàn bộ điểm yếu hiện nay.

“Lâu nay tình trạng người đào tạo cứ đào tạo, người tiếp nhận cứ tiếp nhận, chương trình dạy cho SV hôm nay đến 3 đến 4 năm sau ra trường đã lạc hậu. Vì vậy cần dạy cho SV cách tiếp cận và phương pháp tự học, đặc biệt các trường sư phạm nên tạo cho giáo sinh ngay trong trường ĐH cách học mới để ra trường họ truyền tải cho các học sinh cách học mới” – lời ông Dũng.

Ông Trần Xuân Tế, hiệu trưởng Trường Quản lý Cán bộ TP.HCM đề xuất, "cần thành lập hội hiệu trưởng các trường khối ngành sư phạm để giải quyết những vấn đề bức xúc trong giáo dục…”

Dự kiến đến năm 2015 ngành giáo dục thành phố cần 136.122 cán bộ, giảng viên, GV trong đó ngành GDMN cần 44.311 người (tăng 28.002); tiểu học 33.876 (tăng 16.514); THCS 33.277 GV (tăng 17.322) THPT 16.068 GV (tăng 4270 ) khối chuyên nghiệp và trung tâm GDTX cũng cần 8590 người (tăng 521).

Số lượng cán bộ, giáo viên, giảng viên thành phố cần đến năm 2020 để đáp ứng cho ngành giáo dục cũng tăng không kém khoảng 172.613 GV trong đó GV mầm non 53.380 GV (tăng 9069 người); GV tiểu học 40.661 người (tăng 6785); THCS 46500 (tăng 13.323) THPT 18.674 (tăng 2660); khối chuyên nghiệp và TTGDTX cần 13.398 (tăng 4808).


  • Lê Huyền