- Thế là một trái tim suốt đời tải nhiệt huyết cho khoa học, suốt đời đào tạo, truyền lửa cho học trò đã ngừng đập. Người mang trái tim ấy – GS Nguyễn Tài Cẩn – đã giã từ dương thế về trời, để lại phía sau một khoảng trống trong học giới;. Và trong lòng chúng tôi, bên sự buồn thương, nhớ tiếc của đạo học trò đối với Thầy, là hiện hữu cảm giác đứng trước vạn trùng cách biệt. Cánh hạc đã bay lên vút tận trời.
Đó là những dòng mở đầu trong bài viết "Cánh hạc vút bay" mà tác giả Vũ Đức Nghiệu gửi tới VietNamNet sau khi nhận được tin GS Nguyễn Tài Cẩn từ trần. Tác giả là một trong những học trò gần gũi với GS Nguyễn Tài Cẩn, hiện đang đảm nhiệm công việc hiệu phó Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Dưới đây, VietNamNet giới thiệu nội dung bài viết.
GS Nguyễn Tài Cẩn nói chuyện tại quê nhà (Nghệ An) đầu năm 2009. |
Mười năm làm chủ nhiệm bộ môn và kể cả sau này khi không giữ cương vị ấy nữa, chí hướng tổ chức, xây dựng và phát triển ngành vẫn luôn luôn thôi thúc Thầy.
Cái ý thức trăn trở, mong muốn quốc tế hoá mà hôm nay đang nói tới hàng ngày và gắng sức thực hiện, Thầy đã cùng các đồng chí, đồng sự của mình, bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực, không ồn ào, thực hiện từ ngày đó (ông rất dị ứng, nếu không muốn nói là ghét, sự ồn ào phô trương).
Chương trình, giáo trình được tham khảo, cập nhật từ nước ngoài qua kênh các ĐH của Liên Xô, tìm người có chuyên môn thích hợp đưa về khoa hoặc tìm chọn người gửi ra nước ngoài đào tạo những chuyên ngành mới mà thế giới có, ngành học và đất nước cần… để mở các môn học, các chuyên ngành: Ngôn ngữ học ứng dụng, Ngôn ngữ toán, Ngôn ngữ học thống kê, Ngôn ngữ học thần kinh, Ngữ âm thực nghiệm, Logic học, Dịch thuật… có người để nghiên cứu và tổ chức giảng dạy, chính là ở cái thời “lên hương” ấy, giữa khi đất nước còn ngập tràn gian khó trong chiến tranh bom đạn.
“Là cái nghiệp thì nó vậy”. Thầy thường nói với những học trò đã trở thành đồng nghiệp như thế. Tôi hiểu, ấy là cái phương châm “hối nhân bất quyện” (dạy không biết mỏi) mà cụ Khổng đã giáo huấn từ xưa.
Trong các nghiên cứu ấy, Thầy chưa bao giờ dùng một đồng nào của kinh phí nghiên cứu khoa học do nhà nước cấp… |
Chỉ tính riêng các thế hệ thầy cô hiện đang làm việc ở khoa Ngôn ngữ học, từ Thầy trở xuống, đã là “ngũ đại đồng đường”.
Nghỉ hưu đã lâu, nhưng các hoạt động khoa học trong khoa, trong trường, Thầy đều theo dõi sát và vẫn đến tham gia hoặc trực tiếp giảng dạy khi có điều kiện.
Lĩnh vực nghiên cứu của Thầy thật rộng: từ ngữ pháp đương đại đến ngữ âm lịch sử và lịch sử tiếng Việt, từ cách đọc Hán Việt đến những vấn đề về văn tự học Hán Nôm, từ ngôn ngữ tác giả, tác phẩm đến ngôn ngữ văn học, văn bản học và và cổ thi…
Chưa nói đến các bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, các tuyển tập trong và ngoài nước, chỉ kể sách thôi, thì có lẽ trước hết phải là những cuốn như:
Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ (1975), Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại (1975), Grammatika Vietnamskogo Jazưka (Ngữ pháp tiếng Việt – viết cùng N. Stankevich và Bưstrov), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (1979), Một số vấn đề về chữ Nôm (1985) , Lịch sử ngữ âm tiếng Việt (1995), Ảnh hưởng của Hán văn Lí Trần (qua thơ Nguyễn Trung Ngạn) (1998), Tìm hiểu kĩ xảo hồi văn liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thuỷ của Thiệu Trị (1998), Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá(2001), rồi cuốn khảo cứu về tập Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (2008), hai công trình khảo cứu lớn về Truyện Kiều: Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872. (2002), Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu (2004)…
Vài điều về ba trong các cuốn sách ấy
Cuốn Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ có hai cái giá trị nhất là: đề xuất áp dụng khái niệm “tiếng” tương ứng với khái niệm hình vị cho ngữ pháp tiếng Việt, và miêu tả cấu trúc danh ngữ tiếng Việt.
Chính việc đề xuất áp dụng và minh định giá trị ngữ pháp của “tiếng” đã tạo nên bước chuyển biến có tính bản lề, đem đến những đổi mới sâu sắc trong nhận thức của giới Việt ngữ học nói chung khi miêu tả tiếng Việt, khiến việc miêu tả cấu trúc tiếng Việt đương đại trở nên sát thực, đúng với cái nó vốn là như thế hơn.
Kết quả nghiên cứu lớn, có thể không ít,
nhiều người có thể có, nhưng kết quả nghiên cứu có tác động đến và làm
thay đổi được nhận thức của cả một giới nghiên cứu, chắc chắn là không
nhiều. Nguyễn Tài Cẩn có được điều đó.
Kết quả nghiên cứu lớn, có thể không ít, nhiều người có thể có, nhưng kết quả nghiên cứu có tác động đến và làm thay đổi được nhận thức của cả một giới nghiên cứu, chắc chắn là không nhiều. Nguyễn Tài Cẩn có được điều đó.
Cũng trong công trình này, vì nhiều lí do khác nhau, để tránh những đảo lộn quá lớn, ý tưởng mới của Thầy về thành tố trung tâm (thành tố chính), của danh ngữ đã được trình bày bắt đầu ở trang 216 (bản in năm 1975) với cái tên “hai thành tố T1 và T2 ở bộ phận trung tâm”, mà gần đây, nhà ngữ học tài danh Cao Xuân Hạo và những người khác trong các nghiên cứu về vấn đề này, thường đề cập và đánh giá rất cao.
Tại điểm c. trang 216 đó, có mấy điều trình bày, tuy nhẹ nhàng, thậm chí có phần hơi “ẩn nhẫn” nữa, nhưng thật sự là một tư tưởng trong phân tích ngữ pháp đương đại đối với vấn đề hữu quan.
Chính nhờ vậy mà trong giáo trình, với một tập hợp cứ liệu dày đặc, được kiểm chứng cụ thể, tỉ mỉ, nguồn gốc và quá trình diễn biến của các âm thuộc hệ thống âm đầu, âm đệm, nguyên âm, âm cuối và thanh điệu tiếng Việt, các bước đường diễn biến của ngữ âm tiếng Việt từ thời Proto Việt Chứt (ứng với thuật ngữ Proto Việt Mường quen thuộc) qua giai đoạn phân chia thành hai nhánh Poọng – Chứt và Việt – Mường, rồi từ Việt Mường chung đến Nguồn, Mường và Việt tách riêng, từ Việt sơ kì đến Việt cận đại… trở nên dễ hình dung hơn rất nhiều.
Cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt công bố lần đầu năm 1979, tái bản có hiệu chỉnh bổ sung năm 2000 là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề này một cách hệ thống và cơ bản nhất.
Ngoài các giá trị khoa học khác mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập, giới thiệu, điều đặc biệt mà tôi muốn nói thêm là, khác với công trình của B. Karlgren (1915), H. Maspero (1912), T. Mineya (1972), Vương Lực (1958), Lí Vinh (1952), J. Hashimoto (1984), S.A. Starostin (1989), công trình này phục nguyên, xác định hệ thống 8 nguyên âm trong Thiết vận (không hẹn mà gặp, năm 1992, W.H. Baxter cũng phục nguyên hệ thống 8 nguyên âm); đồng thời nghiên cứu cả quá trình diễn biến qua các giai đoạn khác nhau của hệ thống phụ âm, hệ thống vần tiếng Hán suốt từ thời Thiết vận cho đến thời kì hình thành cách đọc Hán Việt.
Quá trình diễn biến, chuyển đổi qua các giai đoạn trong thời gian ba thế kỉ đó, không thể nói là không có, cả H. Maspero lẫn S.A. Starostin đều đã bỏ qua. H.Maspero đã chỉ trình bày hệ thống ngữ âm tiếng Hán ở hai thời điểm: thời điểm của Thiết vận rồi chuyển luôn sang hệ thống ở vào thời điểm hình thành cách đọc Hán Việt. Một trong những cái khác và hơn của công trình Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt so với công trình của H. Maspero chính là ở đó.
Trong các nghiên cứu ấy, Thầy chưa bao giờ dùng một đồng nào của kinh phí nghiên cứu khoa học do nhà nước cấp… |
Trong số các sách ấy, một cụm công trình đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh giữa lúc Thầy không ở Hà Nội, các đồng nghiệp và học trò của Thầy tự khai báo và đề nghị xét chọn.
**********************************
Quý vị chia buồn với gia đình GS Nguyễn Tài Cẩn theo email:
bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc mẫu phản hồi dưới đây: