- Từ ngày 1/3 Hà Nội chính thức triển khai việc bí mật ghi hình học sinh vi phạm giao thông khi tới trường và sử dụng điện thoại sai mục đích.


Ảnh: Hà Nội Mới

Theo kế hoạch phối hợp thực hiện giữa Sở GD-ĐT và Công an thành phố Hà Nội, bắt đầu từ đầu tháng 3 này, tại 5 trường THPT sẽ bắt đầu triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và quản lý sử dụng điện thoại di động đúng mục đích trong và ngoài nhà trường.

5 điểm trường được lựa chọn là: THPT Quang Trung (Đống Đa), THPT Kim Liên (Đống Đa), THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình), THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm) và THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm).

Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, học sinh các trường chưa đủ 18 tuổi không được điều khiển mô tô, xe máy tham gia gia giao thông và đi đến trường. Khi ngồi sau xe máy, phải đội mũ bảo hiểm cài quai theo quy định và không ngồi 3 - 4 người trên mô tô, xe máy.

Khi tham gia giao thông bằng xe đạp thì không đi dàn hàng ngang và không đúng phần đường. Sau khi tan trường, không đứng tụ tập dưới lòng đường gây cản trở giao thông

Về việc sử dụng điện thoại, các học sinh tuyệt đối không sửa dụng trong giờ học, giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, giờ sinh hoạt tập thể trong trường và trong phòng thi.

Ngoài các giờ quy định trên, học sinh không sử dụng điện thoại vào mục đích như gọi điện, nhắn tin có nội dung xấu, ghi hình ảnh thiếu lành mạnh, phát tán trên mạng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, bạn bè và người thân.

Kế hoạch sẽ được thực hiện từ tuần đầu tiên của tháng 3 cho tới hết tháng 12/2011.

Sở yêu cầu, 5 trường THPT "ra quân" thí điểm đợt đầu phải có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục và thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông và quản lý học sinh sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích trong và ngoài trường. 


Thượng tá Vũ Minh Chính, Phó trưởng phòng An ninh chính trị  nội bộ thành phố Hà Nội (PA83) băn khoăn, việc giám sát học sinh tham gia giao thông thì dễ hơn, còn điện thoại là vấn đề khó.


Để biết nội dung tin nhắn có "đúng mục đích" hay không phải kiểm tra. Thực tế, có nhiều vụ hẹn hò đánh nhau tập thể, quay clip có nội dung xấu phát tán trên mạng...cũng từ điện thoại mà ra. Do đó, trong quy định cần làm rõ những lời nói, hình ảnh nào thì cấm.


Phó Trưởng Công an quận Đống Đa Nguyễn Hữu Thắng, nếu cấm không cho học sinh sử dụng ĐTDĐ cũng gây khó khăn cho phụ huynh. Thực tế, nhiều phụ huynh trang bị điện thoại di dộng cho con chỉ để quản lý cho dễ. Do vậy, cần xem xét quy định thế nào là "đúng mục đích".


Trên báo Hà Nội Mới cũng trích dẫn ý kiến cho rằng cần có những biện pháp “mạnh tay” để tạo sự chuyển biến. “Chỉ khi nào phụ huynh ủng hộ nhà trường, không giao xe cho con cái sử dụng, lúc đó mới cấm được học sinh đi xe máy đến trường”; cần xử lý các bãi giữ xe “tiếp tay” cho học sinh.

Thậm chí, học sinh vi phạm pháp luật ATGT sẽ bị "bêu" trên bảng tin ATGT của trường, đưa vào tiêu chí xếp loại hạnh kiểm và  cán bộ quản lý, giáo viên cũng phải chịu trách nhiệm nếu để học sinh của mình vi phạm”

 

Trên diễn đàn VietNamNet, những thảo luận về ứng xử với hiện trạng học sinh đi xe máy phạm luật giao thông hay dùng di động khi tới trường suốt gần 10 ngày qua đang được nhiều phụ huynh, học sinh và xã hội lưu tâm.

  • Kiều Oanh - Văn Chung