Sau chuyện “cổng trường cắm cờ Trung Quốc”, lại có một cuốn sách nữa do tác giả Việt Nam biên soạn dạy tiếng Việt cho trẻ em cũng in cờ Trung Quốc.
Sách in cờ Trung Quốc không phù hợp với trẻ Việt
Bộ GD nói gì về sách cắm cờ Trung Quốc?
Sao cổng trường cắm cờ Trung Quốc?
Bộ GD nói gì về sách cắm cờ Trung Quốc?
Sao cổng trường cắm cờ Trung Quốc?
Trang sách dạy các em học chữ C (trong cuốn Bé làm quen với chữ cái) có in lá cờ của Trung Quốc - Ảnh: Tuấn Phùng |
Kiểm tra thông tin do bạn đọc cung cấp cho biết sách học vần của trẻ em cũng vẽ cờ Trung Quốc, chúng tôi dễ dàng tìm thấy ở nhà sách Lý Thường Kiệt và nhà sách Tiền Phong (Hà Nội) cuốn Bé làm quen với chữ cái (hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1) của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, NXB Đại Học Sư Phạm, được nộp lưu chiểu tháng 1-2012. Ở bài 14 (học chữ C) có in những con vật, đồ vật có chữ cái là “C”, trong đó có lá cờ của Trung Quốc.
Bìa cuốn Bé làm quen với chữ cái - Ảnh: Tuấn Phùng |
Trao đổi với phóng viên, vị phụ huynh lỡ mua sách này cho con bức xúc: “Tuy không có quy định sách bán tại Việt Nam chỉ được in cờ Việt Nam nhưng những loại sách dạy trẻ em Việt Nam học tiếng Việt mà lại in cờ nước khác là việc khó chấp nhận được. Cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng cần để cho trẻ em làm quen với hình ảnh này, không thể giới thiệu cờ nước khác cho những đứa trẻ lần đầu tiếp cận với tiếng Việt”.
Ông Đinh Văn Vang - tổng biên tập của NXB Đại học Sư Phạm, người chịu trách nhiệm về nội dung các đầu sách của NXB phát hành - cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận từ tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà nội dung cuốn sách, gồm cả phần chữ và hình ảnh. Chúng tôi phát hiện trong một bài có vẽ cờ Trung Quốc và đã đề nghị sửa vì không phù hợp khi sử dụng cho đối tượng trẻ em Việt Nam. Hiện tại bản sách chúng tôi phát hành đã in cờ Việt Nam”.
Như vậy đúng theo lời ông Vang thì hiện có hai bản sách (cùng một tên sách, tên tác giả và tên NXB) cũng được nộp lưu chiểu vào thời điểm tháng 1-2012, một bản in cờ Việt Nam, một bản in cờ Trung Quốc. Nhưng tại hai nhà sách kể trên chỉ xuất hiện bản “in cờ Trung Quốc” mà không tìm thấy bản “in cờ Việt Nam”. Giải thích về sự khó hiểu này, ông Vang cho biết: “Chúng tôi đang liên lạc với tác giả để làm rõ chuyện này. Nếu cuốn sách được in ra với bản có “cờ Trung Quốc” thì chắc chắn là bản in mạo danh NXB Đại Học Sư Phạm” - ông Vang khẳng định.
Theo tác giả cuốn sách, bà Nguyễn Thị Thúy Hà thì những cuốn sách “vẽ cờ Trung Quốc” chỉ là bản in thử được mang gửi ở một số nhà sách(?).
Ông Vang cho biết chiều 6-3 đã đề nghị tác giả đi thu hồi toàn bộ cuốn sách “in thử” có vẽ cờ Trung Quốc.
(Theo Vĩnh Hà/ Tuổi Trẻ)