- Có thể nói lãng phí trong giáo dục do những nguyên nhân về tư duy, nhận
thức, năng lực quản lý và trên nền kinh tế còn khó khăn.Nếu muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục rất cần các nhà quản lý có cái tâm và thêm cái tầm, cùng với văn hóa đổi mới và hành động quyết liệt hơn - độc giả Tuấn Minh (Singapore) nêu quan điểm.
>> ASEAN bàn thời sự giáo dục tại Việt Nam
>> 'Vì danh dự nền giáo dục, SGK phải viết lại'
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
"Bốc thuốc" phải đúng liều
Trong điều kiện kinh tế của Việt Nam, đầu tư cho giáo dục theo đầu người đi học vào hàng các quốc gia có mức đầu tư thấp nhất thế giới khoảng 1/35-1/40 lần so với đầu tư của các nền kinh tế phát triển.
Chỉ nhìn vào chi phí đơn vị ai cũng có thể thấy nền giáo dục của ta có hiệu quả khá cao. Nhưng giáo dục không thể tính toán hiệu quả đơn thuần theo tỷ lệ kinh tế. Với mức độ đầu tư cho giáo dục không tương thích, quản lý lại thiếu hiệu quả làm cho những "con bệnh" chất lượng giáo dục yếu kém chưa biết bao giờ khỏi.
Việc tăng quy mô đào tạo để bù lại những chi phí do mức đầu tư và học phí thu được thấp đã tạo nên sự hỗn loạn trong hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH do các trường đều cố gắng mở rộng quy mô trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Vì thế, việc chuyển từ mô hình số lượng sang mô hình chất lượng đang gặp phải những thách thức rất lớn về nguồn lực và về quản lý vĩ mô đối với giáo dục.
Chi phí thấp, có thể xem là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và là tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến cơ hội việc làm và thu nhập của người học. Sản phẩm của giáo dục là sản phẩm không thể hư hỏng và rất khó có sửa chữa được.
Nếu “sản phẩm” hỏng thì lại phải làm lại từ đầu (học lại) và nhiều khi không thể làm lại được. Sau 4, 5 năm học để ra trường nhận được “cái bằng thất nghiệp” là điều không mong muốn và là sự lãng phí rất lớn.
Xã hội rộ lên việc chê bai tại chức và liên thông do chất lượng không đảm bảo và lòng tin vào giáo dục bị xói mòn. Thanh niên lại không muốn đi học nghề, thà ở nhà chờ thêm năm nữa vẫn còn hơn là học nghề xong rồi không có việc làm.
Nhớ lại cách đây mấy năm, những cái lãng phí lớn nhất do tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, đào tạo không theo nhu cầu xã hội đã được Bộ Giáo dục chỉ ra và cho thấy “con bệnh” đã được bắt trúng mạch nhưng điều trị căn bệnh này xem chừng vẫn chưa "trúng thuốc" và một vài trường hợp có thể chưa "đúng liều".
Tiêu cực trong dạy - học và trong thi cử làm “lãng phí” nguồn lực con người, tạo ra sự tha hóa của một hệ thống giáo dục và ảnh hưởng đến phẩm chất người lao động hiện tại, tương lai do nền giáo dục đó tạo ra...
Tránh lãng phí
Một vài vấn đề nêu trên mới chỉ là bề ngoài của một hệ thống giáo dục thiếu hiệu quả. Quan tâm hơn nữa đến hệ thống này khiến cho người ta còn nhiều điều phải suy nghĩ về sự lãng phí ghê gớm do tự bản thân nó gây ra.
Đối với hầu hết các quốc gia, đào tạo trình độ CĐ chỉ mất có 2 năm sau tốt nghiệp hệ 12 năm THPT, nhưng ở ta hầu hết mọi trường CĐ đều đào tạo 3 năm (12 năm THPT + 3 năm sau trung học) để có trình độ CĐ.
Nếu tính một năm có khoảng 200.000 sinh viên được tuyển vào hệ CĐ học trong 3 năm thì cũng bằng chừng ấy số thanh niên mất chi phí cơ hội một năm (nếu ra thị trường lao động sớm), chiếm chỗ ngồi của hàng trăm ngàn sinh viên khác, đất nước thiếu hàng trăm nghìn người lao động có trình độ CĐ, chi phí phòng học, điện nước, năng lượng, giảng viên, chiếm thêm chỗ ngồi của 200.000 sinh viên khác...do phải mất thêm một năm học hệ CĐ 3 năm.
Nếu bạn làm một phép tính đơn giản lương một người tốt nghiệp CĐ được trả khoảng 3 triệu/ tháng và nhân cho 12 tháng thì chi phí cơ hội của khoảng 200.000 sinh viên CĐ sẽ vào khoảng 7,2 nghìn tỷ một năm do phải ngồi lâu hơn một năm trên ghế nhà trường. Nếu tính thêm những chi phí khác trong khoảng 10 năm thì con số lãng phí sẽ rất khủng?
Mỗi năm có đến trên 300 ngàn học sinh tốt nghiệp THPT vào học hệ TCCN, sau 2 năm được cấp một cái bằng gọi là TCCN, rất lãng phí và thiệt thòi so với người học ở quốc gia khác.
Cái sự lãng phí này nếu tính ở cả giáo dục phổ thông do chương trình thiếu liên thông, tích hợp những kiến thức học ở phổ thông hệ 12 năm lại không được miễn trừ ở chương trình CĐ, ĐH. Tại sao lại không chuyển hệ 12 năm thành hệ 11 năm để cho người học sớm gia nhập vào thị trường lao động?.
Chính vì cái cơ cấu hệ thống rối nên góp phần làm hàng trăm nghìn học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm không vào học các trường dạy nghề để trở thành lao động có tay nghề thì sự lãng phí chẳng thể nào tính được.
Hai là, lãng phí sinh ra từ việc đổi mới chương trình SGK ở phổ thông giai đoạn vừa qua thiếu tính tiêu chuẩn, mua sắm không đồng bộ với đội ngũ giáo viên, điều kiện lắp đặt, nguồn năng lượng, chất lượng đồ dùng thiết bị. Lãng phí này không phải chỉ tồn tại ở hệ thống các trường phổ thông mà có thể thấy ở nhiều trường dạy nghề, CĐ và ĐH.
Ba là, lãng phí sinh ra do năng lực quản lý yếu kém của các nhà quản lý giáo dục cấp cơ sở. Những lãng phí về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, con người có thể xem là những lãng phí khá điển hình ở nhiều trường học.
Bốn là, lãng phí trong nghiên cứu. Nhiều đề tài nghiên cứu trong các trường ĐH, học viện thiếu tính ứng dụng, làm xong không dùng được trong thực tế, không gắn nghiên cứu với đào tạo và với sản xuất...
Năm là, sự quản lý hành chính về giáo dục đang bị chồng chéo do nhiều cơ quan tham gia quản lý giáo dục đã gây ra những lãng phí không nhỏ cho người dân. Sự bất cập trong quản lý dạy nghề đã sinh ra các trình độ của dạy nghề và của giáo dục khó hiểu khiến cho việc hội nhập quốc tế rất khó khăn trong việc công nhận văn bằng, xuất khẩu lao động và học tập ở khu vực, thiếu khả năng hội nhập quốc tế.
Trong lần về nước gần đây, một chuyên gia giáo dục nói rằng: "Việt Nam muốn hội nhập giáo dục với bên ngoài, trong nước cần hội nhập trước?"
- Tuấn Minh (Singapore)